Chuyên gia: Dịch vụ hậu cần còn nhiều bất cập

01/01/1970 08:00

(VLR) Việt Nam còn nhiều bất cập cần khắc phục nhằm cải thiện ngành dịch vụ hậu cần và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia quốc tế cảnh báo.

Việt Nam vẫn không được coi là quốc gia hàng hải, dù có bờ biển dài. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) - Việt Nam còn nhiều bất cập cần khắc phục nhằm cải thiện ngành dịch vụ hậu cần và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia quốc tế cảnh báo.

Tại hội nghị bàn về chuỗi cung ứng được tổ chức gần đây tại Hà Nội, Giám đốc điều hành GHK (Hong Kong), ông Jonathan Beard cảnh báo rằng Việt Nam còn lâu mới thành một quốc gia hàng hải cho dù có bờ biển dài 3.260km và nằm trong khu vực then chốt của giao thông đường biển quốc tế.

Ông cho rằng, lý do là hệ thống cảng biển miền Bắc vẫn còn quy mô nhỏ, manh mún và không thể đáp ứng nhu cầu đang tăng trưởng mạnh tại miền Bắc và khu vực Tây Nam Trung Quốc.

Chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần xây dựng một số cảng biển lớn, tập trung, để giải quyết nút thắt cổ chai đang cản trở phát triển kinh tế ở miền Bắc.

Trong khi đó, Chuyên gia Ngân hàng Thế giới Phạm Anh Đức nhận xét, ngành hải quan Việt Nam cần đẩy ứng dụng điện tử trong tất cả các khâu nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp thứ 53/155 quốc gia tham gia khảo sát LPI 2012 do ngân hàng này xếp hạng. Chỉ số LPI dựa trên các tiêu chí như cơ sở hạ tầng, chuyến hàng quốc tế, năng lực hậu cần, giao hàng đúng giờ, hải quan…

Theo bảng xếp hạng này, ông Đức cho biết, Việt Nam đã có cải thiện trong một số tiêu chí như cơ sở hạ tầng, chuyến hàng quốc tế, giao hàng đúng hẹn,…

Ông Đức nhận xét, thiếu kho bãi và quản lý dịch vụ đang là hai vấn đề yếu kém của ngành logistics Việt Nam.

Trong khi đó, Giám đốc chuỗi cung ứng của DHL Việt Nam Jan Wilem Winkelhuijzen cảnh báo các công ty đa quốc gia có thể vấp “sai lầm” nếu cho rằng khi đầu tư ở Việt Nam họ có thể hưởng chi phí vận hành rẻ hơn nhiều so với các thị trường khác.

Được biết, ngành hậu cần chiếm tới 18-24% tổng sản phẩm nội địa (GDP) tại Việt Nam, cao hơn nhiều so với Trung Quốc, EU và Mỹ.

Các chuyên gia đều cho rằng xây dựng được một mô hình chuỗi cung ứng hiệu quả có vai trò rất quan trọng trong việc kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng, phân phối, sản xuất, logistics, thu mua, kế hoạch vật tư và tài chính đã tham dự hội thảo, trong đó có các tên tuổi như Unilever, Metro Cash and Carry, VINAFCO, Coca-cola, DHL Supply Chain, VNCI/ US Aid, PricewaterhouseCoopers, Vinalink, Zuellig Pharma, Loscam, DB Schenker, Asia Pacific Brewery, Friesland Campina, LG Electronic, APL Logistics, Indo-Trans Logistic Keppel, World Bank, GHK Hong Kong, CEL Consulting, INSO-TRACC, Singapore Institute of Materials Management, Duanne Morris...

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia: Dịch vụ hậu cần còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO