Doanh nghiệp trước Cam kết WTO về logistics

25/05/2015 10:37

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Theo cam kết gia nhập WTO, VN sẽ cho phép các công ty dịch vụ hàng hải, Logistics 100% vốn nước ngoài hoạt động bình đẳng tại VN. Điều này đặt DN VN trước thách thức cạnh tranh gay gắt trên sân nhà.Áp lực cạnh tranh rất lớn từ việc hội nhập quốc tế, từ sự lớn mạnh không ngừng của thị trường cũng như những đòi hỏi ngày càng tăng từ phía khách hàng cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các DN logistics.

(Vietnam Logistics Review) Theo cam kết gia nhập WTO, VN sẽ cho phép các công ty dịch vụ hàng hải, Logistics 100% vốn nước ngoài hoạt động bình đẳng tại VN. Điều này đặt DN VN trước thách thức cạnh tranh gay gắt trên sân nhà.Áp lực cạnh tranh rất lớn từ việc hội nhập quốc tế, từ sự lớn mạnh không ngừng của thị trường cũng như những đòi hỏi ngày càng tăng từ phía khách hàng cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các DN logistics.

THÁCH THỨC CỦA DN LOGISTICS VN

Các DN logistics của VN thường có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, hàng hóa - dịch vụ thiếu sức cạnh tranh, hoạt động lại manh mún, kinh doanh còn theo kiểu chụp giật, cạnh tranh thiếu lành mạnh, thi nhau hạ giá dịch vụ để giành được hợp đồng và thường là hạ giá thành thuê container, điều này chỉ có các DN trong nước bị thiệt, còn DN nước ngoài là những người chủ tàu sẽ đóng vai trò ngư ông đắc lợi. Một thực tế khác là trong khi các DN của VN còn đang mãi “đá nhau” thì các tập đoàn hàng hải lớn trên thế giới như APL, Mitsui OSK, Maerk Logistics, NYK Logistics..., những tập đoàn hùng mạnh với khả năng cạnh tranh lớn, bề dày kinh nghiệm và nguồn tài chính khổng lồ với hệ thống mạng lưới đại lý dày đặc, hệ thống kho hàng chuyên dụng, dịch vụ khép kín trên toàn thế giới, mạng lưới thông tin rộng khắp, trình độ tổ chức quản lý cao, đã và đang từng bước xâm nhập, củng cố, chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Các DN logistics tại VN hiện chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thị trường logistics và mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ cho một số công đoạn của chuỗi dịch vụ khổng lồ này. Ngành công nghiệp logistics của VN hiện vẫn đang ở thời kỳ phôi thai, phần lớn của hệ thống logistics chưa được thực hiện ở một cách thức thống nhất.

Hiện nay, các DN VN phải chịu nhiều phí tổn hơn về giao dịch, tư vấn, tiếp thị, quảng cáo, đào tạo…, chi phí cho giao nhận, kho vận còn chiếm tới 20% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển chỉ vào khoảng 8-2%. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa của DNVN so với DN nước ngoài vốn đã rất mạnh. Tình trạng thiếu vốn cũng là thách thức lớn nhất đối với DNVN.

MỘT SỐ GỢI Ý CHO DN KINH DOANH DỊCH VỤ LOGISTICS VN

Trong điều kiện thực hiện đầy đủ các cam kết về dịch vụ logistics theo quy định của WTO chắc chắn sẽ là một thử thách lớn cho các DN kinh doanh dịch vụ logistics của VN. Sự cạnh tranh vốn lợi thế đã nằm trong tay DN nước ngoài thì nay lại càng trở nên khó khăn hơn cho các DNVN. Khi các quy định về giới hạn điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics của các DN nước ngoài tại VN được dỡ bỏ. Để hạn chế được phần nào những khó khăn, chúng tôi gợi ý một số yêu cầu mà DN kinh doanh dịch vụ logistics của VN cần chú trọng như sau:

Thứ nhất, cần tăng độ bao phủ trên phạm vi toàn cầu: Độ bao phủ của các DN logistics VN chỉ trong phạm vị nội địa hoặc một vài nước trong khu vực. Các DN VN phần lớn là DN “sinh sau đẻ muộn” so với rất nhiều công ty nước ngoài vốn có lịch sử phát triển từ lâu đời như APL với kinh nghiệm trên 100 năm, Maersk gần 100 năm… Chính vì thế, các công ty này có độ bao phủ rộng lớn trên toàn cầu. Ví dụ như APL Logistics với gần 100 quốc gia, Maersk Logistics bao phủ 60 quốc gia, Exel bao phủ 60 quốc gia. Chính vì vậy, nhìn từ ưu điểm độ bao phủ rộng của các công ty logistics lớn, chúng ta cần rút ra bài học và tích cực mở rộng phạm vi hoạt động và độ bao phủ mới có thể đáp ứng nhu cầu logistics trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ hai, cần đa dạng hóa các dịch vụ logistics, đặc biệt là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao: Phần lớn các DN VN chỉ tập trung vào khai thác những mảng nhỏ và thị trường ngách trong dịch vụ logistics, phổ biến là hình thức giao nhận vận tải. Trong chuỗi logistics hiện đại, các công ty logistics lớn như Maersk Logistics, APL Logistics, P&O Nedlloyd Logistics… đang cung cấp cho khách hàng của họ rất nhiều dịch vụ đa dạng với giá trị gia tăng cao. Thời gian tới các DN VN cần phải tập trung phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao và phát triển dịch vụ logistics theo hướng 3PL (dịch vụ trọn gói, tích hợp); thêm nhiều giá trị gia tăng phục vụ khách hàng.

Thứ ba, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, để có thể tham gia vào các hợp đồng xuất khẩu: trong quan hệ thương mại quốc tế, phần lớn các nhà xuất khẩu của VN chủ yếu là xuất khẩu hàng theo điều kiện FOB, FCA trong Incoterms (nghĩa là người bán chỉ cần giao hàng qua lan can tàu tại cảng bốc hàng theo qui định là hết trách nhiệm). Như vậy, quyền định đoạt về vận tải đều do người mua chỉ định và phần lớn người mua sẽ chỉ định một công ty nước họ, hoặc một đối tác lâu dài của họ để thực hiện điều này. Và các công ty logistics của VN sẽ là người ngoài cuộc. Thực tế này yêu cầu các DN logistics VN cần nâng cao tính cạnh tranh và khả năng đàm phán để có thể tham gia vào các hợp đồng xuất khẩu trong đó VN là đối tác gia công hoặc
sản xuất.

Thứ tư, ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh của DN: Nhìn chung việc ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động logistics của DNVN vẫn còn kém xa so với các công ty logistics nước ngoài. Chính vì vậy DN dịch vụ của chúng ta cần hết sức chú trọng tới vấn đề này.

Thứ năm, sự liên kết giữa các DN dịch vụ logistics VN. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với các DN VN trong tình hình hiện nay. Vì thực tế các DN logistics của VN hoạt động còn manh mún, thiếu hẳn sự liên kết, hợp tác cần thiết. Trong xu hướng phát triển dịch vụ thuê ngoài, mỗi DN cần tập trung vào thế mạnh của mình và sẽ thuê ngoài các dịch vụ không phải là thế mạnh. Vì thế, tính liên kết và hợp tác trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đã đến lúc các DN logistics VN cần liên kết phối hợp để có thể cung ứng ra thị trường một chuỗi các dịch vụ logistics cho khách hàng. Một công ty giao nhận có thể liên kết với một công ty kho bãi, công ty vận tải, công ty môi giới và công ty hàng không để tạo thành một chuỗi liên kết chặt chẽ.

Thực hiện đồng bộ các yêu cầu này là việc cần làm ngay của các DN kinh doanh dịch vụ logistics của chúng ta nếu không muốn miếng “bánh ngon” bị các DN nước ngoài chiếm lấy, còn DNVN chỉ còn là những người làm công, nhường sân chơi cho các “đại gia logistics nước ngoài” vì không đủ năng lực.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp trước Cam kết WTO về logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO