Chuyển đổi số trong doanh nghiệp giải pháp không thể thiếu

Ngô Đức Hành|03/01/2023 14:42

Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong doanh nghiệp nói chung được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp.

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, nếu được hiểu đúng nghĩa sẽ là sự tác động để con người thay đổi tư duy làm việc, vận hành bộ máy, từ đó sẽ tìm cách để ứng dụng nó vào từng hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Không chỉ có tác động đến cách làm việc, cách quản trị doanh nghiệp mà nó còn có tác động đến văn hóa, môi trường làm việc của doanh nghiệp.

portrait-modern-business-woman-working-with-laptop-computer-office-copy-space-area-compressed.jpg

Đây thực sự là quá trình thay đổi mang tính chiến lược của một doanh nghiệp nói chung và ngành Logistics nói riêng. Vì thế, không đơn giản là sử dụng một phương pháp, một mô hình là đã thành công, mà cần một quá trình thực hiện có kế hoạch với mục tiêu rõ ràng.

Chúng ta đã trải qua thời kỳ các doanh nghiệp hoạt động bằng cây bút và sổ viết tay, dần qua sử dụng máy tính, mạng Internet và chuyển đổi số cũng là một quá trình chuyển đổi gần giống vậy. Đây là quá trình phát triển sẽ trở thành tất yếu của một doanh nghiệp trong sự chuyển mình của toàn thế giới. Các lợi ích của chuyển đổi số, đó là: Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp; Nâng cao năng suất làm việc; Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; Tăng doanh thu, lợi nhuận.

Tính đến nay, chuyển đổi số đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với nhiều doanh nghiệp. Nhất là qua 2 năm đại dịch Covid-19, chuyển đổi số là nhu cầu, là giải pháp sinh tồn để duy trì và phát triển.

concept-save-energy-efficiency-hand-holding-light-bulb-with-eco-icons-compressed.jpg

Tại Việt Nam, có một sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế chuyển đổi số cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, các doanh nghiệp quy mô lớn chuyển đổi nhanh cũng như tin tưởng hơn đối với chuyển đổi số.

Hiện nay, tại Việt Nam các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm khoảng 97% số lượng doanh nghiệp nhưng là nhóm gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số nhất. Mặc dù đã có những nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số, tuy nhiên, do khả năng sản xuất còn hạn chế, mức độ tự động hóa còn chưa cao nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó áp dụng chuyển đổi số. Do đó, cần có một số giải pháp để các doanh nghiệp phát triển trong CMCN 4.0.

Chuyển đổi số cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số và đó cũng là điều mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trên bình diện quốc gia, mỗi năm Việt Nam thiếu khoảng 90.000 nhân lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số trong khi các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

smart-city-wireless-communication-network-skyscrapers-background-financial-moderntechnology-compressed.jpg

Con người là nguồn lực quý giá nhất của doanh nghiệp. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải là một bộ phận trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Trong đó, trước hết, cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu của doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, chuyên viên chủ chốt thông qua các hoạt động huấn luyện, cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng cần thiết; thành thạo năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; biết ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh; thành thạo công nghệ thông tin, máy tính... để nâng cao năng suất lao động; coi trọng công tác tuyển dụng, có chiến lược để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.

Đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, cơ sở hạ tầng tới giải pháp công nghệ chính, vì vậy, đây là công cuộc đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, việc sẽ phải đầu tư lớn về tài chính và nhân lực, trong khi chưa chắc chắn về hiệu quả cũng như đối mặt với nguy cơ thất bại, từ đó tạo nên rào cản lớn với các doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%)... Dù vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ Cloud Computing (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%).

Chuyển đổi số tại mỗi doanh nghiệp sẽ tác động lớn đến chiến lược kinh doanh, hình thức hoạt động của doanh nghiệp, vì vậy, đó sẽ là một sự thay đổi lớn tới toàn bộ doanh nghiệp, điều này gây áp lực cho các nhà lãnh đạo tại các doanh nghiệp này.

Một khảo sát cho thấy, 85% những người giữ vai trò ra quyết định quan trọng trong doanh nghiệp cho biết, họ chỉ có 2 năm để nắm vững về chuyển đổi số. Chính vì vậy, thực tế buộc các nhà lãnh đạo phải có được nhận thức kịp thời và đưa ra hành động sớm cho chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình.

medium-shot-man-wearing-vr-glasses-compressed.jpg

Kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp thế giới cho thấy, bộ phận nghiên cứu và phát triển trong một doanh nghiệp rất quan trọng, cho dù hoạt động trong lĩnh vực nào, từ tiêu dùng đến sản xuất. Các doanh nghiệp đều đề cao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển để đưa ra những phát kiến, sản phẩm và cải tiến mới phục vụ tốt nhất nhu cầu thị trường.

Với tinh thần đổi mới của các doanh nghiệp hiện nay thì việc số hóa toàn diện là giải pháp không thể thiếu cho doanh nghiệp, đặc biệt là với chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ trong những năm gần đây, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị về tinh thần và tài chính, tạo nền móng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số trong tương lai.

Các nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp Logistics cần nâng cao chuyên môn về chuyển đổi số để đưa ra các quyết định thay đổi và đầu tư đúng đắn cho doanh nghiệp.

Bài liên quan
  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xây dựng một lộ trình số hoá
    Với thực trạng có tới trên 90 % doanh nghiệp logistics Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì câu chuyện số hóa cho loại hình doanh nghiệp này vô cùng quan trọng. Do tiềm lực tài chính hạn chế, nhân lực yếu kém nên các công nghệ tiên tiến phục vụ số hóa doanh nghiệp hiện nay như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (Internet of Things), Block Chain, Robot và tự động hóa (Automation)... là quá xa vời đối với các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp giải pháp không thể thiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO