Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu cao nhất 41,5 - 42,5 tỷ USD trong năm 2022

Thụy Hậu|17/12/2021 17:54

(VLR) Ngày 17/12, tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đặc biệt trong quý III/2021 nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn vượt lên khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021. Dự báo kim ngạch xuất khẩu của Dệt may Việt Nam năm 2021 đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.

Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu cao nhất 41,5 - 42,5 tỷ USD trong năm 2022

Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu cao nhất 41,5 - 42,5 tỷ USD trong năm 2022

Hội nghị Tổng kết 2021 của VITAS được tổ chức dưới 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM. Sự kiện nhằm nhìn nhận, đánh giá các hoạt động của ngành và của VITAS trong năm 2021, chỉ ra các công việc và giải pháp cần thiết mà doanh nghiệp hội viên và VITAS cần tập trung thực hiện trong chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2030. Chương trình có sự tham gia của các lãnh đạo Bộ ngành, các chuyên gia kinh tế và lao động hàng đầu, hơn 500 doanh nghiệp hội viên Vitas cùng các nhãn hàng, tổ chức quốc tế,...

Theo VITAS, trong năm 2021 và nhất là thời gian cao điểm dịch COVID-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp ngành dệt may đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu bị đứt gãy, nhiều nhà máy tại khu vực phía Nam phải đóng cửa. Cùng với đó, việc thực hiện sản xuất theo phương án 3 tại chỗ; công tác xét nghiệm, tiêm vắc xin cho người lao động, giá hoạt động logistics không ngừng tăng cao, bị gián đoạn đã khiến các doanh nghiệp gánh thêm nhiều chi phí, ảnh hưởng lớn đến việc giữ ổn định đơn hàng, đảm bảo tiến độ hợp đồng xuất khẩu cũng như doanh thu trong năm của toàn ngành dệt may.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS chia sẻ tại Hội nghị

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS chia sẻ tại Hội nghị

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS chia sẻ, năm 2021 có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại. Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam sẽ phấn đấu đạt 42,4 - 43 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên, các doanh nghiệp phải áp dụng linh hoạt Chỉ thị 128 của Chính phủ phòng chống dịch tốt để duy trì sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp phải liên kết sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các đơn hàng. Đầu năm 2022, Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội cho ngành dệt may, các doanh nghiệp cố gắng khai thác các lợi thế nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, cố gắng nâng cao thu nhập của người lao động trong ngành lên 4,5 - 4,6 nghìn USD/người/năm.

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diến biến rất phức tạp, khó lường. Song tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ zero COVID-19 sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP.

Theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VITAS trình bày các mục tiêu của ngành dệt may năm 2022

Theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VITAS trình bày các mục tiêu của ngành dệt may năm 2022

Theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VITAS, mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2022 sẽ còn tùy tình hình diễn biến dịch bệnh và sự triển khai thực hiện quyết liệt, thống nhất Nghị quyết 128/CP-NQ từ Trung ương đến địa phương. VITAS xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản: Kịch bản tích cực nhất phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022; Kịch bản trung bình đạt 40 – 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm; Kịch bản thấp nhất đạt 38 – 39 tỷ USD, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo các kịch bản đã được ngành dệt may đưa ra, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị cần tiếp tục triển khai chiến lược vắc xin là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong điều kiện “bình thường mới”, đưa quy định tiêm đủ 2 liều là điều kiện để tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh, vắc xin để tiêm liều thứ 3 cho người lao động; Mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ với điều kiện để dễ tiếp cận, thời gian áp dung 2 - 3 năm; Ban hành quy định phù hợp thực tế, sửa đổi quy định còn bất cập giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, bỏ hạn chế thời gian làm thêm theo tháng, nâng thời gian làm thêm/năm lên 400 giờ; Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may & Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA, ứng dụng CN 4.0 để hiện đại hóa sản xuất, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu...

Trong hơn 20 năm qua, VITAS đã và đang thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như ITMF, AFTEX, AFF…, kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu… Đặc biệt, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm…, đồng thời tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do.

Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam phải xây dựng tầm nhìn mới, có khát vọng khẳng định vị thế của mình. Ngành dệt may Việt Nam không cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về chất lượng, công nghệ, năng suất, thời gian giao hàng, minh bạch, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên, môi trường. Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết chuỗi, đây sẽ là cơ hội giúp các doanh nghiệp phát huy được thế mạnh riêng và tận dụng được thế mạnh của tập thể để phát triển.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu cao nhất 41,5 - 42,5 tỷ USD trong năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO