Hội nhập kinh tế thế giới và toàn cầu hóa dịch vụ logistics là bước đi tất yếu của thời đại. Chúng ta đã và đang thực hiện sứ mệnh này trên hành tinh xanh. Mau hay chậm tùy thuộc vào trình độ văn minh và khoa học - công nghệ của từng nước tham gia. VN là quốc gia đang du nhập logistics nên rất cần những bài học kinh nghiệm của các nước đi trước. Để tiếp tục tham khảo, nghiên cứu mô hình khả thi, xin giới thiệu Trung tâm Logistics châu Âu Rotterdam (Hà Lan) đến dộc giả.
ĐẤT NƯỚC HOA TULIP VÀ LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG KỸ NĂNG CAO
Hà Lan là nước nhỏ, xinh đẹp có lịch sử lâu đời về thương mại và hàng hải, diện tích 41.000km2, dân số 16,3 triệu người, được coi là vùng đất thấp của lục địa châu Âu. Trước đây, phải dùng quạt gió đặt dọc đê biển để thổi nước ra từ những cánh đồng bạt ngàn hoa tulip đủ màu sắc để xuất khẩu. Ngày nay, khi nói đến Hà Lan, người ta nghĩ ngay đến một quốc gia có nền khoa học - công nghệ tiên tiến và lực lượng lao động kỹ năng cao, nhờ đó mà nước này đã khống chế thiên nhiên, bảo vệ bờ cõi và góp phần không nhỏ cho sự thành công trong cuộc cách mạng container hóa các cảng biển và toàn cầu hóa logistics.
Nền kinh tế vương quốc Hà Lan là nền kinh tế thịnh vượng, mở, phụ thuộc mạnh mẽ vào ngoại thương và vận tải, là một trong những trụ cột của khối thị trường chung EU, quan hệ gắn bó với các quốc gia Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ và Luxembourg thông qua cảng Rotterdam cùng mạng lưới vận tải đa phương thức hoàn chỉnh của châu Âu. GDP của Hà Lan năm 2006 là 629,911 tỉ Euro. Thu nhập bình quân đầu người là 38.500USD/năm (2006) trong đó ngành dịch vụ chiếm 79%, ngành cơ khí 19% và ngành nông nghiệp 2%. Ngành nông nghiệp được cơ giới hóa rất cao, chỉ sử dụng 2% lao động cả nước, nhưng đã tạo ra thực phẩm thặng dư cho cả tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu; như sữa Hà Lan , Fromage Hà Lan chiếm thị phần lớn cả thế giới. Quốc gia được xếp thứ nhất thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài của châu Âu. Năm 2005 xuất khẩu 365 tỉ USD và nhập khẩu 326,6,tỉ USD. Viện trợ kinh tế cho nước ngoài năm 2006 là 4 tỉ Euro.
CẢNG ROTTERDAM
TRUNG TÂM LOGISTICS CHÂU ÂU (ELC)
"Cảng Rotterdam là cảng tổng hợp lớn nhất hiện nay của thế giới, năm 2012 thông qua 414,5 triệu tấn hàng hóa...", đồng thời là trung tâm logistics của châu Âu (European Logistics Centre - ELC), có diện tích 105km2, trải dài 40km, nằm trên châu thổ sông Rhin và Meuse cách biển Bắc (Nord Sea) khoảng 26km đường chim bay. Cảng được nối kết với các khu công nghiệp luyện kim, hóa dầu, vi mạch, điện tử, sản xuất thiết bị công nghệ cao… bằng hệ thống đường sắt, đường bộ, đường ống và đường thủy (vận tải ven biển) hiện đại, hoàn chỉnh, vận hành nhanh theo lập trình cũng như với những vùng sản xuất kinh doanh lớn, giàu nguyên liệu của những quốc gia láng giềng như Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Luxembourg…
Từ 1992-2004, một thời cảng Rotterdam là cảng tổng hợp và container đầu bảng của hành tinh xanh. Nhưng đến năm 2009 đã bị cảng Thượng Hải (Trung Quốc) và Singapore qua mặt về container, đưa cảng này xuống thứ hạng thấp trong 10 cảng container tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên, Rotterdam vẫn là cảng bảo đảm chân hàng dồi dào, ổn định, phong phú, giải phóng tàu nhanh với lực lượng lao động nghề nghiệp giỏi, sầm uất nhất châu Âu. Hà Lan là nước Tây Âu du nhập container sớm, ngay từ năm 1960 là giai đoạn đầu của container hóa, tận dụng lợi thế về địa kinh tế, Hà Lan đã tập trung đầu tư mạnh vào kết cấu hạ tầng giao thông và thiết bị xếp dỡ đồng bộ, chẳng những đáp ứng yêu cầu phát triển container mà còn chuẩn bị cho cảng Rotterdam trở thành trung tâm phân phối hàng hóa châu Âu (European Distripart). Lấn biển tạo ra tỉnh Bắc Hà Lan làm cơ sở xây dựng cầu bến container mới (Terminal Container) ngay trên biển Bắc, giúp cho tàu bè cập bến thuận lợi, đồng thời mở rộng cảng Rottterdam về phía biển để ngày nay trở thành hậu cứ lớn nhất tiếp nhận hàng hóa từ Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương đến châu Âu.
Cơ quan quản lý cảng Rotterdam (Rotterdam Municipal Port Management - RMPM) chủ trương phát triển container và hình thành cùng một lúc các khu phân phối hàng hóa (Distripart) để biến cảng thành cảng tổng hợp và trung tâm chuyển tải hàng hóa của châu Âu và của cả thế giới.
Thông thường ở các quốc gia khác, quá trình phát triển logistics đi từ container hóa, thương mại tự do ở các cảng biển và sau cùng mới đến trung tâm phân phối hàng hóa cho khu vực và toàn cầu. Nhưng do ở vị trí đắc địa của châu Âu và là quốc gia vốn có truyền thống lâu đời về thương mại và hàng hải, Hà Lan đã đi thẳng vào xây dựng các khu phân phối và chuyển tải hàng hóa khu vực và thế giới. Nét nổi bật ở đây là sự nối kết rất tốt với hệ thống giao thông quốc gia, và hệ thống đường sắt, đường bộ các nước lân cận, sử dụng rất hiệu quả vận tải đa phương thức và tay nghề kĩ năng cao của lực lượng lao động ở hệ thống cảng biển. Ba khu chuyển tải phân phối hàng hóa là: Maasvlakte, nằm ngay trên bờ biển Bắc, sát với Delta Terminal Container (rộng 125ha), nổi tiếng là cảng container của thế giới; Distripark Botlek (104ha) nằm ở trung tâm khu công nghiệp hóa dầu và Distripark Eemhaven (65ha) dành cho lưu kho, bãi, phục vụ các doanh nghiệp phân phối sản phẩm chất lượng cao toàn cầu.
Rotterdam đang được vinh danh là cảng biển có năng suất xếp dỡ và giải phóng tàu nhanh nhất châu Âu, bình quân gấp 1,3 lần những cảng tương đồng khác.
DISTRIPART VÀ NHỮNG CƠ CHẾ MỀM HẤP DẪN
Cảng Rotterdam, trung tâm logistics - Distripart của Hà Lan đều được vận dụng một số cơ chế hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển nội lực. Bao trùm là cơ chế “Lanlord Port”, tức là Nhà nước cung cấp toàn bộ nhu cầu về kết cấu hạ tầng cho tư nhân khai thác cảng biển theo nguyên tắc đem lại hiệu quả cao nhất cho quốc gia. Tư nhân đảm nhận việc khai thác theo luật định và tập quán quốc tế, trong đó bao gồm việc sử dụng, quản lý lực lượng lao động, bố trí quy trình công nghệ điều phối sản xuất, nối kết tốt với hệ thống giao thông quốc gia và toàn cầu cũng như bảo đảm nguồn hàng phục vụ liên tục để cảng hoạt động.
Các Distripark ở Hà Lan không hoạt động theo cơ chế khu thương mại tự do (freezones) như ở các nước khác, nhưng thực tế có thể coi Distripark là khu thương mại tự do riêng biệt, miễn là đơn vị sản xuất kinh doanh đáp ứng đầy đủ quy định của hải quan, tự làm việc với hải quan để hải quan cho phép thực hiện một số công đoạn nhằm thông quan nhanh chóng hàng hóa, bảo đảm Distripart vận hành hiệu quả.
Cảng Rotterdam luôn dành mặt bằng ưu đãi và tạo ra nhiều công đoạn giá trị gia tăng logistics để thu hút các chủ hàng ngoại, các đơn vị kinh doanh logistics trong nước (như cung cấp thiết bị hiện đại, phương tiện, lao động tay nghề cao để sơ chế, lắp ráp, làm nhãn mác mới, đóng gói, phân loại, tái suất…), đặc biệt ở các Distripark có nhiều doanh nghiệp chuyên về kho, bãi, phân phối hàng hóa khắp châu Âu và thế giới.
Nói chung trung tâm logistics hay Distripark đều hình thành từ phát triển cảng biển hoặc được xây dựng bên cạnh cảng biển nhằm thực hiện chức năng “tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh và lưu thông phân phối sản phẩm hàng hóa toàn cầu”, gắn chặt với các cuộc cách mạng khoa học – công nghệ trong ngành giao thông vận tải (container hóa và phát triển đa phương thức vận tải), ngành công nghệ thông tin (điện tử, vi mạch và số hóa) cũng như cải cách luật lệ quốc tế trong thương mại để phù hợp với thời đại của tiến trình nhân loại chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức trong tương lai không xa. Distripark xuất hiện khi mà những trung tâm logistics của các nước mở rộng mặt bằng về quy mô và chức năng phân phối hàng hóa, sản phẩm cho cả khu vực hay toàn cầu được thực hiện. Tuy nhiên, không nhất thiết là nước nào cũng phải có Distripark trong quá trình toàn cầu hóa logistics, bởi điều kiện tiên quyết đó là vị trí địa kinh tế của nơi đó là trung tâm khu vực hay đầu mối giao thông quan trọng cấp vùng, cấp châu lục với đầy đủ tiềm năng về kinh tế, khoa học – công nghệ hùng mạnh như Singapore, Hồng Kông, Rotterdam, LogAngles, Thượng Hải…
Đối với VN, mối quan tâm hiện nay là nên gấp rút xây dựng những trung tâm logistics ở một số cảng biển nước sâu khu vực, nhằm bảo đảm cho logistics phát triển hài hòa với phát triển kinh tế xã hội đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa logistics.