Theo Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 27.1.2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của VN đến năm 2020, các định hướng và mục tiêu phát triển lĩnh vực này trong giai đoạn tới được xác định:
- Phát triển khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng các khu vực sản xuất và tốc độ tăng GDP.
- Tập trung nguồn lực, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, các ngành có hàm lượng khoa học và công nghệ cao mang lại giá trị gia tăng cao, làm cơ sở cho sự phát triển chung của khu vực dịch vụ và nền kinh tế.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các DN kinh doanh dịch vụ; đẩy mạnh khai thác tiềm năng và lợi thế của từng lĩnh vực dịch vụ, tăng cường sự hợp tác giữa các lĩnh vực dịch vụ.
- Đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và dịch vụ thu ngoại tệ tại chỗ thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch, tài chính - ngân hàng, kiều hối, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không, đường biển và bán hàng tại chỗ, giảm thâm hụt cán cân dịch vụ.
- Phát triển hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ VN.
- Hình thành một số trung tâm dịch vụ đặc biệt là các trung tâm du lịch có quy mô và có sức cạnh tranh trong khu vực.
Trong đó, lĩnh vực dịch vụ logistics được xác định là lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế cần phát triển mạnh, là ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng” cần tập trung phát triển có trọng điểm. Dịch vụ logistics được coi là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất hệ thống phân phối các ngành dịch vụ khác và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Định hướng hình thành dịch vụ trọn gói 3PL, phát triển logistics điện tử cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả và thân thiện. Cùng với việc xác định mục tiêu phát triển ngành dịch vụ thì mục tiêu phát triển cụ thể cũng được quyết định chỉ rõ. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 khu vực dịch vụ đạt 7,8-8,5%/năm, với quy mô khoảng 41-42% GDP toàn nền kinh tế; giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 8,0-8,5%/năm với quy mô khoảng 42-43% GDP toàn nền kinh tế. Trong đó tốc độ tăng trưởng thị trường logistics đạt 20-25% năm. Tổng giá trị thị trường dịch vụ logistics dự báo chiếm 10% GDP vào năm 2020. Tỉ lệ thuê ngoài logistics (outsourcing logistics) đến năm 2020 là 40%.
Để đạt được mục tiêu phát triển ngành dịch vụ, đặc biệt là ngành dịch vụ logistics như đã đề ra thì chúng ta cần có một cơ chế chính sách phù hợp. Các cơ chế, chính sách liên quan đến dịch vụ logistics hiện nay được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực cụ thể như: Luật Thương mại 2005, từ Điều 233 đến Điều 240 và Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 5.9.2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics; Quyết định 175/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng thể phát triển khu vực dịch vụ VN đến năm 2020. Theo đó, logistics được coi là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất hệ thống phân phối các ngành dịch vụ khác và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó là các quy định pháp luật liên quan điều chỉnh dịch vụ logistics như Bộ luật Dân sự 2005, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2005, Luật Cạnh tranh 2004, Luật Hải quan sửa đổi 2005 và các quy định chuyên ngành khác. Theo như cam kết và lộ trình hội nhập các lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics, Chính phủ VN và các Bộ, ngành quản lý cũng đã có ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về GTVT, cảng biển, xuất nhập khẩu, hải quan, thuế... Trong đó đặc biệt các quy hoạch về GTVT, cảng biển, vận tải biển, vận tải đường bộ, đường thủy..., các cảng cạn, khu logistics... đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã ra đời. Trên thực tế các hành lang pháp lý nêu trên có tác động tích cực đến phát triển thị trường dịch vụ logistics trong thời gian qua.
Về những cam kết quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ có liên quan đến logistics: Trong phân loại các ngành/phân ngành dịch vụ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không có khái niệm dịch vụ logistics. Các hoạt động logistics cụ thể thực tế nằm trong các phân ngành dịch vụ hỗ trợ vận tải, thuộc ngành dịch vụ vận tải. Gia nhập WTO, liên quan đến dịch vụ logistics, VN đã cam kết mở cửa các phân ngành sau: dịch vụ xếp dỡ container; dịch vụ thông quan; dịch vụ kho bãi; dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa; các dịch vụ thực hiện thay mặt cho chủ hàng (bao gồm các hoạt động kiểm tra vận đơn; dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa; giám định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; giám định hàng hóa; dịch vụ nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải). Theo các cam kết gia nhập WTO, VN đã cam kết cho phía nước ngoài được thiết lập các DN liên doanh, với tỷ lệ góp vốn 49-51% trong các dịch vụ vận tải, giao nhận, kho bãi,... Đến năm 2014, tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài tăng lên 100%.
Cùng với những khó khăn từ thực tế hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics thì những quy định của pháp luật hiện hành về dịch vụ logistics vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc đó là:
Hệ thống luật, quy định chưa tạo được các liên kết ngang (liên kết tất cả các dịch vụ ngân hàng, hải quan, kho bãi, giao nhận...). Về quản lý nhà nước đối với dịch vụ logistics hiện nay, theo Điều 9 Nghị định số 140 thì có rất nhiều các Bộ, ngành liên quan tham gia nhưng lại chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền của từng cơ quan. Ví dụ: Các dịch vụ hỗ trợ khách hàng liên quan tới Bộ Tài chính, Bộ Công Thương; Việc mua sắm và đấu thầu phải xin giấy phép của Bộ Tài chính; Quản lý hàng tồn kho, xử lý việc trả lại hàng và giao dịch logistics sửa đổi phải thông qua Bộ Tài nguyên - Môi trường... Có những hoạt động liên quan tới 3-4 ngành khác nhau, như: Chọn địa điểm cho các phương tiện hỗ trợ, xếp hàng vào kho, lưu kho liên quan Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Công tác dự báo và lập kế hoạch nhu cầu của các DN thì liên quan tới Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Việc chuẩn bị hồ sơ làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu liên quan tới Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên - Môi trường. Hàng hóa xuyên biên giới liên quan tới Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Bộ Y tế… Điều này sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau giữa các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời làm tăng tổng chi phí logistics trên GDP, ảnh hưởng đến nền kinh tế, gây mất thời gian và chi phí của các DN.
Mặt khác, các Bộ, ngành chưa có cơ quan quản lý về ngành logistics một cách tách bạch, còn xem logistics nằm trong vận tải hoặc xuất nhập khẩu, do vậy về quản lý vĩ mô, đang thiếu một cơ quan đầu mối để kết nối và kiến tạo ngành logistics trong giai đoạn ban đầu. Trong khi đó, các DN logistics Thái Lan luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Chính phủ Thái Lan thông qua Hội chợ Quốc tế về logistics (TILLOG) hàng năm do Bộ Thương mại Thái Lan tổ chức. Đồng thời, từ lâu họ đã có một tổ chức quản lý nhà nước hoạt động chuyên nghiệp về logistics (Vụ Logistics trực thuộc Cục Phát triển Thương mại quốc tế - Bộ Thương mại Thái Lan - Department of International Trade Promotion – DITP).
Và cuối cùng Chính phủ cũng cần có thay đổi về qui định quyền của các công ty liên doanh và DN nước ngoài về dịch vụ logistics trong việc tham gia vào các hiệp hội trong nước. Theo qui định hiện nay các DN dịch vụ logistics có yếu tố nước ngoài khi tham gia Hiệp hội chỉ được là hội viên liên kết, không phải hội viên chính thức. Vì vậy, phần lớn các công ty liên doanh và nước ngoài được thành lập ở VN về dịch vụ logistics chưa tham gia vào Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA).