Những hệ lụy
Doanh nghiệp (DN) là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề dưới tác động của đại dịch COVID-19. Nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; nông, lâm, thủy sản; hàng không; dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, giáo dục - đào tạo, dệt may; sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô...
Nhiều DN đã không trụ nỗi phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh (SXKD). Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2020 có 41,8 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019; 13,5 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%. Những DN có nguồn vốn lớn có thể cầm cự được nhưng với những DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nguồn vốn còn hạn chế thì đây là khó khăn lớn.
Đại dịch COVID-19 tác động đến đầu vào nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, nhiều lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU... Khi dịch COVID-19 xảy ra, việc hạn chế đi lại, thông thương đã ảnh hưởng đến
nguồn nguyên, vật liệu đầu vào của DN, bao gồm các DN sản xuất hóa chất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; các DN dệt may, da giày, sản xuất giấy, sản phẩm từ gỗ, sản xuất kinh doanh thép; các DN khai khoáng xây dựng... Do thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào đã ảnh hưởng đến hoạt động SXKD, hoàn thành các đơn hàng đã đặt trước, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu và uy tín của DN.
Dịch COVID-19 cũng làm sức mua của nền kinh tế toàn cầu giảm, hoạt động giao thương hạn chế, dẫn đến việc giãn, hủy, hoãn các đơn đặt hàng, gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu và làm giảm sản lượng, doanh thu của DN. Điều này ảnh hưởng đến nhiều DN ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Tỷ lệ DN gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu thu hẹp ở mức khá cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô càng lớn có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu thu hẹp càng cao. Sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu và khó khăn trong lưu thông hàng hóa đang là những khó khăn lớn nhất của đại bộ phận DN; chi phí vận chuyển, lưu kho tăng cũng là vấn đề đáng quan ngại.
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức"
Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, để giúp các DN vượt qua giai đoạn khó khăn, Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt như hỗ trợ DN trong khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu; tháo gỡ những vướng mắc về logistics, giảm thiểu tình trạng ách tắc ở biên giới do công tác phòng dịch; khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho những ngành xuất khẩu chủ lực; hỗ trợ các DN cung ứng vật tư trong nước để đảm bảo nguồn nguyên vật liệu trong nước.
Đặc biệt, cần tái cơ cấu DN khu vực tư nhân nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh; hỗ trợ DN tiếp cận các kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử số, kinh tế số.
Ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (ngày 23/01/2020) và trải qua 3 đợt bùng phát dịch, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời việc triển khai các biện pháp cách ly, truy vết, theo dõi và hạn chế người từ vùng dịch... nhờ vậy đã đạt được những kết quả quan trọng trong phòng chống dịch. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kịp thời đưa ra các gói hỗ trợ, chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội nhằm hỗ trợ DN và người dân như Gói chính sách tiền tệ - tín dụng nhằm cơ cấu lại, giãn - hoãn nợ và xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ chịu ảnh hưởng; Gói cho vay mới với tổng hạn mức cam kết khoảng 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hơn tín dụng thông thường từ 1% - 2,5%/năm; Gói tài khóa (giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số thuế và phí) với tổng giá trị 180.000 tỷ đồng; Gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu lao động và đối tượng yếu thế.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/ NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đây được coi là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.