Đầu tư hạ tầng thương mại điện tử: Cuộc đua khốc liệt

Báo Công Thương|22/03/2021 08:59

(VLR) Gần đây, nhiều nhà đầu tư đã tích cực mở rộng hệ thống kho bãi trên cả nước nhằm cải thiện tốc độ xử lý đơn hàng cũng như tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của thương mại điện tử (TMĐT).

Tối ưu hóa việc kết nối các trung tâm trung chuyển là hướng đi đúng

Tối ưu hóa việc kết nối các trung tâm trung chuyển là hướng đi đúng

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam được đánh giá là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số, đạt 18% với doanh thu 11,8 tỷ USD, chiếm khoảng 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Sở dĩ, TMĐT đạt tốc độ tăng trưởng cao do các đơn vị vận hành ngoài việc tăng tần suất tổ chức hoạt động khuyến mại, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, còn chú trọng đến tốc độ giao hàng để giữ chân người tiêu dùng.

Ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc JLL Việt Nam - đánh giá, chính sự phát triển của TMĐT đang tạo áp lực lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng, nhà kho. Từ đó, buộc các thương hiệu bán lẻ trực tuyến lớn phải không ngừng cải thiện để có thể cung cấp những trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng.

Chẳng hạn, trong năm 2020, nền tảng TMĐT Shopee đã đưa vào vận hành kho hàng thứ 3 tại thị trường Việt Nam ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Tại kho hàng mới này, Shopee không chỉ gia tăng mức độ tự động hóa mà còn tích hợp hệ thống quản lý chuyên biệt để phân tích vị trí hàng hóa ngay khi người mua đặt hàng. Quy trình di chuyển được vận hành theo dây chuyền giúp đưa sản phẩm đến người giao hàng hợp lý nhất, tiết kiệm thời gian chờ và chi phí.

Tương tự, Lazada cũng đã đầu tư 3 kho lớn với tổng diện tích 22.000 m2 ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội cùng với mạng lưới 34 trung tâm phân phối trên toàn quốc. Trong đó, LEL Express - công ty giao nhận trực thuộc Tập đoàn Lazada - đã đầu tư hệ thống phân loại hàng hóa tự động thứ hai tại Hà Nội với công suất lên đến 10.000 sản phẩm/giờ.

Bên cạnh các sàn TMĐT, nhiều nhà đầu tư hậu cần cũng đang tích cực mở rộng mạng lưới kho vận trên khắp Việt Nam. Theo đó, giữa tháng 3/2021, công ty chuyển phát nhanh Nhất Tín Logistics đã đưa vào vận hành Trung tâm Khai thác chia chọn hàng hóa Văn Giang (Hưng Yên) với diện tích lên đến 20.000 m2 và khả năng xử lý lên đến 24.000 tấn hàng trong cùng một thời điểm. Hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác về trung tâm kho Văn Giang và ngược lại, được tiếp nhận, xử lý nhanh hơn từ 3 - 6 tiếng đồng hồ so với trước.

Trước đó, đầu tháng 1/2021, Tập đoàn BEST Inc. cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm phân loại hàng hóa tự động có quy mô nhà xưởng lên tới 15.000 m2 tại huyện Củ Chi với mức đầu tư 8 triệu USD. Ông Nguyễn Đình Lợi - Phó tổng giám đốc BEST Inc. Việt Nam - tiết lộ, trong tháng 6/2021, BEST Inc. sẽ tiếp tục đưa vào vận hành thêm một trung tâm phân loại hàng hóa tự động hiện đại và có quy mô lớn ở Hà Nội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành TMĐT Việt Nam.

BEST Inc. khẳng định, sẽ đầu tư vào công nghệ tự động hóa logistics và xây dựng chuỗi cung ứng thông minh trong năm nay bằng cách tối ưu hóa việc kết nối các trung tâm trung chuyển, xây dựng hệ thống phân phối thông minh, kho bãi thông minh, giải pháp chuỗi cung ứng kỹ thuật số. Trong khi đó, Nhất Tín Logistics lại chủ động tìm kiếm vị trí phù hợp và thực hiện theo quy chuẩn của một trung tâm chia chọn, phân tuyến nhằm đảm bảo hàng hóa được xử lý khoa học, nhanh gọn, phù hợp với tính chất kho hàng của ngành logistics, nhất là phục vụ nhu cầu của TMĐT.

Trong cuộc đua này, doanh nghiệp phải đầu tư bài bản, đồng bộ theo xu hướng chung lấy công nghệ thông minh làm nền tảng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư hạ tầng thương mại điện tử: Cuộc đua khốc liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO