Cách mạng 4.0 và xu hướng mới trong lĩnh vực logistics

14/12/2017 11:12

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo... được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu.

(Vietnam Logistics Review)Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo... được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu.

CMCN 4.0 trước tiên sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, tạo nên sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất, sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số tạo nên sự xuất hiện internet vạn vật (Internet of Things - IoT) sẽ thay đổi nhanh chóng, sâu rộng toàn bộ chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, logistics đến dịch vụ khách hàng, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển. Cách mạng CN 4.0 được xem là làn sóng mới, tất yếu sẽ tạo ra trong tương lai những xu hướng mới trong lĩnh vực logistics.

Logistics thông minh

Hệ thống máy tính tự động kiểm soát toàn bộ quá trình làm việc. Với công nghệ web hiện đại, sẽ cho phép tương tác trực tiếp giữa những người liên quan nên việc lưu trữ, phân phối, vận chuyển, hàng hóa sẽ thay đổi so với cách thức hiện nay. Việc quản lý dịch vụ thông qua công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ thông qua mạng internet sẽ tạo ra các mô hình kinh doanh mới, các kênh phân phối mới phá vỡ thiết kế logistics truyền thống.

Nhà máy thông minh

Công nghệ mới tạo ra những nhà máy thông minh với tính năng nổi bật là các thành phần của các module sản xuất độc lập và có khả năng giao tiếp với nhau nhờ sự trợ giúp của hệ thống thông tin. Con người lúc này đóng vai trò hỗ trợ, điều hành quá trình sản xuất. Hoạt động của nhà máy thông minh thể hiện ở cả 3 giai đoạn: nhà cung cấp, quá trình sản xuất và khách hàng. Trong khi nhà cung cấp yêu cầu phải minh bạch ở mạng lưới cung cấp thông minh thì nhà máy phải sản xuất đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Riêng quá trình sản xuất, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng ít nhất là phải có hệ thống sản xuất tự động thực hiện các quyết định thông minh với việc lưu trữ, xử lý dữ liệu trên đám mây và đảm bảo an ninh mạng tốt. Như vậy, điều này sẽ tác động đến việc bố trí nhà máy hiện tại, thay đổi phương thức thiết kế sản phẩm, chiến lược marketing và cả hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Liên kết dữ liệu và logistics vận tải

Dưới tác động của cách mạng 4.0, nhất là sự tác động của IoT đã tối ưu hóa các phương tiện giao thông thông minh trong điều kiện cơ sở hạ tầng có sẵn. Ngoài ra, các thông tin dữ liệu được liên kết trong đám mây về năng lực vận chuyển, thời tiết, giao thông và phương tiện được chia sẻ đã tạo ra các luồng vận chuyển từ khâu nguyên vật liệu sản xuất cho đến vận chuyển sản phẩm đến tay người tiêu dùng trở nên hiệu quả hơn. Không chỉ là dây chuyền sản xuất hoặc các nhà máy, hệ thống dữ liệu lớn và các phân tích dự báo được sử dụng linh hoạt trong cả quá trình sản xuất kinh doanh - điều này sẽ gây thêm nhiều áp lực lên các tổ chức để có thể sử dụng các dữ liệu này một cách tối đa và hiệu quả.

Hệ thống vận chuyển thông minh trong kho hàng

Hệ thống kho hàng được quản lý bởi các xe nâng hạ hàng tự động. Các xe này tự cảm nhận môi trường xung quanh một cách độc lập bằng máy laser, cảm biến, các con chip và điều hướng các điểm đến tương ứng. Hệ thống này không có điều khiển trung tâm, mà các thiết bị xử lý các đơn hàng vận chuyển, thiết lập quy tắc điều chỉnh đường đi và chia sẻ dữ liệu về vị trí trong kho của từng xe.

Nguồn nhân lực chất lượng cao

Sự gia tăng của các nhà máy thông minh trong tương lai khiến nhân lực sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất. Điều này khiến nhu cầu sử dụng lao động có chất lượng tăng cao, đòi hỏi các nhà quản lý chuỗi cung ứng phải cải thiện kỹ năng và năng lực.

Và để đối phó với những thay đổi này, các nhà quản lý chuỗi cung ứng cần phải xem xét khả năng giúp doanh nghiệp sử dụng chi phí hiệu quả, thì quản lý chuỗi cung ứng đã và đang được cải tiến liên tục. Kỳ vọng ngày một cao của khách hàng và việc vận dụng dữ liệu lớn (big data) khiến cho khâu dự báo nhu cầu hàng hóa (demand forecasting) trở nên công phu hơn. Trong bối cảnh đó, chuỗi cung ứng hiện đại đóng thêm vai trò thiết yếu để làm khách hàng hài lòng và giữ chân họ. Để làm được điều này, bộ phận logistics cần làm việc sâu sát với những đơn vị khác trong toàn bộ quá trình: kết nối các khâu sản xuất, quản lý kho hàng, tiếp thị, bán hàng, công nợ - thanh toán, phân phối và quản lý sản phẩm hoàn trả để tối ưu hóa mô hình chuỗi cung ứng, từ đó sử dụng chi phí hiệu quả mà vẫn làm hài lòng khách hàng. Cách mạng CN 4.0 tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ, lượng dữ liệu này sẽ là tài nguyên vô giá nếu khai thác tốt nó, ngược lại sẽ bị rối loạn hệ thống thông tin và không điều hành hiệu quả được hệ thống. Chính điều này sẽ biến IoT vừa là chìa khóa nhưng cũng chính là thách thức cần phải vượt qua của ngành logistics. Các nhà quản lý phải tạo ra mạng lưới kinh doanh triệt để giúp khách hàng tiếp xúc trực tiếp với người sản xuất thông qua hệ thống mạng. Khách hàng có thể đặt hàng có sự tùy chỉnh trực tiếp qua hệ thống internet. Đồng thời hệ thống kho hàng cũng được tự động tối ưu hóa việc quản lý hàng hóa và hàng tồn kho. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, các doanh nghiệp nên đặt hàng nhân sự với các cơ sở đào tạo và có thể tiến hành phối hợp cùng đào tạo để có được nguồn nhân lực đúng với nhu cầu.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng 4.0 và xu hướng mới trong lĩnh vực logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO