Việt Nam và ESCAP thúc đẩy phát triển bền vững
ESCAP là viết tắt bằng tiếng Anh của Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc, là tổ chức liên chính phủ lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 53 nước thành viên và 9 thành viên liên kết, trong đó gồm cả 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, một số mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) không thể hoàn thành đúng thời hạn đề ra là năm 2030, thậm chí nhiều tiến bộ bị đảo ngược và đẩy lùi lại vài thập kỷ. Tại Việt Nam, tiến trình thực hiện các SDGs thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, Việt Nam là một trong những nước đi đầu khu vực về các cam kết thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt là cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng không “net-zero” vào năm 2050 và chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh và bền vững gần đây. Để đạt được các mục tiêu và cam kết đề ra, Việt Nam rất cần sự đồng hành và hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, trong đó ESCAP đóng vai trò rất quan trọng.
ESCAP là tổ chức quốc tế hàng đầu khu vực về hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn hoạch định chính sách phát triển bền vững và là đầu mối của Liên hợp quốc trong thúc đẩy triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
ESCAP có 5 trung tâm khu vực về các lĩnh vực chuyên môn gồm: cơ khí hóa nông nghiệp bền vững (CSAM), thống kê (SIAP), công nghệ thông tin và liên lạc (APCICT), chuyển giao công nghệ (APCTT) và phòng chống thiên tai (APDIM). Việt Nam luôn là thành viên tích cực, chủ động của các trung tâm này với nhiều đóng góp và sáng kiến tích cực.
Thời gian qua Việt Nam đã triển khai nhiều hợp tác và tranh thủ được sự hỗ trợ thiết thực từ ESCAP, đặc biệt trên 3 phương diện: Hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Phương hướng và chính sách để tháo gỡ những khó khăn trên một lĩnh vực hay một vấn đề cụ thể; Nâng cao năng lực cán bộ thông qua các khoá đào tạo, hội thảo chuyên đề về chính sách kinh tế vĩ mô, các vấn đề xã hội, phát triển nông nghiệp, giao thông vận tải, thông tin - truyền thông, thống kê, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường…
Một số dự án gần đây có thể kể đến như: Nghiên cứu toàn cảnh về mô hình kinh doanh bao trùm tại Việt Nam, Đánh giá tính sẵn sàng của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại phi giấy tờ xuyên biên giới, Xây dựng hệ thống dữ liệu về thực hiện SDGs ở cấp quốc gia. Thông qua các dự án hợp tác này, Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận với kiến thức mới, trao đổi kinh nghiệm và mở rộng mạng lưới đối tác trong khu vực. Điều này đã góp phần nâng cao hiểu biết và năng lực của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm cũng như giúp cải thiện hiệu quả và tính bền vững của các chính sách, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiến xa hơn trong việc đạt được SDGs.
Chuỗi cung ứng bền vững thúc đẩy phát triển kinh tế xanh
Đối với chuỗi cung ứng, 2 năm 2021- 2022 đã chứng kiến sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đi kèm với giãn cách, phong tỏa ở các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng như Việt Nam, điều này đã thay đổi cơ bản phương thức cung ứng hàng hóa chuyển dịch hình thức bán hàng online, ứng dụng công nghệ trong chuỗi cung ứng, chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.
Kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, nhiều thách thức mới đặt ra, chủ nghĩa dân tộc và phi toàn cầu hóa (De-Globalization), những bất ổn về chính trị về cuộc chiến Nga – Ukraina đặt ra mối quan ngại về lạm phát diễn ra khắp nơi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi phí vận hành chuỗi cung ứng cũng như ổn định vĩ mô ở các quốc gia.
Các ảnh hưởng của các hoạt động của chuỗi cung ứng và logistic đến môi trường ngày càng được xem xét kỹ lưỡng. Các quốc gia trên thế giới đang nhắm đến các mục tiêu cam kết về phát thải và đang chú trọng phát triển chuỗi cung ứng bền vững hơn. COP26 (26th United Nations Climate Change Conference of the Parties) tổ chức tại Glasgow, Scotland được các quốc gia cam kết chặt chẽ về việc hạn chế phát thải trong đó có Việt Nam với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vì vậy, việc phát triển chuỗi cung ứng bền vững và chuỗi cung ứng xanh không còn là sự lựa chọn, mà giờ đây là xu thế mắt buộc mà các doanh nghiệp phải chuyển mình để thích ứng.
Kỳ vọng sự hợp tác của Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính trong việc thúc đẩy nông nghiệp xanh không chỉ giúp Việt Nam giảm phát thải carbon trong sản xuất mà còn tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.