Theo quy luật vận hành của cỗ máy thời gian, vòng tuần hoàn của 365 ngày trong một năm cứ mải miết, chầm chậm chuyển dịch dần về những tháng cuối, ngày cuối, cùng những tờ lịch bóc trên tường cứ mỏng dần… khiến ai đó cồn cào, chông chênh và sốt ruột, nhất là những chiều cuối năm trôi như nhanh hơn để màn đêm buông xuống – chưa nằm ấm chỗ đã sang một ngày mới khác. Những chiều cuối năm, đối với những ai vừa phải lo việc nhà, vừa phải đảm đương việc nước thì đó cũng là những buổi chiều đầy bận rộn, tất bật lo toan để công – tư, cả hai trọn vẹn. Mà chả riêng gì những “người Nhà nước”, từ những người làm nghề tự do, những trẻ thơ “ăn chưa no lo chưa tới” đến các đối tượng được nghỉ ngơi sau cả đời cống hiến, thậm chí cả những cụ già sức tàn lực kiệt như ngọn đèn trước gió kia, đều có tâm trạng chung như vậy. Ấy nhưng sau những ồn ào náo nhiệt, những hối hả lo toan ta bỗng giật mình, bất giác “Mải mê ngày tháng ai ngờ đã xuân” .
Như đặc thù của nghề làm báo, viết văn, suốt cả một đời rong ruổi với hành trình “đi – nghĩ và viết”, với Hà Nội là “trục” và tâm điểm để bước chân tôi xoay quanh, tỏa đi khắp các vùng miền đất nước. Theo đó, hồi ức về những chiều cuối năm như một thước phim quay chậm tái hiện, ùa về. Những không gian, thời gian, khung cảnh đó được thể hiện qua các bài báo Tết. Đó là một chiều đông tôi lên mảnh đất sỏi đá Thanh Ba (Phú Thọ) để có “Thợ xi măng đất Tổ rộn rã cùng xuân”. Nơi đó, hòa cùng không khí lao động công nghiệp khẩn trương của những người thợ để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm, tôi còn tha thẩn bên những góc xưởng, mảnh đời để kịp nhận ra cho mình những tín hiệu ấm áp. Đó là một lần tiến ra phía Đông nơi thành phố hoa phượng đỏ (Hải Phòng) để có “Chiều trên bến cảng”, rồi “Về đây với đường tàu” đều lấy tên các ca khúc nổi tiếng cho đề tài giao thông vận tải. Chưa hết, với đề tài Xây dựng nông thôn mới, trên “đất trăm nghề” nức tiếng về cách làm giàu từ kinh doanh thương mại, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), tôi cũng kịp thời ghi lại không khí lẫn nhịp điệu của một “Thổ Tang trước mùa xuân”. Chiều cuối năm ở Thổ Tang, tôi lang thang bên con sông Phan nước chảy hiền hòa như dòng suy tưởng; lặng lẽ bên ngôi chùa Tùng Vân và ngôi đình đối diện cổ kính và trầm mặc, bỗng nghĩ về người con bất khuất và lẫm liệt chính tại đất này: Nguyễn Thái Học – lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng trong Khởi nghĩa Yên Bái (2/1930) với khẩu hiệu quyết tử của nghĩa quân chống Pháp: “Không thành công cũng thành nhân”!
Trở lại nơi linh thiêng và hào hoa Đông Đô – Thăng Long – Hà Nội. Thật tự hào thay cho Thành phố vì hòa bình. Thế nhưng, giống như TP. Hồ Chí Minh – hòn ngọc Viễn Đông của Tổ quốc, hai thành phố lớn “song trùng” quanh năm bốn mùa tình trạng tắc đường, kẹt xe, đặc biệt là Tháng Chạp cận Tết dù phát triển rất nhiều tuyến, nhánh đường bộ trên cao. Ta buộc phải chấp nhận, thích nghi để trông chờ hy vọng vào sự chung tay của các ngành cùng Thành phố trong giải pháp. Nhẫn nại, mệt mỏi và cả bực bội nữa, cuối cùng ta cũng thoát ra khỏi biển người khổng lồ chen chúc để ra ngoại thành- qua những vùng quê thanh bình yên ả. Trong nắng nhạt của chiều đông, bên những thửa ruộng của mình, những người nông dân như vội vã hơn, nhụt những rảnh mạ cuối cùng để yên tâm vui xuân đón Tết. Sân gạch nhà ai kia cũng la liệt những miến măng, sản vật được phơi hong,chuẩn bị làm nên một hồn Việt đậm đà sau một năm lam lũ làm ăn nhưng vẫn chưa giàu lên được. Phóng tầm mắt ra xa hơn nơi những lưng đồi hoặc các khu đất cao được quy hoạch làm nghĩa trang, nghĩa địa, có các cụ già dắt díu đàn con cháu trong họ mạc đi tảo mộ, thắp hương khấn vái gọi những người thân xưa về “ăn Tết”. Trên những tuyến đường nhựa phẳng lỳ hoặc những đường, nhánh ngõ bê tông – thành quả từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, tất tả ngược xuôi dòng người đi sắm Tết và lễ Tết. Những xe ô tô tải, xe khách, xe con cũng vun vút xé gió lao về phía trước. Những chuyến tàu khách thở hồng hộc, kéo một hòi còi dài rộn rã, vọng vào vách núi, xuyên qua những cánh rừng, ào ạt trên các cánh đồng, quện vào những làn khói lam chiều đầy hương vị Tết; cả nơi những dòng sông, các chuyến đò ngang đò dọc, chuyến phà dào dạt chở đầy mùa xuân – náo nức và ước vọng.
Cũng vào một chiều cuối năm, mới đây thôi, tôi có điện thoại hỏi thăm sức khỏe ông nhà văn già, từng là thủ trưởng cũ đã nghỉ hưu, hiện ngụ tại “phố nhà binh” Lý Nam Đế. Tôi không quên hỏi thăm việc ông “xây nhà mới” cho cụ. Ông vui hẳn lên và cảm động lắm. Chả là hồi người mẹ thiêng liêng nhất của ông ra đi, ông đau xót, ân hận và suy sụp hẳn. Đau xót, ân hận không phải từ nay ông mồ côi cả cha lẫn mẹ (dù cụ đại thọ) khi tóc phần bạc, thưa nhiều hơn, mà cụ ra đi không dặn ông được câu nào. Ông cũng không có mặt kịp thời lúc cụ nhắm mắt xuôi tay. Ngày giỗ cụ những năm đầu, đặc biệt là những ngày Tết, thời khắc đón giao thừa, nghĩ và nhớ về mẹ, đôi vai gầy của ông lại rung lên.
Một năm sau sự ra đi của mẹ ông nhà văn già, trước ngày 23 tháng Chạp năm sau, thân mẫu của một ông nhà báo là chiến hữu của tôi cũng vĩnh viễn nơi cửa bếp cúng ông Táo và lễ cúng giao thừa trong se lạnh của đất trời và hơi nước từ mặt sông Đuống (đoạn Yên Viên, Hà Nội) hắt lên. Chiều áp Tết ông mời tôi sang “ăn Tết trước” vì năm đầu tiên ông rơi vào hụt hẫng. Lúc đó, tôi chia sẻ và đồng cảm với tâm trạng mất mát của hai ông. Chỉ đến khi cách đây 3 năm, đến lượt mẹ tôi về cùng tiên tổ dù cụ sống trên một thế kỷ, vắt qua 3 chế độ. Ngoài tuổi lục tuần tôi mới “thấm” cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ như hai ông đồng nghiệp từng thờ thẫn, bơ vơ. Bởi mất mẹ là mất tất cả. “Mất mẹ mất cả đường đi lối về” như lời của một thi sỹ.
Trường hợp một thiếu phụ tròn tuổi 60 ở quận Long Biên, trong tích tắc mất chồng vào cuối đông năm Nhâm Dần, mới trớ trêu, đau xót làm sao. Vợ chồng thiếu phụ cùng làm trong ngành Kiểm sát đều nghỉ hưu nơi ven đê sông Hồng gần chân cầu Chương Dương. Chiều hôm trước thiếu phụ còn chuẩn bị hành lý, quà cáp để ngày mai cả nhà lên xe con về quê trung du ăn cưới con đứa cháu. Đêm đó, ông chồng kêu hơi mệt, khó thở ngủ trên tầng 3 cho tĩnh, thiếu phụ tầng dưới (hai thằng con trai mới lập gia đình, đứa ở rể, đứa ở chung cư bên nội thành). Sáng mai thiếu phụ lên đánh thức chồng để lên đường thì ôi thôi: Thi thể ông chồng đã lạnh cóng, bất động (do tiền sử là bệnh phổi). Trong lễ viếng và truy điệu chồng tại Nhà tang lễ Đức Giang, nườm nượp các đoàn và cá nhân đến giã biệt, thiếu phụ chỉ biết cúi đầu, chắp tay cảm ơn đến mỏi cả cổ. Nhưng sau khi hỏa táng để đưa hài cốt chồng về nghĩa trang quê nhà an táng, thiếu phụ mới chứng kiến nghĩa tử là nghĩa tận của người quê nó chân chất, tình nghĩa thế nào. Do ở quê có thời gian hơn nên cánh thợ phường bát âm điều hành bài bản cùng sự tài nghệ trong “khóc cho người nằm xuống”. Vì “ông vong” là con út, lại “ngắn phận” nhất, thế nên nào là chị khóc em, cháu “đi tìm” chú tìm cậu, tìm ông , chắt thương tiếc cụ… qua sự “hóa thân” của lão thợ kèn dẫn đi vòng quanh tiểu quách mà thê lương, đau đớn thế. Lão “khóc” như xé vải. Vật vã đúng như cảnh chia lìa. Thỉnh thoảng lại nấc lên, lấy tay quệt “nước mắt”. Đến lượt thiếu phụ khóc chồng, các con trai, con dâu khóc bố, cháu khóc ông mới lâm ly thống thiết. Lão thợ bát âm cầm micrô không dây đi đầu, giọng não nuột: “Vợ chồng đầu gối má kề/ Lẽ nào anh bỏ em về dưới âm”; rồi “Nhà tầng mặt phố, nhà chung cư tiền tỷ ông không ở, từ nay về đây gối đất nằm sương/Ối ông ơi là ông ơi” khiến ai cũng nghẹn ngào xúc động, đâu chỉ là ruột thịt, người thân? Trong âm thanh của dàn nhạc hiếu đang nỉ non trầm bổng, tôi chợt nghĩ và chiêm nghiệm: Có 3 đối tượng lấy được nước mắt thiên hạ tài nhất. Đó là nhà văn, nhà viết kịch bản sân khấu- điện ảnh và các lão thợ phường bát âm. Sinh ra để thương vay khóc mướn, để làm vui “trẻ làm ma, già làm hội”. Nhưng nhà văn, nhà viết kịch thì lao động nghệ thuật đến thống khổ suốt ngày đêm mà thù lao, nhuận bút rẻ bèo; Còn các “nghệ sỹ” bát âm kia mới ung dung, rủng rỉnh. Bằng chứng là tiền cọc, tiền khóc thuê, tiền chèo đò, tiền diệt trừ yêu ma nơi âm binh quấy quả, chưa kể các lão cũng chạy sô, chạy đám như cánh ca sỹ chuyên nghiệp, hét giá “trên trời”!. Người Việt đến kỳ lạ. Lúc sống thì đối xử với nhau không ra gì. Bất nhẫn, bất hiếu, và vô trách nhiệm, đun đẩy nhau trong chăm nuôi phụng dưỡng. Lúc bố mẹ chết đi, những người còn sống như trút được gánh nặng; che mắt thiên hạ bằng sự báo đáp qua “vai diễn” của thợ kèn nhưng thực chất là cơ hội kinh doanh thân xác đấng sinh thành lần cuối. Đâu đã hết, còn cả những “cuộc chiến” huynh đệ tương tàn sau đó về tranh chấp tài sản, quyền thừa kế. Âu cũng tất cả bởi lòng tham, loá mắt trước đồng tiền.
Lại chiều cuối năm ở ngữ cảnh khác. Điện thoại di động của tôi bỗng nhạc chuông đổ dồn. Một giọng lơ lớ nói lắp của người đàn ông dân tộc vùng sâu vùng xa ở Đông Nam Bộ: “Bác nhà báo ơi, chúng em bị tụi người Kinh khôn ngoan thủ đoạn, lừa đảo chiếm hết sổ đỏ, đất đai rồi. Bác mau vô cứu chúng em với…” . Hóa ra một số đối tượng trong một huyện của tỉnh Bình Phước liên minh thành một đường dây lừa đảo – cò mồi, chiếm đoạt đất đai, ép vay nặng lãi rồi siết nợ. Thủ đoạn của chúng là lân la trước các ngân hàng rồi làm quen người dân tộc Stiêng đi vay vốn. Chúng bảo “người dân tộc vay được ít lắm. Chỉ người Kinh vay được nhiều thôi”. Chúng bày cách cho người dân tộc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (giả vờ thôi), vay được tiền nhiều lại trả lại sổ đỏ. Tin người, thật thà, số người dân tộc kia cầm số tiền bèo bọt được ứng trước mà không hay rằng, chúng đã chiếm đoạt hàng mẫu đất hợp pháp rồi tức tốc bán cho hết chủ này đến chủ khác. Cũng do thật thà và thiếu hiểu biết pháp luật (thậm chí….mù chữ) người dân tộc bị người Kinh lừa ép vay lãi nặng. Hợp đồng vay tiền ghi lãi suất hai phảy (2%). Nhưng khi trả tiền lãi, người vay mới “ngã ngửa” do chúng thêm số 0 thành 20%. Không trả nổi lãi suất cắt cổ, lũ người Kinh thừa cơ siết nợ thôn tính hàng mẫu đất đai của một hộ. Đương nhiên là tôi “lột mặt nạ” lũ bất lương này. Bởi tiếng kêu cứu trong chiều cuối năm lay thức trái tim tôi, khi Tết đã cận kề. Họ sẽ ăn cái Tết ra sao?
Miên man với những mảng đời sáng – tối, những thế thái nhân tình, những lọc lừa phản trắc của người đời trong một xã hội đầy biến động và phức tạp, trong chiều cuối năm khác – khi hoàng hôn từ từ hạ xuống sau những dãy nhà cao tầng chọc trời nơi thành phố, tôi thấy nét mặt rạng rỡ của cặp vợ chồng công nhân đang tập kết đồ đạc, vật dụng dọn đến căn hộ dành cho người thu nhập thấp sau bao năm tích cóp, thêm giờ, tăng ca. Nơi cổng một bệnh viện phụ sản, người vợ trẻ cùng anh chồng là một lái xe con cho một tờ báo lớn cũng mãn nguyện đón một thành viên mới chào đời – tiếp tục vòng quay đời người, trong đó sẽ có bao chiều cuối năm đủ đầy cung bậc.
Trong các loại hình văn học nghệ thuật, có vô số những tác phẩm đặc sắc mang tên Chiều cuối năm hoặc Những chiều cuối năm; Nhưng tôi vẫn ấn tượng với ca khúc “Sông Lô chiều cuối năm” của Minh Quang với những giai điệu, ca từ da diết: “… Sông Lô chiều cuối năm/Bất chợt gặp câu thơ ai bỏ quên giữa dòng…./Sông Lô chiều cuối năm/Ai tìm về bên ai/Ta tìm về bên em/qua bến Bình Ca đứng lặng/Cây đào ngày Tết sắp ra hoa/Sao người con gái ấy nơi đâu/ để lại bến sông xưa bâng khuâng một con đò…”.
Vâng, Sông Lô không chỉ là dòng sông của tuổi thơ tôi, là dòng chảy suốt đời tôi (giờ lại mang tên một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc), sức sống mãnh liệt của tác phẩm âm nhạc thực sự lan tỏa tới số đông công chúng, “nói hộ” tâm trạng khắc khoải của bao người. Và, trong “Một ngày nát vụn” như tên tập truyện ngắn của một nhà văn, với tôi cũng bời bời, ngổn ngang rồi mượn những lời thơ trong một bài thơ đăng trên một báo Xuân để “gói” lại, thay cho phần kết:
“Chiều cuối năm ai bình thản được đâu
Giữa buồn nhớ của một chiều giáp Tết
Giữa hối hả của dòng đời nhộn nhịp
Giữa bâng khuâng chiều ấm lại cuối mùa…”!