Cần tháo gỡ nút thắt cho cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận

Lam Trình|26/06/2023 09:01

Hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện chưa đáp ứng được nhu cầu và trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021, khu vực ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km.

Đến nay, có khoảng 164km đường cao tốc đã đưa vào sử dụng là 3 tuyến TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Việc nghiên cứu, đầu tư mở rộng đồng bộ 2 tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng tỉnh mà còn của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.

Về vấn đề này, ĐBQH Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) và Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã nêu ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã có đề xuất và sẽ trình Chính phủ trong tháng 6 năm nay.

cao-toc3.jpg
Việc nghiên cứu, đầu tư mở rộng đồng bộ 2 tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận là rất cần thiết.

Trao đổi với ông Hồ Nghĩa Dũng - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT trên cơ sở lắng nghe ý kiến trả lời chất vấn của Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thắng về việc triển khai các dự án cao tốc trong thời gian qua trong đó có tuyến cao tốc: TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, ông cho rằng: Phần khó và tốn nhiều thời gian nhất khi triển khai các dự án hạ tầng giao thông nói chung là khâu giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu, ở 2 đoạn tuyến này các điạ phương là TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang đã thực hiện giải phóng đủ 100% mặt bằng cho giai đoạn 2 đồng thời mỏ vật liệu thì đá được lấy chủ yếu ở tỉnh Đồng Nai, cát ở tỉnh Đồng Tháp... Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT thời gian qua đã liên tục tháo gỡ nhiều nút thắt, triển khai các tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 trong điều kiện vật giá leo thang, dịch bệnh kéo dài, nhà thầu năng lực còn hạn chế nhưng cao tốc Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đầu tư công) và Nha Trang - Cam lâm (phương thức PPP) đã lần lượt hoàn thành… Cách tiếp cận của lãnh đạo Bộ GTVT hiện nay với các tỉnh thành nơi có dự án đi qua để giải quyết việc GPMB, mỏ vật liệu và các vướng mắc khác rất quyết liệt. Lúc này thiết nghĩ cần phát huy hơn vai trò của Bộ GTVT để mạnh mẽ thúc đẩy các dự án cao tốc đầu tư phương thức PPP.

Cũng theo ông Hồ Nghĩa Dũng, hiện nay giai đoạn 2 của dự án TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận có 2 phương thức cần nghiên cứu triển khai là đầu tư công hoặc đầu tư đối tác công tư (PPP), với bối cảnh ngân sách hiện nay eo hẹp khi tuyến đường thu phí thuận lợi thì cần đẩy mạnh việc triển khai đầu tư PPP. Mặt khác nếu đầu tư công tại đoạn tuyến Trung Lương – Mỹ thuận sẽ xung đột lợi ích với Nhà đầu tư BOT vừa hoàn thành giai đoạn 1 sau hơn 10 năm đình trệ. Nếu hợp nhất được 2 đoạn này vào thành một dự án PPP, Bộ GTVT hiện nay đang giữ vai trò là cơ quan có thẩm quyền của 2 dự án sẽ thuận lợi khi làm đầu mối để tổ chức thực hiện, việc trển khai sẽ đồng bộ và tránh được hiện tượng nút thắt cổ chai.

Có thể thấy, tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận nếu được đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến sẽ giúp giảm áp lực cho tuyến QL1A, rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh miền Tây đi TP.HCM và ngược lại, có ý nghĩa rất lớn đối với việc đẩy mạnh kết nối liên vùng, góp phần tạo động lực, không gian để phát triển kinh tế - xã hội cho 21 triệu người dân ĐBSCL.

- Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài khoảng 40km được đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, sau hơn 12 năm khai thác lưu lượng phương tiện lưu thông ngày càng tăng cao (ước tính trên 50.000 lượt xe/ngày đêm), thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn, năng lực thông hành không còn bảo đảm, tốc độ lưu thông hạn chế chỉ khoảng 60-70km/h (so với thiết kế là 100-120km/h), không bảo đảm việc kết nối đồng bộ với hệ thống cao tốc trong khu vực.

Với đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51km, từ ngày 30/4/2022 tuyến này chính thức đưa vào khai thác, tốc độ tối đa 80km/h, vận hành với 4 làn xe, làn dừng xe khẩn cấp không liên tục, khi xe gặp sự cố va chạm giao thông, phương tiện hư hỏng… sẽ gây ùn tắc kéo dài. Theo số liệu từ đơn vị quản lý vận hành, trung bình mỗi ngày tuyến đường phục vụ hơn 23.000 lượt xe, chạm mốc mãn tải. Đặc biệt vào các dịp lễ, tết, lưu lượng xe trên tuyến tăng cao đột biến, ngày cao điểm nhất dịp Tết nguyên đán 2023 ghi nhận 39.000 lượt xe qua tuyến.

- Quy mô tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương đầu tư, mở rộng giai đoạn 2 với mặt đường 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 120km/h, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 9.700 tỷ đồng. Còn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đầu tư, mở rộng giai đoạn 2 với mặt đường 6 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư khoảng 11.800 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hoàn thành trong khoảng 3 năm, tính từ ngày khởi công dự án.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cần tháo gỡ nút thắt cho cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO