Mới đây, trong cuộc họp tổng kết 10 năm (2002-2012) thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai, các ý kiến bày tỏ lo ngại về vấn đề tội phạm lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý lén lút dùng ghe máy hoặc ghe chèo tay để trộm cắp hàng hóa, vật tư, sắt thép nhất là cảng đang thi công.
Đặc biệt, nhiều đối tượng còn móc nối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đưa tàu, xà lan ra vùng biển xa để chuyển tải khi bị phát hiện nhanh chóng hợp thức hóa giấy tờ…
Lực lượng biên phòng tuần tra trên cảng biển Vũng Tàu
Được biết, bên cạnh sự phát triển của hệ thống cảng biển của Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai thì tình hình hoạt động của các loại tội phạm ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp như: vi phạm các quy định về xuất nhập cảnh, buôn lậu xăng dầu, vận chuyển hàng hóa.
Hàng hóa buôn lậu trọng điểm là các mặt hàng điện tử, điện lạnh, xăng dầu, khoáng sản, hàng bách hóa (pháo, nổ, rượu, bia…), cao su, phế liệu.
Theo nhận định, có thời điểm các đối tượng trộm cắp tài sản trên tàu tại khu vực phao số 0 (Vũng Tàu, vốn hàng ngày có hàng trăm tàu hàng, tàu dịch vụ dầu khí qua lại) khá manh động, hoạt động có tổ chức, đường dây chặt chẽ.
Khuyến cáo hàng hải của một số tàu cho thấy, không ít đối tượng trộm cắp đã sử dụng hung khí nguy hiểm như dao, kiếm… và sẵn sàng chống trả, thậm chí chủ động tấn công thủy thủ trên tàu khi bị phát hiện. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của những đối tượng này cũng rất liều lĩnh. Chúng thường lợi dụng sự lơ là mất cảnh giác trong việc cảnh giới của các thủy thủ khi tàu neo đậu, rồi sử dụng ghe thuyền nhỏ tiếp cận mục tiêu và đột nhập lên tàu (thường là từ phía mũi tàu vì khuất tầm quan sát của thủy thủ trực tàu và là nơi bố trí các hầm, kho chứa vật tư, hàng hóa, tài sản).
Sau đó, chúng sử dụng kìm cộng lực, van phá khóa và các dụng cụ chuyên dụng khác để phá cửa đột nhập vào các kho, hầm lấy cắp vật tư, tài sản trên tàu.
Một băng nhóm trộm cắp hàng hóa trên tàu ở Vũng Tàu
Nhiều ý kiến cũng đã đề cập tới nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do địa bàn quản lý rộng, phương tiện và trang thiết bị còn hạn chế, phương thức thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi. Công tác nắm, dự báo trao đổi thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm và các loại đối tượng có lúc chưa kịp thời.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho rằng trong thời gian tới, lực lượng hải quan Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu cần thống nhất vị trí kiểm tra, kiểm soát cụ thể và đồng bộ hơn để tăng cao hiệu quả của việc phối hợp.
Qua công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, lực lượng phối hợp Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc vi phạm.
Hiện lưu lượng người, phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu, chuyển cảng qua cửa khẩu cảng Bà Rịa -Vũng Tàu và Đồng Nai không ngừng tăng lên. Năm 2011 lượng phương tiện xuất nhập cảnh và chuyển cảng là hơn 6.000 lượt chuyến; hơn 21,7 triệu tấn hàng hóa và trên 82.000 lượt hành khách.
Dương Đại