Doanh nghiệp vận tải bị phạt oan

01/01/1970 08:00

(VLR) Sự “lệch pha” về tải trọng giữa cầu và đường, từ nhiều năm qua đã và đang là rào cản rất lớn đối với các DN vận tải trên địa bàn TP.HCM. Các biển báo tải trọng cầu quá lạc hậu và thấp hơn so với tải trọng đường cho phép, đã làm cho giới tài xế bị phạt oan.

DN BỊ LÀM KHÓ

Hiệp hội Vận tải hàng hóa (VTHH) TP.HCM cho biết, đã nhận được rất nhiều phản ánh về những khó khăn của các DN hội viên đang vận chuyển hàng hóa cho một số KCN tại địa bàn tỉnh Bình Dương. Đây không phải là địa phương đầu tiên bị “khiếu nại” về những bất cập và “lệch pha” về tải trọng giữa cầu và đường, giữa quy định mới và biển báo lạc hậu. Hiện nay các DN VTHH TP.HCM đang thường xuyên vận chuyển hàng hóa XNK phục vụ cho các KCN: Việt Hương II, Mai Trung, Rạch Bắp, Protrade Accendas và một số công ty lớn đóng trên địa bàn các xã An Tây, An Điền, Phú An, Phú Thứ thuộc huyện Bến Cát.

Do đây là tuyến độc đạo vào các KCN nói trên còn một số cây cầu gắn biển báo tải trọng rất thấp, như Cầu Ông Cộ (ĐT 744), sau khi hạ tải gắn biển báo giao thông 10 tấn cho phép lưu thông 1 chiều vào các KCN. Hay như cầu Cống Hộp tại ấp 2, xã An Điền gắn biển báo tải trọng 18 tấn; Cầu Đò gắn biển báo 20 tấn trên đường 7A hướng ra quốc lộ 13. Đây là tuyến lưu thông duy nhất của xe tải theo biển báo tại khu vực nói trên. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lực lượng CSGT huyện Bến Cát đã liên tục kiểm tra và xử phạt tài xế rất nặng về lỗi tải trọng xe quá tải trọng cầu tại Cầu Đò, và phạt mức tiền từ 4-6 triệu đồng, tước GPLX 60 ngày. Thậm chí, một số DN đã buộc phải cho xe nằm bãi vì lái xe bị tước bằng lái quá nhiều. Điều này không những làm ảnh hưởng trực tiếp đến các DN vận tải mà còn ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hóa XNK - một yêu cầu bặt buộc đối với hoạt động giao nhận và logistics - của nhiều nhà máy trong các KCN.

Xe đầu kéo là phương tiện chuyên dụng chở hàng phục vụ cho XNK. Hàng hóa NK chủ yếu là nguyên liệu cho các nhà máy trong các KCN phục vụ sản xuất hàng XK. Container hàng sau khi đã được kẹp “seal”, kẹp chì của chủ hàng hoặc của hải quan thì nhà vận tải hoàn toàn không có quyền can thiệp để nâng hoặc hạ tải. Đây là quy ước quốc tế. Cũng theo quy định chung của các hãng tàu biển quốc tế, một container hàng hóa XNK có trọng lượng tối đa là 32,480kg (tính cả vỏ container), nhưng trên thực tế, có đến 90% các container hàng hóa XNK chỉ có trọng lượng dao động từ 20-30 tấn (tính cả vỏ container). Nếu cộng với trọng lượng của chiếc xe đầu kéo và rơ-moóc đã khoảng từ 11-14 tấn, tùy loại xe Trung Quốc hay xe do Mỹ sản xuất, thì tổng trọng tải cả hàng và xe chở container cũng chỉ từ 31-44 tấn.

Mặt khác, căn cứ quy định tại Thông tư 03/2011/TT-BGTVT ngày 22.2.2011 của Bộ GTVT quy định đối với xe tổ hợp xe đầu kéo với sơ mi rơ moóc, thì: Tổng trọng lượng đối với tổ hợp xe đầu kéo với sơmi rơmoóc đã được nâng lên phụ thuộc vào tổng số trục xe, cụ thể là xe có tổng số trục bằng ba, tổng trọng lượng của xe ≤26 tấn; xe có tổng số trục bằng bốn, tổng trọng lượng của xe ≤34 tấn; xe có tổng số trục bằng năm, tổng trọng lượng của xe ≤ 44 tấn và xe có tổng số trục bằng sáu hoặc lớn hơn, tổng trọng lượng của xe ≤ 48 tấn.

Tuy nhiên, trên thực tế, quy định về biển báo cầu đường bộ hiện hành hiện vẫn còn gắn biển báo tính theo tổng trọng lượng cả xe và hàng tối đa không quá 30 tấn, trừ các cầu mới xây theo tiêu chuẩn mới không gắn biển báo giới hạn về tải trọng. Trong trường hợp cụ thể ở Bình Dương, ông Dinh lập luận, các đường: ĐT 744, ĐT 748, đường 7A đã gắn biển công bố tải trọng trục đơn 10 tấn, vì vậy xe vận tải của các DN với tổng trọng tải như đã phân tích trên, hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép lưu thông an toàn theo quy định tại Thông tư 03/2011/TT-BGTVT. Trên cơ sở đó, tại Công văn số 02/HHVT ngày 6.2.2012 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Giám đốc Sở GTVT tỉnh và Giám đốc CA tỉnh Bình Dương, về việc kiến nghị giải quyết khó khăn cho các DNVT tại TP.HCM khi vận chuyển hàng hóa phục vụ cho một số KCN tại tỉnh Bình Dương, Hiệp hội VTHH TP.HCM kiến nghị “xem xét và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN, hoặc chỉ dẫn cho các DNVT được phép lưu thông như thế nào để cho xe đầu kéo kéo container hàng hóa XNK phục vụ cho các KCN nêu trên được thuận lợi mà không bị áp dụng chế tài xử phạt như trong thời gian vừa qua”.

TÍNH THEO TẢI TRỌNG THAY VÌ TỔNG TRỌNG LƯỢNG XE

Khó khăn đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa là quy định về tải trọng cầu đường bộ đến nay vẫn còn gắn biển báo tính theo tổng trọng lượng cả xe và hàng tối đa không quá 30 tấn (trừ các cầu mới xây theo tiêu chuẩn mới không gắn biển báo giới hạn về tải trọng). Do không phù hợp với thực tế nên dẫn đến, thời gian qua, gần như 100% xe tổ hợp đầu kéo chở container đều vi phạm về lỗi quá tải trọng cầu. Không riêng ở Bình Dương, mà trước đó và cho đến nay tại TP.HCM, các lực lượng thi hành như TTGT, CSGT vẫn căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành để ra quyết định xử phạt đối với các xe tổ hợp đầu kéo chở container (trong lúc tổng trọng lượng cả xe và hàng chưa vượt quá 44 tấn hoặc 48 tấn theo quy định cho phép tại Thông tư 03/2011/TT-BGTVT nói trên).

Đây thực sự là điều gây rất nhiều bức xúc cho cộng đồng các DNVT hàng hóa bằng container trong suốt thời gian qua, vì: chế tài xử phạt rất nặng, và họ cảm thấy bị xử phạt “oan ức” do không phải lỗi cố ý chở quá tải, mà chủ yếu là rơi vào tình trạng bất khả kháng không thể làm khác được do quy định của pháp luật. Bởi vì, Theo Hiệp hội, quy định về biển báo cầu đường bộ hiện hành đã trở nên lạc hậu, cần được sửa đổi. Sau hàng loạt các công văn kiến nghị từ năm 2009, 2010, 2011, đến nay tại TP.HCM, chỉ có cầu Tân Thuận (giáp Q.4 và Q.7) là có sửa đổi và gắn biển báo mới phù hợp với quy định của Bộ GTVT.

Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội, cần phải thay đổi biển báo tải trọng cầu đường bộ theo quy định hiện hành “tính tổng trọng tải cả hàng và xe” sang quy định mới là gắn biển báo tính theo trục xe và cụm trục xenhư cầu Tân Thuận 1 tại TP.HCM đang áp dụng.

Các cơ quan chức năng nhà nước xem xét thấu tình đạt lý nhằm tháo gỡ khó khăn đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DNVT nói riêng, cộng đồng DN cả nước nói chung trong phát triển kinh tế mà hoạt động giao nhận vận tải cùng với dịch vụ logistics của nó là hợp phần quan trọng của chuyền cung ứng hàng hóa đất nước.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp vận tải bị phạt oan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO