Quy trình sản xuất khẩu trang giả của Công ty Nam Anh
Nỗ lực của lực lượng chức năng
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh, trong quá trình hội nhập quốc tế, những vụ vi phạm xâm phạm SHTT sẽ ngày càng gia tăng bởi Việt Nam đang trong quá trình thực thi các cam kết hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, trọng tâm trong chiến lược hành động giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục QLTT vẫn là chống hàng giả. Song song đó, Tổng cục sẽ san sẻ trách nhiệm cùng các đơn vị công tác ở vùng biên để ngăn chặn hàng lậu tuồn vào thị trường nội địa.
“Việc sản xuất hàng giả tràn lan, hàng nhập lậu về tràn lan làm suy giảm sức sản xuất của DN”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Lực lượng QLTT cũng sẽ tăng cường quản lý và ngăn chặn vi phạm trên môi trường internet, bởi đây cũng là mảng lớn tiềm tàng nguy cơ xâm phạm quyền SHTT. Đơn cử như kể từ khi đợt dịch Covid-19 mới bùng phát, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, rà soát hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang, qua đó phát hiện hàng trăm nghìn sản phẩm, đặc biệt là khẩu trang giả, nhái các thương hiệu lưu thông trên thị trường.
Điển hình là ngày 30/7, Cục Nghiệp vụ Tổng cục QLTT, Tổ công tác 368 và Cục QLTT TPHCM đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị Nam Anh. Công ty này nằm trên đường Trần Đại Nghĩa, quận Bình Chánh, TPHCM. Tại đây, đoàn công tác phát hiện khoảng 120 thùng khẩu trang, chứa hơn 151.000 khẩu trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M. Đây là vụ xâm phạm SHTT lớn nhất từ đầu năm đến nay về mặt hàng khẩu trang đã được bảo hộ tại Việt Nam. Nếu không được phát hiện, số khẩu trang này dự kiến được đưa ra tiêu thụ toàn quốc.
Theo Trưởng đại diện, Giám đốc Quan hệ và thị trường Công ty TNHH 3M Việt Nam Nguyễn Minh Đức, những hỗ trợ của lực lượng QLTT không chỉ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của 3M với tư cách chủ thể quyền ở Việt Nam mà còn góp phần rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng để tránh sử dụng những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo sức khỏe.
Phối hợp để đẩy lùi hàng giả
Tuy nhiên, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ của đa số DN vẫn còn một số DN còn thờ ờ với chính sản phẩm của mình. Theo ông Trần Hữu Linh, để công tác phòng, chống hàng giả đạt hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc cung cấp thông tin, địa bàn hoạt động cũng như những dấu hiệu vi phạm của đối tượng. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa DN và cơ quan chức năng là một trong những điều kiện tiên quyết để triệt phá thành công các vụ việc vi phạm.
Mới đây, tại Lễ ký Quy chế phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xe máy giữa Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMN), Chủ tịch Hiệp hội VAMN Keisuke Tsuruzono cho biết, Hiệp hội luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam làm trong sạch thị trường, góp phần khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam với các Hiệp định thương mại tự do đã tham gia ký kết…
Ông Keisuke Tsuruzono khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ chấm dứt được nạn hàng giả trong ngành công nghiệp xe máy.
Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế khẳng đinh, việc ký quy chế phối hợp nhằm mục đích tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý với các hành vi buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ… góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa Văn phòng Thường trực và VAMN trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý với các hành vi vi phạm.