Chuẩn hóa nghề logistics: Kết nối nhu cầu doanh nghiệp với chương trình đào tạo nhân lực ngành logistics

09/04/2018 13:43

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Trong quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, nhiệm vụ số 45 “Đẩy mạnh đào tạo nghề logistics” là trăn trở bấy lâu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) để chuẩn hóa kỹ năng nghề nghiệp cho hàng triệu lao động trong ngành logistics. Với sự hỗ trợ của dự án Aus4skills, hợp phần thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, VLA và các trường dạy nghề đang thí điểm xây dựng tiêu chuẩn nghề và chuẩn kỹ năng nghề để áp dụng vào chương trình đào tạo thực tế.

(Vietnam Logistics Review) Trong quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, nhiệm vụ số 45 “Đẩy mạnh đào tạo nghề logistics” là trăn trở bấy lâu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) để chuẩn hóa kỹ năng nghề nghiệp cho hàng triệu lao động trong ngành logistics. Với sự hỗ trợ của dự án Aus4skills, hợp phần thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, VLA và các trường dạy nghề đang thí điểm xây dựng tiêu chuẩn nghề và chuẩn kỹ năng nghề để áp dụng vào chương trình đào tạo thực tế.

All Purpose Transport và câu chuyện nhân lực

Công ty All Purpose Transport (APT) là một doanh nghiệp vận tải cỡ nhỏ ở Úc với khoảng 227 nhân sự bao gồm 160 tài xế là chủ xe. Cũng như các công ty khác trong ngành, mức lợi nhuận của dịch vụ vận tải không cao, công việc áp lực nên APT gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự. Công ty kỳ vọng có được đội ngũ nhân sự ổn định, làm việc lâu dài và có tâm huyết với nghề nghiệp. Thông qua sự hỗ trợ của Tổng cục tiêu chuẩn ngành Úc (Australian Industry Standards), nhân viên của APT đã được chứng nhận về năng lực nghền nghiệp theo từng vị trí như lái xe nâng, chuyên viên logistics, giám sát kho, chuyên viên giao nhận.. và được cấp chứng chỉ. Đồng thời, Tổng cục tiêu chuẩn ngành Úc cũng đưa ra tiêu chuẩn kỹ năng theo từng vị trí công việc để các doanh nghiệp có hướng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho nhân sự của mình. Sau giai đoạn triển khai, ở APT, kết quả thật đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ nghỉ việc giảm hẳn, tinh thần làm việc của nhân sự được nâng lên và thái độ học hỏi lan rộng trong tổ chức. Đó là một câu chuyện được bà Amanda Thomas, chuyên gia đến từ AIS chia sẻ trong buổi ra mắt Ban tư vấn đào tạo ngành logistics Việt Nam.

Câu chuyện của APT có lẽ là câu chuyện thường gặp ở rất nhiều công ty logistics không chỉ ở Úc mà còn ở Việt Nam. Chúng ta chưa có tiêu chuẩn nghề nghiệp cụ thể để nhân sự ngành logistics hiểu rõ vai trò, vị trí và con đường nghề nghiệp, nên quá trình “thử và sai” diễn ra trên diện rộng: sinh viên mới ra trường “như tờ giấy trắng”, chưa có việc thì cứ thử xem có làm được không, thử xem có thích không chứ chưa có chọn lựa một con đường nghề nghiệp cho mình một cách rõ ràng.

Chuyện nghề và nghiệp ngành logistics

Chúng ta hay nghe câu “Làm cái mình thích là chơi, chơi cái mình không thích là làm”. Quả đúng như vậy! Có bao nhiêu sinh viên mới ra trường chọn công việc trong ngành logistics như một điểm đến tạm bợ trong thời gian chưa tìm ra công việc mong đợi và sống “lay lắt qua ngày” (không nỗ lực làm việc, không cố gắng trong công việc). Điều này ảnh hưởng rất tai hại đến các doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp nhỏ, tâm lý ngại đào tạo người mới, ngại xáo trộn bộ máy nên không ít chủ doanh nghiệp đành chọn “sống chung với lũ”.

Trong khi đó, cũng có biết bao nhiêu tài xế, thủ kho, chuyên viên logistics gắn bó với nghề mấy chục năm? Nói chuyện với các bác tài, các anh lái xe nâng hay những bạn làm nghề giao nhận, tôi thấy mỗi người đều hiểu rõ những khó khăn trong công việc của mình. Bác tài xế thường xuyên thức khuya dậy sớm theo giờ lấy hàng, di chuyển trong kẹt xe, dùng cabin xe là nơi nghỉ ngơi để chuyên chở hàng hóa an toàn, đúng giờ. Một bác tài lâu năm chia sẻ “Làm nghề này mới biết dân tài xế dễ văng tục vì quá nhiều áp lực: cấm giờ, cấm tải, làm luật, kẹt xe, chủ réo, khách hàng hối, xếp tài chờ xếp dỡ hàng hóa. Nhưng nghề nào nghiệp đó, mình chọn và mình chấp nhận thì cũng không có gì phải lăn tăn đâu em”. Anh lái xe nâng thì thường xuyên căng mắt để lấy hàng hóa chính xác, đầy đủ ở những vị trí kệ cao. Nhân viên giao nhận thì hàng ngày cũng “bán mặt cho đường” để lo đầy đủ thủ tục cho những chuyến hàng đi và đến đúng giờ, thông suốt. Có thể nói, mỗi nghề đều có gắn với nghiệp cả, chọn lựa và sống vui vẻ với nó sẽ tốt hơn nhiều việc sống mãi với điều mình không thích.

Hướng đến bộ tiêu chuẩn nghề cho ngành logistics Việt Nam

Ngành logistics được xác định vai trò quan trọng trong đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Do vậy, ngành logistics được chọn làm thí điểm để xây dựng tiêu chuẩn nghề gắn kết với nhu cầu thực tế của cộng đồng doanh nghiệp, và mô hình này có thể áp dụng cho các ngành khác ở Việt Nam. Sự lựa chọn này dựa trên sự sẵn sàng tham gia của các lãnh đạo ngành, tầm quan trọng của ngành logistics trong phát triển kinh tế của Việt Nam, sự phát triển thương mại giữa Australia và Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn nghề được đưa ra trong Dự án Giao thông vận tải và Logistics của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2014-2016.

Tháng 5.2017, dự án đã tổ chức 2 ngày workshop tại TP. HCM để các bên liên quan gồm: Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, VLA và các hội viên, 6 trường đầu tiên gồm: Cao đẳng nghề cơ giới và thủy lợi Đồng Nai, Cao đẳng kỹ nghệ 2, Cao đẳng kinh tế Hồ Chí Minh, Cao đẳng Viễn Đông, Cao đẳng Nguyễn Hữu Cảnh, Cao đẳng công nghệ Thủ Đức và xác định theo mô hình Úc là có Ban tư vấn đào tạo ngành (bao gồm người của cơ quan chức năng hữu quan nhà nước, các Hiệp hội liên quan, các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo) để tham vấn cho chương trình đào tạo sao cho người học ra có thể đi làm theo yêu cầu của doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề và bà Karen Lanyon - Tổng lãnh sự Úc cùng Ban Tư vấn - Đào tạo ngành logistics trong lễ ra mắt Ban tư vấn đào tạo ngành logistics

Ngày 14.12.2017, Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics chính thức ra mắt. Tại sự kiện, Ông Craig Chittick – Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: “Australia rất vui mừng được chia sẻ kinh nghiệm phát triển giáo dục nghề nghiệp với sự tham gia của ngành để hỗ trợ Việt Nam phát triển một hệ thống phù hợp, tăng năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hệ thống của chúng tôi được phát triển trong vài thập niên qua trên cơ sở mô hình quốc gia về tiêu chuẩn kỹ năng nghề với sự tham vấn với ngành. Điều này nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của ngành, của doanh nghiệp và của cá nhân”.

Trong nữa đầu năm 2018, dự án Au4skill sẽ tổ chức đào tạo giảng viên và triển khai nội dung làm việc với Ban tư vấn đào tạo ngành logistics để xây dựng thí điểm bộ tiêu chuẩn cho 5 nghề: nhân viên kho hàng, giám sát kho hàng, nhân viên logistics, giao nhận hàng hóa và xếp dỡ hàng tổng hợp.

Với những kinh nghiệm tích lũy nhiều năm của chương trình Au4skill và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp hội viên VLA, chúng ta có thể kỳ vọng những nghề nghiệp chính sẽ có bộ chuẩn nghề, sớm được triển khai đến các trường nghề Việt Nam để không chỉ đào tạo nguồn nhân lực có mục tiêu, định hướng và kỹ năng rõ ràng mà còn chuẩn hóa tiêu chuẩn nghề nghiệp cho hàng triệu lao động trong ngành logistics hiện nay.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn hóa nghề logistics: Kết nối nhu cầu doanh nghiệp với chương trình đào tạo nhân lực ngành logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO