Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu dòng vốn FDI

Duy Ngợi|09/08/2021 09:36

(VLR) Cơ khí chế biến, chế tạo chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong 7 tháng 2021. Lĩnh vực cơ khí, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đạt 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký (ảnh minh họa)

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đạt 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký (ảnh minh họa)

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2021, vốn FDI tăng. Cụ thể, tính đến 20/7/2021, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, tổng vốn FDI đăng ký mới, vốn điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần, mua cổ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 11,1%.

Đáng chú ý, lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh. Trong 7 tháng qua, cả nước có 1.006 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trải rộng vào 18 ngành, lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ…

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhiều chuyên gia cho biết sự chuyển dịch về đầu tư có sự thay đổi tích cực trong những năm gần đây, trong đó, vốn đầu tư ngày càng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Một lượng lớn vốn FDI vẫn đang tiếp tục tìm đường vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp cơ khí...

Lĩnh vực cơ khí, chế tạo sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đón đầu xu thế, các doanh nghiệp có vốn FDI hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đang có xu hướng tăng đầu tư dự án sản xuất công nghệ cao.

Tổng cục Thống kê cho rằng, sự phát triển của các nhà đầu tư FDI lớn, công nghệ cao tại Việt Nam sẽ là bước khởi đầu cho làn sóng đầu tư mới. Dòng vốn FDI vào lĩnh vực chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện sẽ góp phần tạo động lực cho nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc Việt Nam trở thành một trung tâm chế tạo mới của thế giới là hiện thực trong tương lai gần. Việc cần làm là tạo được những đột phá mới trong thu hút FDI.

Ông Lê Thủy Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần tiếp tục kêu gọi mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cơ khí, đặc biệt là vốn đầu tư từ khu vực FDI. Các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước ngành cơ khí theo quy định của pháp luật hiện hành, để thu hút vốn đầu tư và tạo dựng phương thức mới quản trị doanh nghiệp.

Việt Nam hiện có điều kiện thuận lợi trong việc thu hút vốn FDI trong chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi cần có sự chọn lọc trong việc thu hút FDI, chú trọng vào chất lượng của dòng vốn này hơn là số lượng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu dòng vốn FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO