Cục Xuất Nhập khẩu: Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế

congthuong.vn|29/09/2020 09:05

(VLR) Với phương châm “Đoàn kết, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, những năm vừa qua phong trào thi đua yêu nước được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức sâu rộng đến từng phòng, từng đơn vị, từng công chức người lao động, kết quả đạt được rất khả quan.

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đạt được những kết quả tích cực

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đạt được những kết quả tích cực

Hiệu quả cao từ các phong trào thi đua

Xác định thi đua yêu nước là phong trào quan trọng, đóng góp tích cực cho việc hoàn thành những nhiệm vụ được giao, Cục Xuất nhập khẩu đã đẩy mạnh triển khai phong trào đến từng cán bộ, công nhân viên ngay từ đầu năm 2019. Qua đó, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2019.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7- 8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8%). Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt khoảng 516,96 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018 (đạt chỉ tiêu quốc hội đề ra); kim ngạch nhập khẩu cả năm 2019 đạt khoảng 253,51 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2018.

Quy mô xuất khẩu được mở rộng với nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao. So với quy mô xuất khẩu năm 2011 (96,9 tỷ USD) - thời điểm bắt đầu thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 - xuất khẩu sau 9 năm đã tăng lên 2,7 lần.

Đáng chú ý, năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp có xuất siêu. Cán cân thương mại đạt thặng dư 9,94 tỷ USD là mức cao nhất từ trước đến nay. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được không chỉ từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, mà khu vực doanh nghiệp trong nước đã có tăng trưởng mạnh. Năm 2019, khu vực này xuất khẩu đạt 82,1 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm 2018; cao hơn mức tăng 4,2% của xuất khẩu khối FDI (tính cả dầu thô).

Thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng. Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập được thực hiện có hiệu quả. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, thị phần xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm được khẳng định. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều thâm nhập được vào các thị trường lớn và có mức tăng trưởng tốt.

Thực hiện mục tiêu tham mưu về hoạt động xuất nhập khẩu, trong năm 2019, Cục Xuất nhập khẩu đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao, hoàn thành tốt công tác: Xây dựng hành lang pháp lý, đàm phán mở cửa thị trường, tuyên truyền và cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Trong năm 2019, Cục Xuất nhập khẩu đã chủ trì xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành 15 thông tư. Trong đó, 2 thông tư để nội luật hóa quy định tại CPTPP; 2 thông tư quy định cửa khẩu nhập khẩu để quản lý nhập khẩu mặt hàng ôtô và phế liệu; 4 thông tư điều hành hạn ngạch thuế quan; 2 thông tư về tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất và 5 thông tư trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa để thực hiện cam kết ATIGA, ACFTA, AKFTA và AHKFTA.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu và đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa, rút ngắn thời gian xử lý, giảm thiểu chi phí giao dịch hành chính, Cục Xuất nhập khẩu trong năm 2019 tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các TTHC, rà soát và bãi bỏ các TTHC không cần thiết, kiến nghị điều chỉnh bổ sung các cải cách hành chính cần thiết. Bằng việc tích cực áp dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, đưa các thủ tục thực hiện trên mạng internet, doanh nghiệp nhận được lợi ích lớn khi vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết giảm chi phí.

Mới đây nhất, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) xây dựng xong phần mềm để triển khai thực hiện dịch vụ công cấp độ 3 đối với 24 TTHC. Các thủ tục gồm: Đăng ký Giấy chứng nhận hạn ngạch thuế quan xuất khẩu mật ong tự nhiên sang Nhật Bản (cấp mới và cấp lại); đăng ký xuất khẩu xăng dầu; cấp phép tiêu thụ hàng hóa quá cảnh; thủ tục cấp giấy phép sản xuất, gia công quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài, bao gồm cấp mới, sửa đổi, bổ sung, cấp lại; cấp phép nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi phục vụ kinh doanh miễn thuế.

Việc cấp phép các TTHC liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, đồng thời, giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, giúp giảm thời gian, số lượng hồ sơ doanh nghiệp phải nộp; dễ dàng tra cứu thông tin mọi lúc mọi nơi; tập trung quản lý cho cơ quan bộ, giúp cán bộ xử lý hồ sơ nhanh hơn, tăng hiệu năng của hệ thống, giảm bớt thời gian chờ đợi của doanh nghiệp.

Với những thành tích đã đạt được trong công tác tham mưu về xuất nhập khẩu, thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng như: Huân chương Lao động hạng Ba (2014); Huân chương Lao động hạng Nhì (2011); Cờ thi đua Chính phủ (các năm 2007, 2008, 2010, 2011, 2012, 2013, 2019); Cờ thi đua Bộ Công Thương (2009; 2016; 2018)…


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cục Xuất Nhập khẩu: Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO