Cơ hội của các FTA nhìn từ chỉ số LPI

17/05/2016 11:34

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 6,3% năm 2016. Thêm vào đó, việc ký kết các FTA, đặc biệt là sự kiện thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vừa qua, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ việt nam tại các thị trường xuất khẩu. Điều này tạo nhiều cơ hội phát triển mới cho ngành logistics Việt Nam.

(Vietnam Logistics Review)Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 6,3% năm 2016. Thêm vào đó, việc ký kết các FTA, đặc biệt là sự kiện thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vừa qua, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ việt nam tại các thị trường xuất khẩu. Điều này tạo nhiều cơ hội phát triển mới cho ngành logistics Việt Nam.

Xuất nhập khẩu tăng nhờ các FTA

Trong giai đoạn 2005 - 2014, kim ngạch XK hàng hóa tăng nhanh, từ 32.447 triệu USD năm 2005 lên 150.217 triệu USD năm 2014 (tăng gấp 4,6 lần). Cơ cấu thị trường XK đang chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng những thị trường truyền thống như ASEAN, EU, Mỹ và tăng dần tỷ trọng các thị trường khác. Kim ngạch NK trong giai đoạn này tăng đều qua các năm từ 36.761,1 triệu USD năm 2005 lên 148.000 triệu USD năm 2014 (tăng gấp 4 lần). Thị trường NK chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng NK từ 3 quốc gia Đông Bắc Á (đặc biệt là thị trường Trung Quốc) và thị trường Hoa Kỳ, đồng thời, giảm dần tỷ trọng NK từ các thị trường ASEAN và EU.

Cơ hội cho ngành logistics Việt Nam

Đáp ứng quy mô của kim ngạch XNK ngày càng gia tăng, cần phải có sự phát triển đồng bộ của các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ logistics. Điều này tạo sự lạc quan lớn cho ngành dịch vụ logistics tại VN. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới về tình hình Đông Á – Thái Bình Dương, kinh tế VN được dự báo sẽ tăng trưởng 6,3% năm 2016. Thêm vào đó, việc ký kết các FTA, đặc biệt là sự kiện thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa qua, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ VN tại các thị trường XK. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhập siêu sẽ tăng do VN phải NK nguyên liệu, thiết bị máy móc SX từ các nước khác. Từ đó, xu thế liên kết kinh tế khu vực thông qua các FTA sẽ thu hút sự tham gia của hầu hết các nền kinh tế và đương nhiên kéo theo các nhu cầu mới về vận tải, kho bãi, dịch vụ phụ trợ,... dẫn đến sự phát triển tất yếu của ngành logistics.

Cùng với đà phát triển của kinh tế xã hội, xu hướng thuê bên ngoài thực hiện các hoạt động logistics cũng ngày càng phổ biến. Điều đó sẽ làm cho chất lượng dịch vụ logistics của các DN cung ứng tăng lên tạo sức cạnh tranh cao giữa các DN có ứng dụng dịch vụ mới vào kinh doanh. Có thể nói, VN đang là một điểm đến lý tưởng cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics, là cơ hội lớn cho ngành logistics bùng nổ.

Nhìn lại chỉ số LPI của Việt Nam

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, chỉ số năng lực logistics quốc tế của VN đang đứng thứ 48 trên tổng số 166 nước tiến hành khảo sát với tổng điểm LPI đạt 3,15 trong thang điểm từ 1 đến 5. Thang điểm được đánh giá dựa trên 6 nhân tố: năng lực thông quan, cơ sở hạ tầng, vận tải quốc tế, năng lực logistics, khả năng truy xuất, thời gian giao nhận. Sự gia tăng tổng điểm trong chỉ số LPI quốc gia từ năm 2007 - 2014 dựa trên sự cải thiện riêng lẻ các chỉ số phát triển logistics. Trong đó, đáng kể nhất là chỉ số về cơ sở hạ tầng với thứ hạng tăng từ 72 lên 44 trong 1 năm và chỉ số về năng lực logistics tăng từ 82 lên 49 từ năm 2013 - 2014. Chiến lược tổng thể cũng đã xác định mục tiêu cụ thể cho logistics VN: hình thành trọn gói 3PL; phát triển logistics điện tử (e-logistics) cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả, thân thiện; phấn đấu giảm chi phí logistics ở mức 20% GDP; giữ vững tốc độ tăng trưởng trung bình thị trường dịch vụ logistics là 20-25%/năm, tổng giá trị thị trường dự đoán chiếm 10% GDP vào năm 2020; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đến năm 2020 là 40%. Điều này cho thấy với những chủ trương đúng đắn của nhà nước trong phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như nhận thức về tầm quan trọng của logistics, sự chuyên môn hóa và đào tạo chuyên môn tốt đã làm thay đổi lớn, tích cực đến sự phát triển của dịch vụ logistics. Từ đó, triển vọng tăng trưởng của ngành logistics VN trong thời gian tới là rất tiềm năng.

Tuy nhiên, năng lực thông quan và thời gian giao nhận hàng hóa bị tụt giảm đáng kể trong thứ hạng năng lực cạnh tranh. Đối với năng lực thông quan đã giảm 24 lần từ thứ hạng 37 năm 2007 xuống thứ hạng 61 năm 2014. Thời gian giao nhận hàng hóa cũng đã tụt giảm ở vị trí 38 năm 2013 xuống 56 năm 2014.

Cải thiện chỉ số LPI, nắm bắt cơ hội để phát triển

Hiện nay, VN đang đứng đầu trong khu vực các quốc gia có thu nhập trung bình thấp dựa theo báo cáo chỉ số năng lực logistics. Tuy nhiên, VN đang vấp phải số lượng thủ tục hành chính NK lên đến khoảng 5 loại giấy tờ, thời gian kiểm tra thực tế lên đến 53,5% thì trung bình các nước có thu nhập trung bình thấp là 4,5 loại giấy tờ, thời gian kiểm tra thực tế chỉ có 33,34%. Nếu so sánh tiêu chí mức độ kiểm tra thực tế của VN với các quốc gia châu Á khác thì VN đang ở mức rất cao so với khu vực (53,3%), Malaysia (1,6%), Singapore (4,9%), Thái Lan (2,5%) và Nhật Bản (2,5%). Kiểm tra đa ngành của VN lên tới 6,8% trong khi đó Malaysia chỉ có 1%, Singapore 2,9%, Thái Lan 1,6%, Nhật Bản 1%. Điều này cho thấy việc sử dụng hệ thống máy móc tự động của VN vẫn còn thấp, sự kết nối giữa các cơ quan liên ngành vẫn còn rời rạc, chưa tương xứng với vị thế tiềm năng của VN.

Trong một sự so sánh về các tiêu chí khác với các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan – các nước có ngành logistics phát triển thì ngành logistics VN vẫn còn rất nhiều thách thức cần phải khắc phục, ví dụ như đối với tiêu chí chất lượng vận chuyển của VN đang chỉ có 76% trong khi đó Malaysia 97%, Singapore 93%, Thái Lan 83%. Trong báo cáo của ngân hàng thế giới về tỷ lệ phần trăm người trả lời với mức độ cao đến rất cao về phí và lệ phí của logistics tại VN đã cho thấy, VN đang có mức lệ phí cảng biển khá thấp 28,6% trong khi 100% ở Nhật Bản, 41,2% ở Trung Quốc và 42,9% ở Singapore. Phí lưu kho, phí trung chuyển hàng hóa và phí đại lý cũng được coi là ưu thế lớn khi số lượng người trả lời cao ít hơn 2 lần so với các nước như Singapore hay Nhật Bản. Tuy nhiên, cước đường bộ và đường sắt VN lại cao hơn 1,5 lần so với các nước trong khu vực châu Á. Nguyên nhân chính có thể chỉ ra là do phí đường bộ của VN đang ở mức cao và ngày càng tăng mạnh, các tuyến đường mới đều có mức phí cao hơn so với trước kia. Những nghiên cứu về tỷ lệ mức phí vận tải trên tổng mức giá trị, giá thành hàng hóa cho thấy, nếu ở Trung Quốc chỉ có khoảng 13%, các nước khác trung bình cũng chỉ 11% thì VN lại lên đến 30% trong khi theo khảo sát tỷ lệ người trả lời về năng lực chất lượng dịch vụ đường bộ thì VN có 28,6% người trả lời ở mức độ cao, còn Trung quốc cũng tương đồng ở mức 28,3%. Từ đó chỉ ra, VN cần phải có các cơ chế chính sách hiệu quả hơn để mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn đến các doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, tính minh bạch của các cơ quan khác tại biên giới cũng là một hạn chế ở VN, trong khi tại Singapore và Hàn Quốc, tỉ lệ này là 100%, các nước khác như Trung quốc, Nhật Bản và Thái Lan là khoảng 50% thì ở VN chỉ có 28%. Việc cung cấp đầy đủ thông tin về các thay đổi thủ tục pháp lý, thủ tục hải quan nhanh cho các doanh nghiệp thương mại với mức tuân thủ cao thậm chí còn kém hơn 2 - 3 lần các nước Trung Quốc, Thái Lan và khoảng 5 - 6 lần Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dựa trên kinh nghiệm những nước phát triển mạnh về dịch vụ logistics có thể thấy yêu cầu và tầm quan trọng cấp thiết về việc đề ra một kế hoạch hành động mang tính chiến lược với tầm nhìn dài hạn cho phát triển ngành logistics như sau:

- Ban hành những chính sách hoạt động cụ thể cho dịch vụ logistics, tránh các hoạt động của những DN tư nhân mang tính tự phát, chưa có thông tin, kế hoạch rõ ràng nhưng phải đảm bảo việc thống nhất về thông tin và dữ liệu giữa các luật, quyết định liên quan đến logistics nhằm tránh việc chồng chéo luật hoặc mâu thuẫn nhau giữa các cơ quan có liên quan.

- Đồng thời công bố các thủ tục hải quan, áp dụng tối ưu hóa hoạt động hải quan điện tử, xây dựng hệ thống dữ liệu đầy đủ, có khả năng truy xuất và tích hợp với các ngành kinh tế khác, giảm thiểu các thủ tục không cần thiết, có các chính sách chống tham nhũng, hối lộ tại các cửa khẩu nhằm tạo tính minh bạch cho hoạt động thương mại cũng như tạo sự thuận lợi cho dịch vụ logistics phát triển.

- Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí trong hoạt động dịch vụ logistics. Song song với xây dựng cơ sở hạ tầng thì cũng tạo điều kiện mở rộng phát triển thêm các ngành dịch vụ nhằm đảm bảo các ngành kinh tế khác của nền kinh tế cùng phát triển.

- Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị công bố, thông báo, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của DN sản xuất về vai trò của logistics trong nền kinh tế, các chính sách khuyến khích DN hoạt động logistics hoặc các cuộc tọa đàm trao đổi để cùng với DN chỉ ra những khuyết điểm, thuận lợi và khó khăn trong cơ chế vận hành hoạt động dịch vụ logistics.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội của các FTA nhìn từ chỉ số LPI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO