Cảng Sài Gòn và Cảng Quốc tế Long An ký kết hợp tác toàn diện

24/10/2016 16:52

(VLR) Vào ngày 17.10.2016, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Ban ngành, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư Tỉnh Long An 2016, Cảng Quốc tế Long An đã kí kết hợp đồng hợp tác cùng Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn).

(Vietnam Logistics Review) Vào ngày 17.10.2016, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Ban ngành, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư Tỉnh Long An 2016, Cảng Quốc tế Long An đã kí kết hợp đồng hợp tác cùng Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn).

Sự hợp tác giữa Cảng Sài Gòn và Cảng Long An không chỉ dừng lại giữa hai đơn vị, mà còn là hợp tác liên kết vùng giữa TP.HCM và tỉnh Long An. Liên kết vùng hiệu quả là tiền đề hình thành chuỗi dịch vụ logistics khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu kinh tế trọng điểm phía Nam thành phố, góp phần thúc đẩy tiềm năng phát triển của khu vực.

Mục tiêu của việc hợp tác giữa Cảng Quốc tế Long An và Cảng Sài Gòn là phát huy thế mạnh của mỗi bên, từ đó hướng tới sự phát triển bền vững chung cho cụm cảng khu vực sông Soài Rạp, hướng tới việc xây dựng các tuyến vận chuyển hàng hóa từ khu vực Đông và Tây Nam bộ đến các cảng thuộc hệ thống cảng Sài Gòn và ngược lại, phối hợp điều phối hàng hóa nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng và tránh ùn tắc hàng hóa tại cảng hai bên.

Bên cạnh đó, thông qua thỏa thuận hợp tác này Cảng Quốc tế Long An và Cảng Sài Gòn sẽ xây dựng các chương trình chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác cảng cũng như dịch vụ logistics, nhằm đào tạo đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

* Về Cảng Long An:

Cảng Quốc tế Long An được xây dựng bên bờ sông Soài Rạp, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, quy hoạch đầu tư xây dựng thành 7 giai đoạn với tổng số vốn đầu tư trên 9 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành và hoạt động hết công suất vào năm 2023.

Cảng Quốc tế Long An có diện tích 147 hecta, gồm 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng từ 30.000 – 70.000 DWT và 5 bến cảng nội địa tiếp nhận tải trọng 1.000 DWT. Có thể nói, Cảng Quốc tế Long An là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất tại khu vực miền Nam.

Hiện nay, Cảng Quốc tế Long An cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1 có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 30.000 DWT, sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2016. Dự kiến đến cuối năm 2017, cầu cảng số 2 cũng được hoàn thành, nâng tải trọng tàu có thể tiếp nhận lên đến 50.000 DWT. Công suất dự kiến của Cảng Quốc tế Long An trong giai đoạn 1 là 4,8 triệu tấn hàng tổng hợp/năm và 700,000 TEU/năm và sẽ khai thác hết công suất với 15 triệu tấn hàng tổng hợp/năm và 3,5 triệu TEU/năm vào năm 2023.

Với phương châm hoạt động hướng đến cung cấp một giải pháp trọn gói về hàng hoá xuất nhập vào Việt Nam và ra thế giới, trong đó Cảng là một trong các mắt xích của hệ thống logistics bao gồm các dịch vụ về giao nhận, cho thuê kho bãi, vận tải đa phương thức, đại lý cước quốc tế, cho đến khai thuê hải quan… Chính vì vậy Cảng Quốc tế Long An không chỉ cung cấp các dịch vụ tại cảng đơn thuần như cầu bến, xếp dỡ nâng hạ hàng hóa, kho bãi (CFS, ngoại quan, tổng hợp, hàng rời), dịch vụ container lạnh… mà còn cung cấp các dịch vụ trọn gói về logistics gồm vận chuyển đa phương thức, vận chuyển nội địa, giao nhận, cho thuê kho bãi, thủ tục hải quan mang đến những giá trị gia tăng cho khách.

Tự tin với đội ngũ nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm trong lãnh vực điều hành và khai thác Cảng, đồng thời lợi thế địa lý thuận lợi khi nằm ở vị trí giữa Đông và Tây Nam Bộ, bên cạnh việc giúp giảm áp lực giao thông tại các cụm cảng trung tâm của TP.HCM, Cảng Quốc tế Long An sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho riêng tỉnh Long An mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ đó góp phần giúp cho vùng đất chín rồng chuyển mình vươn ra thế giới.

* Về Cảng Sài Gòn:

Cảng Sài Gòn là thương cảng có truyền thống hơn 165 năm và có quy mô lớn nhất trong hệ thống cảng biển của Việt Nam. Với 3.000 mét cầu cảng nằm dọc theo sông Sài Gòn cùng hệ thống kho bãi, trang thiết bị khá hoàn chỉnh theo quy trình công nghệ tiên tiến hàng đầu của thế giới về ngành khai thác cảng, đây là cảng duy nhất của nước ta có thể tiếp nhận làm hàng cùng một lúc đến 30 tàu biển với sản lượng thông qua trung bình 10 triệu tấn/năm. Đội ngũ nhân lực được thừa hưởng bề dày truyền thống, kinh nghiệm từ nhiều lớp cha anh đi trước ngày nay lại càng vững mạnh hơn do được được tham gia các khóa học tập, huấn luyện và trao đổi kỹ thuật với những cơ quan, tổ chức có uy tín bậc nhất trong lĩnh vực hàng hải toàn cầu như International Maritime Organization (IMO), International Association of Ports and Harbors (IAPH), Asean Port Association (APA) và các nước có ngành hàng hải phát triển như Nhật Bản, Hà Lan, Bỉ, Singapore, v.v...

Những năm gần đây, thực hiện theo định hướng quy hoạch của Chính phủ về quy hoạch phát triển nhóm cảng biển số 5 và định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng Sài Gòn thành lập các liên doanh với đối tác nước ngoài khai thác 3 cảng nước sâu tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, tập trung đầu tư xây dựng Dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, góp phần thúc đẩy hình thành khu đô thị cảng Hiệp Phước theo định hướng phát triển về phía biển của TP.HCM. Khi hoàn thành toàn bộ dự án với 1.800m cầu trên tổng diện tích gần 100ha, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước sẽ trở thành cảng tổng hợp đầu mối trong khu vực.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cảng Sài Gòn và Cảng Quốc tế Long An ký kết hợp tác toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO