Cần hành động ngay để duy trì “chuỗi lao động”

Hà Trương Vũ Lan|05/09/2021 06:01

(VLR) Bản chất của giãn cách xã hội là cách ly giữa người với người. Và rõ ràng khi người với người phải “cách xa” nhau thì việc duy trì chuỗi lao động để đảm bảo sản xuất trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay mới là điều đáng quan tâm hơn cả.

Sản xuất '3 tại chỗ' là giải pháp tình thế được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để giữ sức khỏe cho người lao động, duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát (ảnh minh họa)

Sản xuất '3 tại chỗ' là giải pháp tình thế được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để giữ sức khỏe cho người lao động, duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát (ảnh minh họa)

Đứt gãy chuỗi lao động: điều không thể tránh do dịch Covid

Một ca nhiễm F0 sẽ kéo theo hàng chục, thậm chí hàng trăm các các F1, F2 tiếp xúc gần. Doanh nghiệp nếu không muốn bị gián đoạn sản xuất kinh doanh chỉ còn có cách duy nhất là không có ca F0. Một khi đã có F0 thì lực lượng lao động của họ sẽ bị thiếu hụt, hoặc bị xáo trộn. Người lao động không thể tự do đi lại do xã hội giãn cách hoặc các quy định kiểm soát giao thông tại các tỉnh thành. Thực tế đã cho thấy, nhiều nhà máy sản xuất, cơ sở kinh doanh hoặc phải ngưng hoặc phải giảm năng lực sản xuất do thiếu hụt lao động hoặc do không đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch.

Thiếu hụt nguồn lao động càng rõ nét hơn trong giai đoạn Việt Nam đang bị ảnh hưởng từ đợt bùng dịch lần thứ 4, đặc biệt là các tỉnh phía nam nơi thu hút nguồn lực lao động lớn nhất cả nước. Có 3 đặc điểm khiến việc duy trì chuỗi lao động tại Việt nam trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn: đầu tư nước ngoài vào Việt nam phần lớn vẫn tập trung lĩnh vực sản xuất thu hút nhiều lao động mang tính thủ công, lực lượng lao động từ nhiều vùng miền tập trung tại các thành phố lớn nơi có mật động dân số cao, tự động hóa trong tất cả các khâu còn hạn chế nên số lượng lao động làm việc tại hiện trường còn cao.

Duy trì chuỗi lao động cũng là duy trì chuỗi cung ứng

Các mắt xích trong chuỗi cung ứng thực hiện các biện pháp khác nhau tùy theo đặc thù riêng để duy trì nguồn nhân lực của mình theo các phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “4 xanh”,… Thời gian qua, chúng ta cũng ít lần nghe đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do hàng hóa ùn ứ ở các kho, bãi cảng hay các cơ sở đóng gạo xuất khẩu không đáp ứng nhu cầu mà nguyên nhân gốc rễ chính là đứt gãy chuỗi lao động. Khi chuỗi lao động bị đứt gãy sẽ lan ra và làm các mắt xích khác trong chuỗi cung ứng bị yếu đi. Và đây không phải là chuyện của riêng doanh nghiệp, tổ chức nào.

Chúng ta đang rất quan tâm đến các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo chuỗi cung ứng được thông suốt nhưng không nhiều các doanh nghiệp nhận ra vấn đề cốt lõi là chuỗi lao động có đảm bảo thì chuỗi cung ứng mới không bị ảnh hưởng. Theo nguyên lý thùng gỗ (*) thì trong giai đoạn này, nếu liên tưởng cả chuỗi cung ứng là một chiếc thùng gỗ thì đối tượng lao động sản xuất trực tiếp chính là thanh gỗ ngắn. Vì lực lượng này làm việc tại hiện trường, không thể làm việc từ xa như nhân viên văn phòng, nguy cơ đối diện với việc lây nhiễm Covid là rất lớn. Chưa kể trong một số lĩnh vực đặc thù đa phần đội ngũ công nhân thuộc sự quản lý của doanh nghiêp cung ứng lao động phổ thông, không phải ai trong số họ cũng có được “tấm lá chắn” là những chính sách ưu đãi từ phía doanh nghiệp, khủng hoảng nhân sự sẽ xảy ra nếu đối tượng này không được dành sự ưu tiên. Và cho dù doanh nghiệp muốn duy trì bộ máy sản xuất mà chưa xem lực lượng này là sư ưu tiên như các đối tượng lao động khác trong doanh nghiệp đó thì sẽ gặp vô vàn khó khăn. Không xử lý được điểm hạn chế của thanh gỗ ngắn thì dù các các thanh gỗ dài khác có được củng cố thế nào cũng trở nên vô ích.

Lao động sản xuất trực tiếp đã được ưu tiên đầy đủ?

Trong các cuộc họp, có nhiều doanh nghiệp đề xuất với cơ quan nhà nước nên ưu tiên tiêm ngừa vắc xin cho đối tượng công nhân hoặc nêu lên những khó khăn không thể duy trì các biện pháp “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, cho rằng tâm lý người lao động bất ổn lo sợ bị lây nhiễm khi thực hiện 3T do chưa tiêm đủ 2 mũi, thời gian thực hiện “3 tại chỗ” quá lâu và không yên tâm khi tách biệt công nhân với gia đình của họ… khiến doanh nghiệp không thể giữ chân được người lao động. Từ đó, làm dấy lên những trăn trở mà các địa phương và doanh nghiệp cần bắt tay tìm hiểu gốc rễ của vấn đề và giải quyết triệt để.

Ở một số nơi, do chưa đánh giá đúng vai trò của đội ngũ lao động này nên họ vẫn chưa thuộc đối tượng được ưu tiên hàng đầu tiêm ngừa đủ 02 mũi vắc xin. Chính vì vậy, người lao động cảm thấy bất ổn trong tâm lý khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Với phương án “một cung đường, hai điểm đến” chưa thực sự hiệu quả khi địa phương và doanh nghiệp chưa sự kết nối thông tin một cách chặt chẽ, chẳng hạn như doanh nghiệp cần nắm tình hình địa phương của người lao động: có thuộc vùng đỏ hay không, từ đó đánh giá nguy cơ ra sao để linh động áp dụng phương án sản xuất.

Đến lúc cần có giải pháp phù hợp

Một số chuyên gia dự báo nếu dịch bệnh tại Việt nam không được kiểm soát sớm thì sẽ có nguy cơ đối mặt sự chuyển dịch sản xuất và đầu tư sang các quốc gia khác. Việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng có vai trò quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn. Các biện pháp đảm bảo hoạt động chuỗi cung ứng cần đồng bộ và toàn diện. Đảm bảo nguồn lao động vững chắc sẽ giúp duy trì chuỗi cung ứng thông suốt.

Không đóng băng toàn bộ hoạt động kinh tế. Các doanh nghiệp ở các lĩnh vực ngành nghề và năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh nếu đảm bảo an toàn sẽ được ưu tiên hoạt động trở lại. Trong thời gian qua, chúng ta thấy rất nhiều doanh nghiệp lớn trong nước hay các doanh nghiêp nước ngoài có vốn và tiêu chuẩn an toàn cao vẫn duy trì sản xuất của họ trong bối cảnh dịch bệnh.

Linh hoạt trong việc kiểm soát đi lại cho người lao động được xác định là đối tượng an toàn. Tạm đề xuất đối tượng an toàn là những người đã được tiêm đủ vắc xin 2 mũi hoặc đã từng là F0 và có xét nghiệm âm tính có thể đi đến nhà máy để làm việc. Tương tự những người đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin và có xét nghiệm âm tính cũng được xem “tạm an toàn” được phép đến một số khu vực quy định riêng.

Về lâu dài, tiêm vắc xin là giải pháp quan trọng giúp đảm bảo nguồn lao động duy trì chuỗi cung ứng thông suốt (ảnh minh họa)

Về lâu dài, tiêm vắc xin là giải pháp quan trọng giúp đảm bảo nguồn lao động duy trì chuỗi cung ứng thông suốt (ảnh minh họa)

Người lao động an toàn được tạo điều kiện lại qua các tỉnh, thành theo quy định thống nhất. Không để xảy ra mỗi địa phương một quy định khác nhau, gây gián đoạn chuỗi lao động phục vụ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Về ngắn hạn, các cấp chính quyền và các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến lực lượng lao động, đặc biệt là lượng lượng lao động tuyến đầu, lực lượng lao động đang triển khai “ba tại chỗ”. Tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ nhất, cần phải được coi là ưu tiên số 1 trong chính sách chống dịch. Tăng cường tiêm vắc xin đủ 2 mũi cho người lao động để họ được hưởng những ưu tiên nhất định trong việc di chuyển. Tập trung vắc xin đủ cho nhóm lao động cho các doanh nghiệp mà khi có dịch lan rộng, kéo dài nhưng bắt buộc phải duy trì hoạt động như cảng biển, sân bay, giao nhận hàng hóa... Ngay cả trong doanh nghiệp, sự ưu tiên cũng cần tính toán cho phù hợp: ưu tiên lực lượng hiện trường trước, lao động làm việc từ xa, online có thể ưu tiên sau. Nên tập trung vắc xin tiêm cho nhóm lao động có nguy cơ cao (trên 55 tuổi và có bệnh nền) theo nguyên tắc “vắc xin tiêm sớm là vắc xin tốt nhất”.

Các doanh nghiệp cần xây dựng cầu nối thông tin chặt chẽ với địa phương người lao động để kịp thời nắm tình hình dịch bệnh của gia đình. Quan tâm đời sống vật chất và nhất là đời sống tinh thần của người lao động cũng như gia đình của họ để “Hậu phương có vững chắc thì tiền tuyến mới vững vàng”. Trong một số trường hợp, tiêm vắc xin cho người thân trong gia đình cũng là giải pháp đảm bảo an toàn cho chính người lao động. Người lao động là F0 chưa có triệu chứng sẽ được quan tâm tư vấn và hỗ trợ chữa trị ngay tại nhà và sẵn sàng nhanh chóng trở lại làm việc khi khỏi bệnh. Các doanh nghiệp trang bị tủ thuốc F0 cho người lao động của mình và tổ chức hướng dẫn cụ thể phương cách xử lý khi người lao động hoặc người thân của họ bị nhiễm bệnh. Chủ động phòng dịch sẽ không bị rối khi phải chống dịch.

Về trung hạn, các doanh nghiệp nên rà soát lại chiến lược thuê ngoài của mình để luôn duy trì được lực lượng nòng cốt tham gia sản xuất và nhất là đảm bảo được những quyền lợi cho người lao động. Thực hiện các giải pháp củng cố năng lực nội tại và đáp ứng nhu cầu linh hoạt trong sản xuất như tăng cường đào tạo nâng cao, đào tạo chéo, luân chuyển liên tục các vị trí (ví dụ: người lao động có thể đảm nhận công việc hơn 1 vị trí cố định để sẵn sàng thay đổi vị trí công tác khi tổ chức yêu cầu). Có phương án hiệu quả và chặt chẽ hơn đối với lao động mang tính thời vụ.

Về tầm dài hạn và vĩ mô hơn, chúng ta mong muốn sẽ có đủ vắc xin để tiêm cho người Việt Nam, trong đó có lực lượng lao động sản xuất để có thể tự do đi lại, làm việc. Cũng như chúng ta mong muốn Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực mà ở đó người lao động sẽ được đào tạo bài bản hơn, kỹ năng lao động cao cấp hơn. Chúng ta không chỉ mãi dựa vào lao động phổ thông, giá rẻ để thu hút vốn đầu tư. Tập trung sản xuất công nghệ cao ở các tỉnh thành, tính toán chuyển dịch các nhà máy sản xuất tập trung đông người lao động đến các khu vực phù hợp. Cần có những biện pháp để đảm bảo sức khỏe và mức sống tối thiểu cho người lao động. Việc xem xét giảm thuế, tiền điện, khoanh nợ, giảm nợ cũng sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động và chăm lo tốt đời sống người lao động.

Cũng như các quốc gia chấp nhận sống chung với Covid, trong thời gian tới tôi cho rằng Việt Nam cần dần thay đổi cách kiểm soát dịch để mở cửa nền kinh tế. Nhưng dù có kịch bản gì đi chăng nữa, thì đảm bảo chuỗi lao động khơi thông là điều kiện tiên quyết nên thực hiện.

(*) “Nguyên lý thùng gỗ” hay còn gọi là “Hiệu ứng thanh gỗ ngắn” cho rằng chiếc thùng đựng nước được ghép bởi nhiều thanh gỗ, lượng nước trong thùng do các thanh gỗ này quyết định. Nếu có một thanh gỗ nào đó ngắn thì lượng nước cả thùng sẽ bị hạn chế bởi thanh gỗ ngắn này, thanh gỗ ngắn sẽ trở thành “yếu điểm” của chiếc thùng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cần hành động ngay để duy trì “chuỗi lao động”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO