Tham luận tại toạ đàm, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho rằng: “Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm” là một quan điểm then chốt để vượt qua nỗi sợ hãi trong hoạt động điều hành doanh nghiệp. Chính nhờ đó mà Đèo Cả từ một hợp tác xã xây dựng đã dám mạnh dạn đề xuất thực hiện dự án Đèo Cả rồi tiếp tục tháo gỡ nhiều dự án trọng điểm của ngành giao thông để gây dựng nên thương hiệu Tập đoàn Đèo Cả ngày nay.
Về “Dám nghĩ”, ông Hồ Minh Hoàng cho biết: “Xuất phát từ lòng trắc ẩn khi còn là cậu sinh viên đại học, tận mắt chứng kiến những tai nạn giao thông tang thương trên đèo Cả đã hun đúc trong tôi một niềm tin, lòng kiên định sẽ thực hiện dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Với tầm nhìn, ý chí quyết tâm mãnh liệt dám “lấy ước mơ làm dũng khí” chúng tôi đã đưa dự án hoàn thành, không chỉ giải quyết vấn đề an toàn giao thông mà con có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, kinh tế, văn hóa và xã hội đối với các tỉnh miền Trung nói riêng, đất nước ta nói chung. Tiếp nối theo tư duy “dám nghĩ” đó chúng tôi lại tiếp tục “giải cứu” các dự án bị đình trệ nhiều năm; mời người dân, các cơ quan thanh, kiểm tra, thậm chí cả cơ quan điều tra để nội soi chính mình; dám nghĩ những mô hình quản trị, mô hình đầu tư; dám đặt vấn đề với cơ quan có thẩm quyền như bộ, ngành, địa phương đồng thời đưa ra các kiến nghị để điều chỉnh cơ chế, chính sách… nhằm giải những bài toán khó tại các dự án bị đình trệ”.
Về “Dám làm những dự án khó”, theo ông Hồ Minh Hoàng, dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả là công trình hầm đường bộ cấp đặc biệt đầu tiên do người Việt thiết kế và thi công, các yêu cầu về mặt kỹ thuật rất phức tạp. Khi đề xuất dự án này, ông chỉ mới hơn 30 tuổi và một Đèo Cả còn rất non trẻ về cả tài chính, nguồn nhân lực và máy móc thiết bị. Nhiều người trong đó có lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã cho rằng đó là một ý tưởng điên rồ. Khi nhận thấy quá nhiều khó khăn, các nhà đầu tư đã lần lượt rời đi, Đèo Cả đã đứng lên gánh vác công việc. Việc hoàn thành dự án khẳng định khả năng của người Việt, tinh thần Việt có thể chinh phục được việc khó.
Đối với Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là các dự án bị đình trệ nhiều năm. Các nhà đầu tư cũ yếu kém về năng lực tài chính, năng lực thi công, thậm chí còn bị vướng vào vòng lao lý không thể triển khai được dự án đáp ứng lòng mong mỏi của 23 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long cũng như hàng triệu đồng bào dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Các dự án này đều gặp rất nhiều khó khăn khi các điều kiện của hợp đồng tín dụng phức tạp gần như là bất khả thi, tổng mức đầu tư không phù hợp để điều chỉnh rất phức tạp, phương án tài chính khó khăn đòi hỏi phải có sự cân nhắc, tính toán hết sức kỹ lưỡng mà nếu Đèo Cả không tham gia thì các dự án này có thể vẫn phải nằm “đắp chiếu” khi không có nhà đầu tư nào dám làm. Khi được Chính phủ đã tin tưởng giao trách nhiệm, Đèo Cả đã ứng kinh phí trả nợ cho các nhà thầu bị nợ trước đó, thực hiện 1 loạt các biện pháp quản trị thi công, loại bỏ nhà đầu tư, nhà thầu yếu kém, gắn trách nhiệm cho chính mình và cho cơ quan nhà nước khi xác định các mốc tiến độ của dự án để công khai cho người dân giám sát. Đến nay, việc hoàn thành dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là một kỷ lục của ngành giao thông khi hoàn thành công trình đường cao tốc chỉ sau 2 năm.
Tiếp đến là Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại Cao Bằng. Đây là một dự án kết nối đến miền biên viễn, nơi đây có tới 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu tiền khả thi chỉ ra rằng đó là 1 tuyến đường lưu lượng rất thấp, tổng mức đầu tư rất lớn… Ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch tỉnh Cao Bằng cho biết, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến rồi lại đi. Bằng kinh nghiệm đúc kết thực tiễn giúp chúng tôi đã lựa chọn giải pháp tối ưu hóa hướng tuyến, phân kỳ đầu tư, giảm TMĐT từ 47.000 tỷ còn 23.000 tỷ so với tổng mức ban đầu là 47.000 tỷ (khoảng 50%). Hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với với quê hương cách mạng, vùng phên dậu tổ quốc và đặc biệt khi đã báo cáo cam kết với Bác Hồ tại đền thờ Người ở Pác Bó, xác lập trách nhiệm của các bên là Nhà nước, nhà đầu tư và nhà băng; sẽ thực hiện thành công tuyến đường này nối miền xuôi lên miền ngược, kết nối, phát triển kinh tế xã hội, đưa Cao Bằng thoát nghèo để “Cao Bằng vượt mức không ai cao bằng” như lời Bác đã dạy.
Về Phản biện cơ chế chính sách bất cập, ông Hồ Minh Hoàng cho rằng, bệnh sợ trách nhiệm thể hiện ở việc thấy những hiện tượng sai trái nhưng thờ ơ, bàng quan, né tránh việc khó, “đá bóng” qua lại, chỉ biết khư khư giữ an toàn cho cá nhân và một lời khuyên thướng gặp “đi nhẹ nói khẽ”. Công việc của Đèo Cả thường xuyên tiếp xúc với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhận thấy tình trạng chỉ trích, bình luận thì nhiều nhưng không dám quyết “Vẫn là cách nói: chuyển cơ quan xem xét hoặc nói làm theo quy định, cứ thế mà làm…”, chúng tôi đã lên tiếng.
Trong bối cảnh hiện nay, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, trong quá trình tương tác làm việc với cơ quan nhà nước, đâu đó chúng tôi phải đối diện với tình trạng thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, tư duy lối mòn xuất hiện từ cấp quản lý nhà nước. Nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen quản trị sự thay đổi khi đổi diện với thể chế bất cập, khủng hoảng kinh tế thường thay đổi mục tiêu thiếu kiên định với chiến lược của mình.
Những phát biểu thẳng thắn, đấu tranh để làm rõ trách của các bên được nêu ra có thể gây mất lòng các bên liên quan và ở một chừng mực nào đó đã ảnh hưởng bước đầu đến hoạt động của Đèo Cả, nhưng vì lợi ích chung và lâu dài của ngành giao thông và niềm tin vào sự thịnh vượng, phát triển đất nước trong tương lai nên Đèo Cả dám phản biện tình trạng thiếu trách nhiệm, né trách nhiệm đã để nhiều dự án bị đình trệ như Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đặc vấn ra đề để người dân giám sát các bên liên quan là Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng tài trợ vốn và cả nhà đầu tư, nhà thầu bằng cách lập đồng hồ đếm ngược xác lập trách nhiệm tiến độ giải quyết.
Những năm qua, Đèo Cả tích cực, kiên trì tham gia đóng góp ý kiến hoặc chủ trì tổ chức các Hội thảo, toạ đàm về việc khơi thông bất cập về cơ chế chính sách, góp ý về luật PPP… để đảm bảo sự bình đẳng giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Thực tế đến nay, Luật PPP vẫn chưa sát với thực tiễn; Dự án PPP do tư nhân đầu tư tại các nước trên thế giới đều có cơ chế chính sách của chính phủ hỗ trợ từ việc bảo lãnh vay vốn, lãi vay để tạo lập ra dự án nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích cho xã hội, khác biệt hoàn toàn với các dự án thương mại thông thường (như dự án BĐS).
Về Dám công khai thông tin, quá trình thi công dự án để người dân giám sát khi chủ động tổ chức chương trình “Cộng đồng giám sát”, theo ông Hồ Minh Hoàng, tại các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Đèo Cả đã chủ động phối hợp với VTV Đài truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình cộng đồng giám sát. Định kỳ mời báo chí, các tổ chức đoàn thể tại địa phương đi thực tế thi công, dựng pano để công bố thông tin tiến độ, đồng thời nêu những vướng mắc để xác định trách nhiệm các bên tham gia.
Từ thực tiễn trong quá trình triển khai dự án, trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư còn nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết. Đèo Cả thực hiện kênh giám sát của cộng đồng, nêu rõ trách nhiệm của các bên để người dân cùng tham gia giám sát với tinh thần “muốn thông đường thực địa phải thông đường trách nhiệm” và giám sát chính công việc của Đèo Cả với phương châm nếu không tìm được sự đồng thuận của người dân thì cũng không thể đối diện với các cơ quan nhà nước. Hoạt động này tạo được đánh giá rất cao, tạo ra sự đồng thuận lớn trong xã hội khi đã nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm, không sợ khuyết điểm. Đây không chỉ là kênh giám sát các bên liên quan mà cũng là cơ hội tốt để chúng tôi soi chiếu mình, kịp thời có những chấn chỉnh nội bộ để hệ thống ngày một tốt hơn.
Để thực hiện chức năng cộng đồng giám sát, báo chí đóng một vai trò tích cực, then chốt.
Ngoài ra, chúng tôi dám tiên phong khi ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại (chuyển đổi số, BIM) trong triển khai dự án hạ tầng giao thông từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng nhằm hạn chế sự can thiệp, ý chí chủ quan, tiêu cực của con người để tạo sự minh bạch, đồng bộ, nhanh chóng và chính xác.
Đặc biệt là vấn đề “Dám chịu trách nhiệm”, đối với Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng khẳng định:
Với cơ quan nhà nước: Chịu trách nhiệm với những cam kết của mình, những quy định của pháp luật, tính minh bạch và hiệu quả sử dụng nguồn vốn của nhà nước.
Với cổ đông: Chịu trách nhiệm trước việc quản lý, sử dụng đồng vốn mà cổ đông đóng góp đảm bảo đúng mục đích, mục tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để tối ưu lợi nhuận.
Với người dân: Chịu trách nhiệm trước sự an toàn, tiện ích khi tham giao thông trên những cung đường do chúng tôi thực hiện. Tháng 10/2021, khi cơn bão dịch bệnh Covid 19 hoành hành, Đèo Cả đã dám chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền khi chủ động mở hệ thống hầm tại miền trung gồm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân để hỗ trợ hàng vạn người dân hồi hương bằng phương tiện xe máy qua hầm an toàn.
Với đối tác: Với chiến lược kết nối để phát triển trên nguyên tắc “Rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa” tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực Tập đoàn Đèo cả đã có nhiều đối tác chiến lược trong ngoài nước là doanh nghiệp như Tâp đoàn Văn Phú, Cty hạ tầng CII hay Tập đoàn BTL của Lào; là các trường đại học KTQD, GTVT, Bách khoa và các trường nước ngoài ở Đức, Nhật.
Với người lao động: Đèo Cả được hình thành từ một Hợp tác xã Hải Thạch nhưng hơn 20 năm qua các xã viên ngày xưa đã trở thành CBNV và một bộ phận đã trở thành cổ đông của Tập đoàn, được nhận thu nhập ổn định từ lương, thưởng và cổ tức, đặc biệt không để nợ lương hay cắt giảm lương ngay cả trong lúc dịch bệnh covid là điều mà chúng tôi đã làm tốt trong nhiều năm qua.
Bên cạnh việc đó việc dám chịu trách nhiệm về tiến độ của dự án, chất lượng của công trình, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự xã hội cũng là điều mà chúng tôi đặc ra đối với các dự án mà Tập đoàn Đèo cả thực hiện.
Ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh: “Tự bản thân, tôi cho rằng “Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm” là một chuỗi từ suy nghĩ đến hành động thống nhất:
Trước hết, phải lấy lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân làm lợi ích tối thượng.
Hai là, lấy hiệu quả công việc làm thước đo chứng thực cho những ý tưởng táo bạo, để kiểm tra năng lực sáng tạo, từ đó tích luỹ kinh nghiệm và không ngừng đổi mới.
Ba là, không nản chí trước những thất bại và những rào cản, coi đó là một khâu trong quy trình đi đến thành công.
Bốn là, tập hợp được đội ngũ cộng sự nhiệt huyết, đồng cam, cộng khổ, sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi.
Năm là, vững vàng niềm tin vào lẽ phải, việc làm tốt sẽ luôn luôn được bảo vệ.
Để xã hội nhiều người “Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm”, thiết nghĩ, Nhà nước phải có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, trọng dụng người dám nghĩ, dám làm. Người thực tâm, làm đúng với mục đích, nội dung, kết quả mà đầu ra cuối cùng lại gặp rủi ro ngoài ý muốn, bất khả kháng thì họ cần được miễn trách nhiệm, kỷ luật. Có những hình thức khen thưởng kịp thời những điển hình tốt về “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” thì mới có thể nhân lên điều tốt cho xã hội”.