Chính phủ yêu cầu làm rõ việc tăng giá thuê container

Báo Công Thương|16/01/2021 09:33

(VLR) Mới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo về chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng do hiện tượng tăng giá thuê tàu và container, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trong việc tăng giá thuê tàu và container (nếu có).

Giá cước tàu biển và thuê container liên tục tăng phi mã trong thời gian qua

Giá cước tàu biển và thuê container liên tục tăng phi mã trong thời gian qua

Việc này xuất phát từ tình trạng giá thuê tàu biển và container liên tục tăng cao trong hơn 3 tháng trở lại đây, gây ảnh hưởng nặng tới xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt.

Cụ thể, theo phản ánh của các Hiệp hội ngành hàng như thủy sản, cà phê, lương thực, nhựa… giá thuê container hiện đã tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước tháng 10/2020. Nguyên nhân được các hãng tàu cho biết do thiếu vỏ container rỗng nên giá tăng.

Để làm rõ vấn đề này, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải có buổi làm việc với các chủ tàu, chủ hàng và hiệp hội ngành hàng ở hai khu vực phía Bắc và phía Nam. Tại các buổi làm việc này Bộ Công Thương đã đề nghị hãng tàu khi kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ pháp luật và minh bạch về giá cước để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh rằng, giá cước tàu biển và giá thuê container rỗng tăng cao ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu. Quan hệ giữa chủ tàu và chủ hàng là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, các hãng tàu cần minh bạch giá cước, chia sẻ chi phí với chủ hàng để tránh tăng giá quá cao.

Cùng với đó, tháng 12/2020 Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng về việc giá cước tàu biển, giá thuê container tăng rất cao gây ra tác động bất lợi, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, do tác động của dịch Covid-19, việc giãn cách xã hội, năng lực xử lý hàng ở cảng EU và Bắc Mỹ sụt giảm dẫn đến việc hãng tàu phải cắt giảm tuyến, gây thiếu hụt chuyến, container rỗng. Dịch Covid-19 còn làm cho năng lực sản xuất ở khu vực như Mỹ Latinh, Đông Âu, Nam Á bị sụt giảm, Mỹ và Eu tăng cường nhập khẩu từ khu vực Đông Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Hai yếu tố cộng hưởng đã đẩy giá thuê container lên cao.

Cũng theo Bộ Công Thương, năng lực tiếp nhận, quản lý container rỗng của doanh nghiệp Việt vẫn còn hạn chế, không có bãi tập kết (depot) container rỗng đủ lớn, các depot quy mô nhỏ lẻ, phân tán và không đáp ứng được nhu cầu đóng hàng xuất khẩu. Việt Nam có rất ít doanh nghiệp kinh doanh đóng mới và sửa chữa container, đặc biệt là container chuyên dùng, do vậy phải phụ thuộc vào lượng container của hãng tàu nước ngoài.

Theo Bộ Công Thương hiện đa số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang áp dụng phương thức bán FOB. Theo đó, người mua phải chịu chi phí thuê tàu và container, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chỉ trả các chi phí nội địa như việc lấy container từ depot về để đóng hàng. Do vậy, việc tăng giá cước thuê tàu và container không ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhưng việc hàng hóa phải lưu kho chờ xuất khẩu cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chi phí lưu kho, lưu bãi bị đội lên ước tính khoảng 5-10% giá trị lô hàng. Hàng hóa không chuyển đi được khiến khách hàng không thanh toán, doanh nghiệp Việt Nam không thu được tiền về để tiếp tục sản xuất.

Còn với phương thức bán C&F hoặc bán CIF, việc phải chi trả tăng thêm từ vài trăm đến hàng nghìn USD cho mỗi container làm chi phí xuất khẩu gia tăng đột biến, những khoản chi này không được dự tính trước và mức tăng quá cao sẽ làm doanh nghiệp xuất khẩu thiệt hại, thua lỗ.

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, tiến hành kiểm tra việc chấp hành Nghị định số 146/2016 quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển và các văn bản pháp luật có liên quan; Đồng thời rà soát, thống kê số lượng các depot container và yêu cầu các hãng tàu báo cáo thường xuyên về tình hình lượng container rỗng tại Việt Nam.

Cùng với những kiến nghị này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam và nhiều Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu sử dụng hợp lý, hiệu quả container, trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời để tận dụng tối đa luân chuyển container hai chiều; Đồng thời kiểm tra khả năng các hãng tàu liên kết với nhau để nâng giá cước, găm giữ container rỗng nhằm thu lợi, qua đó đẩy giá thuê container lên cao.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ yêu cầu làm rõ việc tăng giá thuê container
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO