Để cây dừa sáp Trà Vinh trở thành mũi nhọn ngành dừa Việt Nam

Anh Khoa|28/05/2024 12:52

Vừa qua, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã có buổi làm việc cùng ban, ngành tỉnh Trà Vinh và UBND huyện Cầu Kè nhằm khảo sát thông tin để công nhận cây dừa sáp Trà Vinh là “Cây dừa sáp Việt Nam”.

Cây dừa sáp đã được trồng tại địa phương 100 năm từ cây giống do vị hòa thượng Thạch Sô đưa về vùng đất Cầu Kè, Trà Vinh. Qua thời gian, cầy dừa sáp đã được người dân Trà Vinh đón nhận trồng, chăm sóc và trở thành đặc sản địa phương, món quà không thể thiếu của khách du lịch phương xa mỗi khi đến Trà Vinh. Đến nay, dừa sáp trà Vinh dần trở thành thương hiệu của địa phương đã đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước với giá trị kinh tế khá cao.

Tỉnh Trà Vinh hiện có đa số dân tộc Kinh (67% dân số), dân tộc Khmer (32% dân số). Các dân tộc Hoa, Chăm, Thái, Nùng Mường, Dao… cũng hình thành xen kẽ cộng đồng dân cư với nhiều văn hóa đặc sắc, nhiều lễ hội truyền thống của từng dân tộc hàng năm thuận lợi cho phát triển du lịch và giải trí.

ha-hiep-hoi-dua-viet-nam-ubnd-huyen-cau-ke-27052024.png
Hiệp hội Dừa Việt Nam đã có buổi làm việc cùng ban, ngành tỉnh Trà Vinh và UBND huyện Cầu Kè

Tại buổi làm việc, đại diện UBND huyện Cầu Kè thông tin: Toàn huyện có 2.034 hộ trồng dừa sáp với diện tích là 1.145,7ha, số lượng cây dừa sáp là 171.468 cây. Sản lượng dừa sáp trung bình hàng năm trên 3 triệu trái. Hiệu quả kinh tế hàng năm mang lại tăng gấp 3-4 lần so với trồng dừa thường.

Trong thời gian qua, UBND huyện đã tập trung quy hoạch lại vùng chuyên trồng dừa sáp tập trung chủ yếu ở các xã Hòa Tân 480ha, Tam Ngãi 83ha, An Phú Tân 51ha, Phong Phú 3,4ha, Hòa Ân 139ha. Đồng thời triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh như Nghị quyết 03/NQ-HĐND về hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa ban tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Nghị quyết 98/NQ-HĐND về quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm với cây dừa sáp trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, huyện Cầu Kè có hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân có 43 thành viên với tổng diện tích trồng dừa sáp là 32ha. Trong đó, diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 25,2 ha, sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh đã có định hướng xây dựng các mô hình kinh tế giá trị cao cho cây dừa sáp, hỗ trợ đầu tư chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả, đất trồng lúa … sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Sở cũng đã xây dựng chương trình nghiên cứu giống dừa sáp cấy mô là đề tài nhiệm vụ khoa học cấp sở đang triển khai ứng dụng.

Đại diện Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân mong chờ các đề án nghiên cứu được sớm ứng dụng rộng rãi làm giảm giá thành cây giống để phù hợp khả năng tự mua, tự trồng của mỗi hộ gia đình. Hiện nay, giá cây dừa sáp giống thuần chủng cấy phôi giá khoảng 800.000 đồng/ 1 cây là khá cao so với khả năng tự mua tự trồng của bà con nông dân địa phương.

Về phía Hiệp hội Dừa Việt Nam, ông Cao Bá Đăng Khoa – Tổng thư ký Hiệp hội chia sẻ, ngành Dừa Việt Nam hiện nay có 4 nhóm sản phẩm chính gồm: Thực phẩm, y dược và mỹ phẩm; Thủ công mỷ nghệ và gỗ; Nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác; Dừa tươi.

Đối với cây dừa sáp Trà Vinh hiện nay chủ yếu bán dừa tươi, còn ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm từ dừa sáp,. Đặc điểm trái dừa sáp khá lạ lẫm với người tiêu dùng nhưng lại phổ biến trong chế biến các món thực phẩm hàng ngày như sinh tố, kem, bánh mức và ăn tự nhiên… phù hợp cộng hưởng cho ngành du lịch nông thôn của tỉnh, đây là tiềm năng rất lớn.

Với nhiệm vụ hỗ trợ các chương trình hoạt động nhằm thúc đẩy cho sự phát triển ngành dừa Việt Nam nói chung và cây dừa sáp Trà Vinh nói riêng, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng bà con nông dân trồng dừa sáp Trà Vinh với nhiều hoạt động hơn nữa để nâng cao giá trị, để người mua hàng trong và ngoài nước đặt hàng trước cho các sản phẩm từ dừa sáp Trà Vinh. Sau buổi làm việc, Hiệp hội sẽ tham khảo ý kiến các Bộ, ngành và cơ quan nghiên cứu liên quan để công nhận dừa sáp Trà Vinh là “Cây dừa sáp Việt Nam” nhân dịp lễ Festival 100 năm Cây dừa sáp Trà Vinh.

Festival kết hợp Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh vào cuối tháng 8/2024 với 12 hoạt động liên quan nhằm quảng bá đến du khách hình ảnh về quê hương Cầu Kè nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung; giới thiệu các tiềm năng của huyện, nhất là trái cây ngon; tăng cường giao lưu văn hóa, thương mại, liên kết phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch; thực hiện tốt công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư trên lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, du lịch.

Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ sớm hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để cấp chứng nhận cây dừa sáp Trà Vinh là “Cây dừa sáp Việt Nam” tạo điểm nhấn cho thu hút du lịch, thu hút đầu tư và nhằm xác định sản phẩm đặc trưng để cho địa phương tiến hành đăng ký sở hữu, lưu hành cây giống, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và các bảo hộ khác. Tăng cường truyền thông, quảng bá cho chuỗi giá trị kinh tế cây dừa sáp Trà Vinh.

Bài liên quan
  • Việt Nam đề xuất ICC đưa gỗ dừa vào danh mục sản phẩm cần theo dõi
    Cộng đồng Dừa Quốc tế (ICC) đã khai mạc Hội nghị lần thứ 59 cấp Bộ trưởng tổ chức tại Indonesia vào ngày 05/12/2023. Đại diện Việt Nam đề xuất ICC đưa gỗ dừa và gáo dừa thô chưa sản xuất vào danh mục các sản phẩm ngành dừa cần được theo dõi nhằm nâng giá trị khai thác của các sản phẩm từ dừa.

(1) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Để cây dừa sáp Trà Vinh trở thành mũi nhọn ngành dừa Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO