4 yêu cầu thương mại đầu tư
Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) - một hoạt động nổi bật thường niên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) - diễn ra sáng 17/11.
Phát biểu định hướng cho phiên thảo luận về "Tương lai thương mại và đầu tư, các cơ hội và thách thức đối với hợp tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về 4 yêu cầu, đặc điểm của thương mại và đầu tư trong giai đoạn mới.
Đầu tiên là bảo đảm bảo hệ thống thương mại quốc tế công bằng, minh bạch và hiệu quả là điều cốt yếu trong một "sân chơi" toàn cầu. Tiếp đến là chuyển đổi số - xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng, tác động tích cực đến thương mại xuyên biên giới và kinh tế toàn cầu.
Theo Chủ tịch nước, xuất phát từ những khó khăn thách thức trong hai năm qua, thế giới và khu vực đang thiết lập những chuỗi cung ứng mới, tự cường và bền vững, với nguồn cung ứng đa dạng, có cơ chế giám sát hiệu quả và có thể dễ dàng truy vết.
Tiếp đến, ông cũng cho rằng, tác động của đại dịch Covid 19 và biến đổi khí hậu, các lĩnh vực như y tế, công nghệ sinh học, năng lượng sạch cắt giảm phát thải carbon sẽ thu hút mạnh mẽ FDI thời gian tới.
Chủ tịch nước cũng chia sẻ những thành tựu và chính sách của Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn về năng lượng, lương thực.
Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ có mức tăng GDP thuộc nhóm cao tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dự báo ở mức 7,2% năm 2022 và 6,7% trong 2023.
Là nền kinh tế năng động có độ mở lớn và điểm đến của nhiều tập đoàn lớn, Việt Nam đã ký kết và thực thi gần 60 hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư và thực thi 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thế hệ mới với tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA, RCEP...
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ưu tiên của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Việt Nam mong muốn thu hút các dự án FDI với công nghệ cao, giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn. Điều này cũng được ông khẳng định với các doanh nghiệp Mỹ tại buổi tiếp, làm việc trong sáng cùng ngày.
"Việt Nam chia sẻ tầm quan trọng của việc "đồng hành cùng doanh nghiệp", coi doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm, chia sẻ cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mọi tình huống", Chủ tịch nước nói, và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp APEC nêu cao tinh thần hợp tác, vượt qua thách thức và đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại khu vực.
Mở rộng chuỗi cung ứng
Trong khuôn khổ chuyến thăm Thái Lan và dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022., sáng 17/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp, làm việc với Liên minh doanh nghiệp Mỹ - APEC.
Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Nike, Dell, Intel... đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, phát triển chuỗi cung ứng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, thời gian tới, doanh nghiệp Mỹ tăng cường liên kết, mở rộng chuỗi cung ứng và tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng sản xuất.
Theo ông, điều này sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển ở khu vực, toàn cầu, theo tinh thần cùng hợp tác, cùng thành công. Trên cơ sở quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận đây là dịp các doanh nghiệp đề xuất ý tưởng, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Ông nói thêm, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, thời cơ và thách thức đan xen, Việt Nam đã nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 670 tỷ USD, tăng 20% so với 2020 và năm nay dự báo đạt khoảng 800 tỷ USD. 9 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay.
Ông Micheal Michalak, Chủ tịch cao cấp Liên minh doanh nghiệp Mỹ - ASEAN cho biết, các doanh nghiệp Mỹ luôn coi Việt Nam là thị trường chiến lược để đầu tư kinh doanh và muốn gắn bó dài hạn ở Việt Nam.
Tại cuộc gặp, ông Quint Simon, đại diện Amazon Web Service (AWS) nói "sẽ rất có lợi cho phát triển kinh tế số" nếu Việt Nam có chính sách phù hợp dành cho các dịch vụ điện toán đám mây, dịch chuyển công ty xuyên biên giới. Bởi, theo ông, doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup phụ thuộc nhiều vào công nghệ số để tham gia thị trường, cạnh tranh trong ASEAN.
Về điều này, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam chuyển từ thu hút sang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi; ưu tiên thu hút các lĩnh vực đầu tư vào công nghệ cao...
Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan từ 14/11 đến 19/11. APEC được thành lập năm 1989, là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, thúc đẩy tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam trở thành thành viên APEC vào năm 1998, từng hai lần đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC vào năm 2006 và 2017.
Thái Lan đề xuất chủ đề của Năm APEC 2022 là "Rộng mở - Kết nối - Cân bằng". Nội dung hợp tác APEC tập trung vào ba ưu tiên gồm thương mại và đầu tư mở với tất cả cơ hội, khôi phục kết nối trên mọi phương diện và thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững, bao trùm trên mọi khía cạnh.