Thương mại điện tử Việt Nam nói chung và giao nhận bưu chính nói riêng được dự báo tiếp tục tăng trưởng. Do đó, nhượng quyền logistics chắc chắn sẽ ngày càng phổ biến - Ảnh minh họa
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm qua tăng trưởng 53% so với năm 2020. Sức mua online trong bối cảnh dịch COVID-19 đã thúc đẩy tạo ra cơ hội nhưng cũng là áp lực phải nâng cao năng lực phục vụ và phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp ngành logistics giao nhận. Nhượng quyền thương hiệu được cho là một trong các chiến lược được các doanh nghiệp lựa chọn.
Đang kinh doanh ngành xi măng nhưng gặp khó khăn do dịch bệnh, ông Tuấn (Hà Nội) đã quyết định tham gia mô hình nhượng quyền của một doanh nghiệp ngành logistics, mỗi ngày xử lý hàng trăm đơn hàng.
"Tôi biết hình thức nhượng quyền này từ tháng 5/2021. Từ đó, tôi tìm hiểu và thấy cách thức này có cơ hội phát triển trong tương lai, mang lại thu nhập", ông Tuấn cho hay.
Thống kê từ hiệp hội thương mại điện tử, thị trường chuyển phát nhanh năm 2021 đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng 23%.
"Theo con số đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của logistics từ 10% - 14%. Vì vậy, mô hình nhượng quyền bưu chính tiềm năng sẽ lớn. Khối lượng hàng hóa luân chuyển trong nước và nước ngoài có sự gia tăng mạnh mẽ. Đây là tiền đề rất tốt để các doanh nghiệp logistics có sự phát triển trong năm 2022", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay.
Thương mại điện tử Việt Nam nói chung và giao nhận bưu chính nói riêng được dự báo tiếp tục tăng trưởng 2 con số liên tục trong nhiều năm tới. Do đó, nhượng quyền logistics chắc chắn sẽ ngày càng phổ biến.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, doanh nghiệp muốn cạnh tranh được cần có quy trình vận hành chặt chẽ để tăng trưởng về thị trường phải đi đôi với chất lượng dịch vụ.