Cảng biển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Nâng cao hiệu quả hoạt động

01/01/1970 08:00

(VLR) Mặc dù tình hình kinh tế chung còn gặp nhiều khó khăn nhưng sản lượng hàng hóa thông qua Cụm cảng biển số 5 bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đạt mức độ tăng trưởng khả quan, chiếm khoảng 50% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của cả nước và tiếp tục thực hiện những mục tiêu phát triển dài dạn hơn.

Xuất phát từ nhu cầu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, quy hoạch phát triển cảng cụm số 5 (gồm các cảng tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu) đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã có những điều chỉnh phù hợp theo hướng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển hệ thống cảng nước sâu với vai trò cửa ngõ quốc tế của khu vực tại khu vực sông Cái Mép - Thị Vải. Hệ thống cảng biển ở TP. Hồ Chí Minh phát triển mạnh ở khu vực sông Soài Rạp và một phần ở sông Đồng Nai, đóng vai trò là đầu mối giao thương khu vực. Hệ thống cảng biển ở Đồng Nai tập trung phát triển trên sông Đồng Nai nhưng với quy mô nhỏ hơn quy mô ở TP. Hồ Chí Minh và chủ yếu phục vụ nhu cầu của địa phương. Đây được xem là bức tranh tổng thể nhằm phát huy thế mạnh của từng hệ thống cảng và đã mang lại những kết quả tốt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Tại TP. HCM, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực TP.HCM trong tháng 6/2012 tiếp tục tăng với sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đạt trên 31,7 triệu tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả lượng hàng thông qua tại các cảng sông, sản lượng hàng hóa thông qua trong tháng 6/2012 đạt hơn 33 triệu tấn hàng hóa, tăng 17,7% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2011. Trong đó hàng hóa xuất khẩu đạt gần 12,5 triệu tấn, chiếm 37,9%, tăng 17,3%; hàng nhập khẩu đạt gần 14,7 triệu tấn, chiếm 44,5%, tăng 9,6%. Doanh thu bốc xếp hàng hóa tháng 6/2012 đạt 13.940,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66,1% trong tổng doanh thu vận chuyển, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2011. Doanh thu ngành vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 51,9% trong doanh thu vận chuyển hàng hóa, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Còn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong số hơn 50 dự án cảng đã đăng ký với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD, đến nay đã có 24 dự án cảng đi vào hoạt động, trong đó có nhiều cảng lớn và hiện đại, như: CMIT, SP - PSA, SITV, Tân cảng Cái Mép..., với tổng công suất thông qua khoảng 70 triệu tấn hàng hóa/năm, tập trung chủ yếu ở khu vực sông Thị Vải - Cái Mép. Hệ thống cảng nước sâu tại khu vực này thời gian qua đã đón nhiều tàu quốc tế lớn có trọng tải lên tới hơn 100 ngàn tấn. Hơn nữa việc ra đời và phát triển mạnh hệ thống cảng biển trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có hệ thống cảng nước sâu trên sông Thị Vải đã kéo theo sự phát triển của các loại hình dịch vụ cảng biển, logistics. Ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, mặc dù đã đạt được những thành quả ban đầu, nhưng trong quá trình đầu tư, khai thác lợi thế cảng biển còn gặp khó khăn do nhiều tuyến đường đối ngoại chiến lược vẫn chưa được đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Đó là, tuyến đường vành đai TP. Hồ Chí Minh, đường Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), tuyến đường kết nối giữa cụm cảng Thị Vải - Cái Mép với các nguồn hàng, các trung tâm đô thị của nhiều tỉnh trong khu vực trọng điểm phía Nam.
Với mục tiêu xây dựng cụm cảng hiện đại, hệ thống cảng Đồng Nai bao gồm cảng Long Bình Tân, Gò Dầu A và Gò Dầu B với tổng diện tích mặt bằng 443.000m 2 , là đầu mối giao thông khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, gần các cảng biển lớn như cảng Cát Lái, cảng VICT, cảng SPCT, Cái Mép. Trong 3 tháng đầu năm 2012, sản lượng hàng tổng hợp qua các cảng ở Đồng Nai là 548.811 tấn, đạt 86% so với cùng kỳ, doanh thu là 32.5 tỷ đồng, đạt 118% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng container là 19.499 Teus đạt 27,08%, doanh thu là 4.6 tỷ đồng đạt 12,65% so với kế hoạch.Với mục tiêu 2013 - 2015, lượng hàng container qua cảng đạt 300.000 Teus; hàng rời đạt 5 triệu tấn… hệ thống cảng Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển thị phần, đa dạng hóa hoạt động, tăng cường tổ chức khai thác kho, bãi và thực hiện các dịch vụ của cảng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, theo dõi sự biến động của thị trường để có quyết định chính sách linh hoạt về giá… Theo bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Tổng Giám đốc Cảng Đồng Nai, để có thể cạnh tranh về giá cần phát huy vai trò của các cảng trung chuyển có khả năng kết nối bằng sà lan với các cảng biển quốc tế để giảm chi phí. Chẳng hạn, nếu so với vận tải bằng đường bộ, một container từ nhà máy đến các cảng trung chuyển tại Đồng Nai đi các cảng tại TP.HCM bằng sà lan sẽ tiết kiệm được 300 - 500 đồng/container. Nếu đến các cảng khu Cái Mép - Thị Vải thì chi phí này có thể giảm được từ 1 - 1,5 triệu đồng/container. Ngoài ra giải pháp này còn giúp giảm kẹt xe và hư hỏng cầu đường./.

Thanh - Long


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cảng biển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Nâng cao hiệu quả hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO