(Vietnam Logistics Review) “Chuỗi cung ứng là một mạng lưới các lựa chọn sản xuất và phân phối nhằm thực hiện các chức năng thu mua nguyên liệu, chuyển đổi nguyên liệu thành bán thành phẩm và thành phẩm, và phân phối chúng cho khách hàng” – “An introduction to supply chain management” Ganesham, Ran and Terry P.Harrison, 1995. Chuỗi cung ứng không chỉ gồm nhà sản xuất và nhà cung cấp, mà còn có nhà vận chuyển, kho, người bán lẻ và bản thân khách hàng.
Trong một chuỗi cung ứng điển hình, nguyên vật liệu được mua ở một hoặc nhiều nhà cung cấp; các bộ phận được sản xuất ở một nhà máy hoặc nhiều hơn, sau đó được vận chuyển đến nhà kho để lưu trữ ở giai đoạn trung gian, cuối cùng đến nhà bán lẻ và khách hàng. Các thành viên tham gia chuỗi cung ứng mặc dù có những chức năng riêng biệt nhưng cần phải có sự liên kết chặt chẽ.
Vì vậy, để giảm thiểu chi phí và cải tiến mức phục vụ, các chiến lược chuỗi cung ứng hiệu quả phải xem xét đến sự tương tác ở các cấp độ khác nhau trong chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng cũng được xem như mạng lưới hậu cần, bao gồm các nhà cung cấp, các trung tâm sản xuất, nhà kho, các trung tâm phân phối và các cửa hàng bán lẻ cũng như nguyên vật liệu, tồn kho trong quá trình sản xuất và sản phẩm hoàn thành dịch chuyển giữa các cơ sở.
Sản xuất – chế biến gạo của Việt Nam
Việt Nam là một nước nhiệt đới gió mùa, có chiều dài bờ biển lên tới 3.000km, địa hình phức tạp nhiều sông núi, do đó hình thành nhiều vùng canh tác lúa khác nhau. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác, sự hình thành mùa vụ và phương pháp gieo trồng.
Nghề trồng lúa nước Việt Nam được chia ra là 3 vùng chính: Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng ven biển miền Trung và Đồng bằng Nam Bộ.
Sản xuất lúa gạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại Việt Nam, có tới 80% trong tổng số 11 triệu hộ nông dân tham gia sản xuất lúa gạo (Nguyễn Ngọc Quế & Trần Đình Thao, 2003). Từ một nước nhập khẩu gạo trong những năm 70 của thế kỷ trước, đến năm 2010, Việt Nam đã đứng thứ 2 trong top 10 các nước xuất khẩu gạo nhiều nhất trên toàn thế giới.
Xuất khẩu gạo Việt Nam
Trong những năm gần đây, gạo Việt Nam đã thâm nhập và tăng được khối lượng xuất khẩu vào những thị trường khó tính như: Hồng Kông, Singapore, Úc, Nhật Bản... Song, về căn bản thì thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam vẫn là châu Á và châu Phi.
Năm 2015, lượng gạo xuất khẩu Việt Nam đạt 6,59 triệu tấn, thu về trên 2,8 tỷ USD (tăng 3,28% về lượng, nhưng vẫn giảm 5,13% về kim ngạch so với năm 2014). Về sản lượng, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ (hơn 10,2 triệu tấn) và Thái Lan (gần 9,6 triệu tấn). Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc – thị trường lớn nhất tiêu thụ gạo của Việt Nam cũng tăng 4,8% về lượng nhưng vẫn sụt giảm 3,59% về kim ngạch so với năm 2014 (đạt 2,12 triệu tấn, tương đương 859,2 triệu USD). Xuất khẩu sang Philippines cũng giảm cả về lượng và kim ngạch, đạt 1,14 triệu tấn, thu về 467,26 triệu USD (giảm 15,4% về lượng và giảm 23,22% về kim ngạch). Năm 2015 xuất khẩu sang thị trường Indonesia lại đạt mức tăng mạnh 105,4% về lượng và tăng trên 77% về kim ngạch (đạt 0,67 triệu tấn, tương đương 266,72 triệu USD).
Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo năm 2016 của Việt Nam được dự báo tiếp tục chịu tác động bởi diễn biến khó lường của thị trường gạo thế giới. Cụ thể, tác động của hiện tượng El Nino, tình hình biến đổi khí hậu đang tác động đến các nguồn cung gạo trên thế giới. Đặc biệt là tình hình xâm nhập mặn đang lan rộng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa của người dân, đang đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc chống mặn. Cùng với đó, Việt Nam cũng chịu sức ép cạnh tranh từ các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan; từ các nước xuất khẩu gạo tiềm năng đang có những bước tiến mạnh mẽ như Campuchia và Myanmar. Cạnh tranh hiện diễn ra không chỉ về giá xuất khẩu mà cả về chất lượng, thương hiệu.
Lợi thế cạnh tranh về giá của Việt Nam hiện nay đã không còn như các năm trước do tồn kho gạo cũ lớn của Thái Lan và lợi thế của Pakistan và Ấn Độ. Ngoài ra, các nước nhập khẩu truyền thống cũng có sự thay đổi về thể chế, biến động về chính trị; chính sách nhập khẩu thay đổi theo hướng tiếp tục tăng cường sản xuất trong nước, tiến tới đáp ứng phần lớn hoặc tự túc lương thực; đa dạng hóa nguồn cung, tận dụng cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu để tìm kiếm giá nhập khẩu tốt nhất và áp dụng các biện pháp có lợi cho người nhập khẩu, không theo thông lệ hay cam kết thương mại quốc tế.
Các mô hình hiệu quả
Theo Hill và Ingersent (1977), trong chuỗi cung ứng nông sản, bao gồm các chủ thể sau: Nhà cung cấp → Nhà sản xuất → Người thu gom/Thương lái → Nhà bán buôn/chế biến → Nhà bán lẻ → Người tiêu dùng.
Theo TS. Nguyễn Văn Sơn (2013), thông qua nghiên cứu điển hình các DN tại khu vực phía Nam, chuỗi cung ứng sản phẩm gạo xuất khẩu tại Việt Nam được thể hiện qua 2 mô hình cơ bản dưới đây:
Mô hình A
(Thu mua gạo – xuất khẩu): Nhà cung cấp → Nhà sản xuất → Thương lái → Nhà máy xay xát 1 → Nhà máy xay xát 2 → Công ty xuất khẩu → Cảng → Nhà nhập khẩu.
Thương lái mua lúa trực tiếp của nông dân từ các vùng khác nhau với quy mô dao động rất linh hoạt từ điểm mua ngay tại đồng ruộng hoặc tại kho dự trữ của nông dân, thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt. Hàng sáo sẽ sấy lúa, xay xát và dự trữ gạo tại các nhà máy xay xát nhỏ ven sông. Khi các nhà xuất khẩu đặt hàng hoặc chào giá mua hợp lý thì hàng sáo sẽ giao gạo nguyên liệu tại nhà máy của nhà xuất khẩu hoặc giao gạo thành phẩm tại cảng giao hàng do nhà xuất khẩu chỉ định. Theo mô hình này, phần lớn là cung ứng gạo cho các hợp đồng G2G và các thị trường có nhu cầu gạo phẩm cấp trung bình như Philippines, Indonesia, Cuba, châu Phi... Quy cách gạo thường khó đảm bảo độ thuần chủng nên giá không cao.
Mô hình B
(Đầu tư vùng lúa chuyên canh – xuất khẩu): Nhà cung cấp → Nhà sản xuất → Nhà máy xay xát → Công ty xuất khẩu → Công ty vận chuyển → Cảng → Nhà nhập khẩu.
Hàng sáo mua lúa trực tiếp của nông dân từ các vùng lúa chuyên canh để cung ứng cho đơn hàng của các nhà xuất khẩu theo mức giá thỏa thuận vào thời điểm mua. Hoặc nhà xuất khẩu mua lúa trực tiếp từ nông dân. Lúa/gạo nguyên liệu được giao đến các nhà máy của nhà xuất khẩu, thanh toán bằng tiền mặt. Gạo nguyên liệu được lau bóng, tách hạt khác màu (sortex), phối trộn và đóng gói theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo thơm (jasmine, fragrance) 5% tấm, đóng gói từ 1-10kg/bao (PP, PE), và bán theo điều kiện CNF, CIF hoặc FOB. Gạo xuất khẩu theo mô hình này chủ yếu đáp ứng cho các đơn hàng theo hợp đồng đi những thị trường gạo cao cấp như Hồng Kông, Ả rập Xeut, Úc, Hàn Quốc... Đây là xu hướng chuyển dịch cơ bản của các DN xuất khẩu gạo ở các tỉnh phía Nam hiện nay.