Có một Sài Gòn trong kí ức

Hoàng Mai|21/04/2023 14:05

Sài Gòn, nay là TP. Hồ Chí Minh trong ký ức của những người xưa có nhiều điểm khác lạ so với hiện tại. Từ một vùng đất giữa bạt ngàn lau sậy, hoang vu, tiếng côn trùng rả rích đêm đêm... đã hình thành và phát triển thành một thành phố lớn. Trải qua bao phen dâu bể, bao lần đổi thay, Sài Gòn xưa bây giờ đã hoàn toàn đổi khác.

Trên chợ dưới thuyền

Chợ Bến Thành ngày trước nằm bên bờ sông Bến Nghé, nơi đây có một bến sông cho khách vãng lai và thương nhân ra vào thành nên được gọi là Bến Thành, tên chợ Bến Thành cũng hình thành từ đó. Ngày nay trải qua bao thăng trầm lịch sử, chợ được xây lại trên đường Nguyễn Huệ, gần bến xe Sài Gòn.

cholon-compressed.jpeg

Con rạch vàm Bến Nghé từ sông Sài Gòn chảy về phía đồng bằng nối liền rạch Bến Lức. Gần mép con rạch nhỏ ấy, có một khu Chợ Quán, nơi tập trung dăm ba hàng quán nhỏ, phục vụ ghe thuyền qua lại nghỉ ngơi. Nhiều người chắc hẳn còn nhớ ở đây có món trà Huế - loại trà tươi, người ta vò nát lá và nấu trong cái nồi to. Thương nhân dừng chân uống chén trà nóng, ấm bụng trên hành trình đường xa mỏi mệt.

Cách Chợ Quán không xa là Chợ Lớn với những căn nhà sàn thưa thớt và những lối mòn, sình lầy. Ghe thuyền tấp nập từ Lục tỉnh chở hàng giao thương đến đây, nào lúa gạo, cá khô, dừa khô, cau khô, cất vào những nhà kho tạm tồn trữ, chờ phân phối cho các chợ ở miền Đông Nam Bộ, hoặc đưa ra miền Trung. Khu vực này được dân gian gọi là Chợ Lớn, do hồi đó chợ này lớn hơn những chợ lân cận, và cái tên đó được bảo lưu cho đến bây giờ...

“Chợ sách" trong hoài niệm

Nhắc đến đường sách, người Sài Gòn bây giờ chắc chắn sẽ nghĩ đến đường sách Nguyễn Văn Bình, con đường với hai hàng cây xanh mát, và rất nhiều những cửa hàng sách bài trí xinh xắn, nhẹ nhàng đẹp đẽ.

8735098368_f18394f858_o-compressed(1).jpeg

Nhưng những người Sài Gòn trước đây, những con người hoài cổ, thì con đường sách trong lòng họ là đường sách Đặng Thị Nhu, hay gọi một cách dân giã hơn là “chợ sách”.

Nơi đây sách gì cũng có, nhất là sách dành cho học sinh, sinh viên; sách ngoại ngữ, tiểu thuyết, sách báo thiếu nhi... Đặc biệt là rất nhiều sách cũ từ những công sở hay của người nước ngoài không sử dụng nữa mang bán lại cho các gian hàng ở đây.

Sách được xuất phát từ rất nhiều nguồn: Sách của những người có học vị cao nhưng bỏ đi nước ngoài sau năm 1975, sách của những người Mỹ khi họ rút quân về nước...

Khách hàng tới chợ sách không phải chỉ đơn thuần với mục đích mua sách, đôi khi họ tới đây để gặp được những người bạn tri âm, tri kỷ; thậm chí chỉ là đi tản bộ, tìm “ngắm” những cuốn sách cũ một cách lý thú.

Chợ sách Đặng Thị Nhu lúc bấy giờ có rất nhiều loại sách quý mà thư viện trường, thư viện thành phố đôi khi không có hoặc không thể mượn được. Ngoài những cuốn sách được các chủ hàng giới thiệu đầy hấp dẫn, thì có rất nhiều những cuốn sách có giá trị tới vài chỉ vàng nên đôi khi nhiều độc giả chỉ tới ngắm nghía và... đọc lén.

cho-sach-cu-duong-dang-thi-nhu-1979-compressed.jpeg

Chợ sách một thời xôn xao ấy, đã bị đóng cửa vào thập niên 80, nên các chủ hàng tản ra bán sách vỉa hè trên đường Trương Tấn Bửu (nay là Trần Huy Liệu), đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai)...

Tuy rằng chợ sách Đặng Thị Nhu đã bị dẹp bỏ từ lâu, nhưng tình yêu quý sách của người Sài Gòn vẫn không hề phai nhạt. Bây giờ, những năm tháng đó đã thành hoài niệm khó phai mờ.

Cư xá Đô Thành - nỗi nhớ người viễn xứ

Cư xá với hàm ý là một khu dân cư gồm nhiều căn nhà có cấu trúc giống nhau. Nhưng cư xá Đô Thành lại là cả khu dân cư rộng lớn với kiến trúc đa dạng. Thời ấy, cư xá Đô Thành có diện tích và dân số gần bằng một phường của TP. Hồ Chí Minh bây giờ. Bao quanh đó, ngoài cổng chính là đường Phan Thanh Giản, còn có đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu), đường Vườn Chuối, đường Bà Cờ, đường Cao Thắng.

68373930_2349313948450861_8245349889827930112_n-compressed.jpeg

Bên trong khu cư xá còn có một trường tiểu học nổi tiếng. Ngôi trường với cái tên quen thuộc, gợi nỗi nhớ xao xuyến bồi hồi - Trường Tiểu học Bàn Cờ, nơi lưu giữ kỷ niệm những ngày thơ ấu êm đềm của bao cô cậu học trò ngày xưa. Những người mà nay đã là ông bà nội ngoại và sinh sống tản mát khắp nơi trên thế giới.

Cư xá Đô Thành với những quán hàng quen mà bây giờ những người đã từng có thời gian trải qua còn nhắc như cà phê Nam Dưỡng, hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật qua Lý Thái Tổ; cà phê Cheo Leo, tiệm cơm Nam Sơn, và những quán bán chè không nhớ hết tên, dành cho giới nghệ sĩ đi diễn đêm về dừng lại ăn... bồi dưỡng.

17a11030-tckt-compressed.jpeg

Những năm tháng đi qua, tuổi thơ yêu dấu của nhiều người còn để lại những cánh diều chao nghiêng, những trò chơi tuổi nhỏ, và cả những bài hát với những cung bậc xôn xao lòng người khi giờ đây họ sống ở những phương trời xa lạ. Người viễn xứ đã đi trên những con đường ở Fort Lauderdale nhìn những hàng phượng vĩ để nhớ phượng vĩ Sài Gòn, đã đi qua những con dốc cao ở phố sương mù San Francisco rồi lại nhớ đến những con dốc cao ở Đà Lạt. Và trong lòng họ, mãi còn một Sài Gòn thân thương, chứa chan kỷ niệm.

Bài liên quan
  • Nhà sách Khai Trí, nơi lưu dấu kỷ niệm Sài Gòn xưa
    Nhà sách Khai Trí là một trong những tên gọi nhiều gợi nhớ với những con người Sài Gòn cũ. Nhà sách là nơi sưu tầm nhiều sách báo ngoại ngữ cũng như những bản thảo tiếng Việt của nhiều soạn giả nổi tiếng như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Ngu Í,..

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Có một Sài Gòn trong kí ức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO