Số lượng xe hàng ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - Ảnh: Như Nguyệt
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt trên 53,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, tiếp đó là thị trường Trung Quốc chiếm 19,2% thị phần.
Về thương mại nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam – Trung Quốc, đến hết tháng 6 năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 8,67 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hơn 6,17 tỷ USD; nhập khẩu 2,5 tỷ USD. 12/13 nhóm mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ. Chỉ có duy nhất mặt hàng thuỷ sản là giảm khoảng 9,2%.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh biên giới phía Bắc đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục làm việc với Trung Quốc để tháo gỡ nút thắt trong xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào các chính sách biên mậu của nước bạn, đồng thời, tăng được tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá theo hợp đồng thương mại. Thường xuyên cập nhật các chính sách mới của Trung Quốc để có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời ngay từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu hàng hoá. Tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển các dịch vụ kho bãi để bảo quản hàng hoá; giảm chi phí logistic và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thuỷ sản Châu Á - Thái Bình Dương tại Km 3-4, TP Móng Cái.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tiềm năng giao thương giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc vẫn còn rất lớn, do đó, thời gian tới, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với phía bạn nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn liên quan đến thủ tục kiểm dịch, giảm áp lực kiểm dịch đối với hàng hoá xuất khẩu chính ngạch để đẩy mạnh lưu thông hàng hoá.
Mặt khác, phải thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời cập nhật văn bản mới để có hướng dẫn cụ thể, kịp thời từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu, đảm bảo hàng hoá đáp ứng đầu đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn của Trung Quốc. Xây dựng kế hoạch phân luồng, điều tiết hàng hoá đến các cửa khẩu một cách bài bản, hợp lý để tránh xảy ra tình trạng ùn ứ.
Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục quan tâm giải quyết nút thắt về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để thúc đẩy mạnh mẽ giao thương hàng hoá giữa 2 nước.