Tàu container Tân Cảng cập cảng quốc tế Lào Việt (Ảnh: Tân Cảng)
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, mặc dù có những khó khăn nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong quý 1/2021 có những tín hiệu tích cực. Theo số liệu từ Sở Công thương Hà Tĩnh, trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.018,6 triệu USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ (quý 1/2020 đạt 714,05 triệu USD). Trong đó, cả lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt mức tăng trưởng khả quan.
Cảng Quốc tế Lào Việt (nằm trong khu kinh tế Vũng Áng)- cảng biển có lợi thế là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối, giao thương hàng hóa cho Quốc tế và Việt Nam. Tuyến vận tải đường biển định kỳ của Tan Cang Shipping qua cảng Quốc tế Lào Việt giúp đảm bảo lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu kết nối Bắc- Nam đến tỉnh khu vực miền Trung và ngược lại.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng quốc tế Lào - Việt (Ảnh: Tân Cảng)
Tuyến vận tải đường biển thường xuyên qua cảng quốc tế Lào Việt (Vũng Áng) giúp tăng thêm phương thức vận chuyển thủy - bộ cho doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh trong khu vực. Đồng thời kết nối hàng hoá với nước bạn Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan qua các cửa khẩu giữa Lào và Việt Nam như Chalo, Cầu Treo, Lao Bảo..., thúc đẩy hơp tác hai nước. Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sử dụng tối ưu tuyến dịch vụ định kỳ qua Cảng quốc tế Lào - Việt, Tân Cảng Shipping hiện đang triển khai tần suất tàu 1 tuần/chuyến.
Tuyến dịch vụ khai thác tàu container của Vận tải biển Tân Cảng từ cảng quốc tế Lào Việt trong nước (Ảnh: Tân Cảng)
Lãnh đạo tỉnh đã xác định Hà Tĩnh muốn bứt phá đi lên thì đầu tư, phát triển công nghiệp phải là điều kiện tiên quyết. Trong đó, lấy Khu kinh tế Vũng Áng làm trung tâm động lực tăng trưởng, phát triển dịch vụ cảng biển và logictics là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế. Bằng những chính sách, chương trình hành động cụ thể, cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tinh giảm, thuận tiện, sẵn sàng phục vụ… Hà Tĩnh là một trong những điểm đến hấp dẫn, tin cậy của nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Việc định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics, cùng với tăng cường tuyến vận tải thủy nội địa- quốc tế là hết sức cần thiết, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế vùng, tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có, giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh của toàn tỉnh.