Khi nói đến Việt Nam, xưa nay nhiều người tiêu dùng thế giới có thể nhớ đến các sản phẩm nông nghiệp truyền thống như gạo, cà phê, tiêu, cao su, khoáng sản… Thế nhưng, giờ đây, đã có những doanh nghiệp vươn ra toàn cầu, đưa sản phẩm công nghệ cao đến với người tiêu dùng trên toàn cầu. Đó chính là câu chuyện của VinFast, nhà sản xuất ô tô và xe máy điện đã được nhiều tập đoàn lớn, truyền thông thế giới nhắc đến.
Năm 2017, Vingroup chính thức khởi công xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện tại Cát Hải, Hải Phòng. Sau 21 tháng kể từ ngày khởi công, tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast đã chính thức khánh thành. Các dòng sản phẩm của Vinfast hiện bao gồm xe ô tô chạy xăng, xe ô tô điện và xe máy điện.
Một năm sau, VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup đã mang 2 mẫu xe đến triển lãm ô tô quốc tế Paris, tại triển lãm xe lớn nhất thế giới. VinFast dần trở thành cái tên được giới truyền thông chú ý.
Tháng 6/2019, tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), nhà máy sản xuất ô tô được khánh thành, chính thức bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Dấu mốc này được cho là bước ngoặt của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từ gia công chuyển sang tự chủ sản xuất. Lần đầu tiên Việt Nam có ô tô thương mại với thương hiệu nội địa, đưa Việt Nam có tên trên bản đồ các nước có ngành sản xuất ô tô của riêng mình.
Sau xe xăng, VinFast bước vào làm xe điện. Đến năm 2021, công ty này trình làng 2 mẫu ô tô điện tại triển lãm ô tô Los Angeles, đưa vào hoạt động trụ sở chính của chi nhánh Mỹ tại đây. Tháng 11/2022, doanh nghiệp xuất khẩu 999 xe điện đầu tiên ra thế giới.
Bước chân vào thị trường xe điện Mỹ, một thị trường có dung lượng khoảng 28 tỷ USD với nhiều chính sách khuyến khích theo quy định của nước sở tại. Tuy nhiên, VinFast vẫn phải đối đầu với các nhà sản xuất xe điện sừng sỏ của quốc tế như Tesla, Volkswagen, Ford, Daimler, Chevrolet, GM…
Thành bại trong cuộc IPO và niêm yết trên thị trường Mỹ sẽ chứng minh tiềm lực và tham vọng dài hạn của VinFast, đồng thời cũng coi như bước đi lớn đầu tiên của giới doanh nghiệp Việt khi tham gia các sân chơi có tính toàn cầu.
Sự kiện VinFast niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Mỹ diễn ra tại Mỹ ngày 15/8. CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy cho biết, việc trở thành công ty niêm yết tại Mỹ là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển toàn cầu của VinFast. Không chỉ đơn thuần là việc đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán, mà đây còn là niềm tin mạnh mẽ vào tầm nhìn và tiềm năng của VinFast.
Theo bà, việc niêm yết thành công này mở ra khả năng tiếp cận thị trường vốn lớn và hướng đi quan trọng cho sự phát triển của công ty trong tương lai. "Chúng tôi hy vọng câu chuyện của VinFast sẽ truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng tiến ra thế giới", bà nói.
Để cạnh tranh tại thị trường Mỹ, VinFast đang trong quá trình xây dựng nhà máy tại bang North Carolina, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025. "Với nhà máy tại North Carolina, chúng tôi kỳ vọng có thể tinh gọn chi phí và cung cấp các sản phẩm với mức giá mà khách hàng Mỹ hoàn toàn có thể tiếp cận", bà Thủy chia sẻ.
Bước đi mới này của VinFast đang có nhiều điểm khá tương đồng với hành trình mà "gã khổng lồ" ô tô của Hàn Quốc, Hyundai đã từng tạo ra ở thập niên 80 của thế kỷ trước, thời điểm mà họ cũng lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, chinh phục thị trường khó tính nhất trên thế giới.
Không chỉ là câu chuyện của VinFast, nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng đã vươn ra thế giới với thành công đáng kể. Một trong những doanh nghiệp nổi bật là Tập đoàn FPT với mạng lưới trụ sở, văn phòng lớn trên toàn cầu là đối tác quan trọng của nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Amazon, Airbus…
Việc đầu tư nước ngoài đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược toàn cầu của FPT. Năm 2022, FPT đã đạt doanh số 1 tỷ USD tại thị trường nước ngoài.
Từ năm 2014, FPT đã thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A) với công ty RWE IT Slovakia để mở rộng tập khách hàng trong lĩnh vực hạ tầng công ích. Đây là thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
Năm 2018, FPT mua lại 90% cổ phần của Intellinet, công ty chuyên tư vấn lộ trình chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ, do Consulting Magazine đánh giá năm 2017.
Đầu năm nay, doanh nghiệp này cũng đã công bố thương vụ mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ, một trong những mảng kinh doanh chiến lược của Intertec International (Mỹ). Thương vụ này là một phần trong chiến lược mở rộng các trung tâm dịch vụ công nghệ toàn cầu của FPT.
Năm 2023, cùng với thương vụ này, FPT cũng mở rộng hiện diện tại Costa Rica, Colombia và Mexico. Đây cũng là 3 nước có trung tâm sản xuất công nghệ của Intertec.
"Thông thường FPT M&A những công ty tư vấn, vì tư vấn không phải nghề chính của chúng tôi mà chúng tôi làm nghề phát triển. Chúng tôi tìm những công ty đang tư vấn cho công ty lớn trên thế giới và "móc toa" vào để phát triển thị trường của mình", ông Bình nhấn mạnh.
Một đại diện khác là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel. Viettel đi ra nước ngoài từ sớm với việc thành lập Viettel Global năm 2006. Sau 3 năm nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác, xin giấy phép, xây dựng hạ tầng mạng lưới, tháng 2/2008 Viettel chính thức khai trương thị trường tại Campuchia với thương hiệu Metfone và cũng là thị trường nước ngoài đầu tiên. Đồng thời, năm 2009, Viettel tiếp tục khai trương tại thị trường Lào với thương hiệu Unitel.
Để học hỏi và cạnh tranh với các "ông lớn" trên thế giới và để có thị trường rộng lớn hơn, năm 2010, Viettel đã quyết định chọn những nước nghèo, thậm chí thuộc diện nghèo nhất thế giới, để đầu tư là vì "những nơi dễ thì không còn nữa".
Năm 2011, Viettel khai trương dịch vụ tại Haiti. Một năm sau đó, Viettel tiếp tục khai trương tại thị trường Mozambique, sau đó là thị trường Đông Timor và Peru năm 2014 và thị trường Cameroon và Tanzania tại châu Phi năm 2015. Cuối cùng là thị trường Myanmar được Viettel đầu tư năm 2018.
Suốt chặng đường 17 năm đầu tư ra nước ngoài Viettel đã mở được 10 thị trường, chưa kể các văn phòng đại diện tại Mỹ, Pháp, Nga, Nhật…
Bên cạnh câu chuyện của các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông, khai khoáng, vẫn còn đó những doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để mang thương hiệu của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Đó là câu chuyện của PAN - đế chế nông nghiệp của "ông trùm" chứng khoán Nguyễn Duy Hưng. Ông Hưng được biết đến là nhà sáng lập và điều hành Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Tuy mới rẽ sang lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2013 nhưng The PAN Group đã thể hiện rõ tham vọng vươn lên dẫn đầu ngành nông nghiệp thực phẩm.
Năm 2012, công ty bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp với việc mua 2,6 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), tương ứng 20,2% vốn cổ phần công ty.
Cơ cấu doanh thu từ năm 2015 của PAN có sự dịch chuyển rõ nét phản ánh sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh với tỷ trọng chính đến từ nông nghiệp (47%) và thực phẩm (38%) và giảm dần tỷ trọng doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh truyền thống là dịch vụ tòa nhà (15%).
Năm 2018, Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) đã chi 35 triệu USD mua 10% cổ phần của The PAN Group. Và đến năm 2020, PAN bắt tay tập đoàn Sojitz đưa hạt điều sang Nhật.
Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng The PAN Group đã có đủ cơ sở để phát triển mô hình Farm - Food - Family. Trong đó mảng Farm với nền tảng là Vinaseed, VFC, PAN Hulic. Lĩnh vực thực phẩm gồm 4 mảng với bánh kẹo (PAN Food, Bibica), thủy sản (Sao Ta, Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre), hạt và hoa quả sấy (Lafooco), nước mắm (584 Nha Trang).
Đó còn là cà phê Trung Nguyên khi đã đưa được thương hiệu của mình vào thị trường Mỹ, Singapore sau nhiều khó khăn, vất vả. Hiện tập đoàn đã nhượng quyền thành công tại Nhật Bản và Singapore. Cuối năm 2022, doanh nghiệp này cũng đã khai trương Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Trung Quốc.
Đó cũng là gạo ST25 với giải nhất cuộc thi World's Best Rice 2019 và dần được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh chưa khả quan khi dấn thân vào lĩnh vực này.
Mặc dù đang vận hành một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại đây cùng hàng chục nghìn ha nông trường trái cây nhưng kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai lại kém khả quan do năm 2022 ghi nhận doanh thu giảm 40% và lỗ 3.566 tỷ đồng, gấp 3 lần khoản lỗ năm 2021.
Còn với "vua thép" Hòa Phát, tiến ra thị trường nước ngoài giữa thời điểm khó khăn, doanh nghiệp không đủ nguồn lực để dàn trải, thì câu chuyện lại không như vậy.
Tại phiên họp đại hội cổ đông diễn ra vào tháng 3 năm nay, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết Hòa Phát sẽ dừng tất cả hoạt động đầu tư mới để tập trung cao độ, dồn toàn lực cho dự án Dung Quất 2, trong đó có dừng đầu tư vào các dự án mỏ ở Úc.
Trước đó, tháng 5/2021, công ty con tại Úc thuộc Tập đoàn Hòa Phát đã được Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Liên bang Úc (FIRB) chấp thuận phê duyệt hợp đồng mua 100% cổ phần Dự án mỏ quặng sắt Roper Valley. Đây là bước chân đầu tiên của Hòa Phát vào thị trường có nguồn cung quặng sắt lớn nhất thế giới.
Theo Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc vào Việt Nam năm 2020 đạt 4,4 tỷ USD. Trong đó Hòa Phát chiếm 705 triệu USD, tương ứng 16% và là khách hàng Việt Nam lớn nhất của Úc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Trần Đình Long cũng cho biết Hòa Phát sẽ dừng tất cả hoạt động đầu tư, trong đó có các dự án mỏ ở Úc.
Theo Chủ tịch Hòa Phát, do chu kỳ của ngành thép đang ở giai đoạn thoái trào đi xuống, kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận đặt ra không được như chúng ta tính toán. Hòa Phát hiện đã làm văn bản gửi chính phủ Úc xin tạm dừng và ông Long khẳng định đây là một quyết định cực kỳ đúng đắn bởi Hòa Phát không đủ nguồn lực để dàn trải.
Ông Long chia sẻ: "Nhiều người trên thương trường chê Hòa Phát bảo thủ, nay phải thừa nhận là chúng tôi đúng. Để vững vàng như vậy, chúng ta phải chấp nhận có biện pháp đặc biệt".
Do vậy HĐQT quyết định tạm dừng tất cả các hoạt động đầu tư không chỉ ở Úc để tập trung cao độ cho Dung Quất 2. "Sức cũng chỉ có thế thôi", ông Long chia sẻ chân thành.
Tuy nhiên, ông Long cũng chia sẻ rằng việc dừng đầu tư tại Úc cũng rất "đau xót" khi nhiều cán bộ công nhân viên và cả gia đình đã sang Úc rồi lại phải quay về.
"Hòa Phát là tình nghĩa, có trước, có sau, tôi lại phải đưa về đây lo cho mọi người. Đặc biệt, có những đồng chí cán bộ lãnh đạo quyết tâm sang Úc, bán nhà bán cửa, đưa cả vợ con sang. Giờ về đây tôi phải bỏ tiền túi ra cho người ta vay để mua nhà lại. Tuy nhiên, có như thế mới có Hòa Phát như ngày hôm nay", Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ.
Trong lĩnh vực bất động sản, từ năm 2016, Tập đoàn Hoàng Quân cho biết rót 40 triệu USD thông qua công ty con là Công ty TNHH Đầu tư Giáo dục Hoàng Quân - Mỹ để triển khai dự án nhà ở xã hội The Hailey tại Mỹ.
The Hailey đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 10/2021 tại tiểu bang Washington (Mỹ). Dự án được phát triển theo mô hình nhà ở cho thuê dài hạn, và là công trình nhà ở xã hội đầu tiên của Việt Nam được đầu tư trên đất Mỹ.
The Hailey Apartment kỳ vọng sẽ có giá trị 50 triệu USD sau 6 tháng đưa vào hoạt động, thu nhập hàng năm vào khoảng 3,5 triệu USD, lợi nhuận 11% - cao hơn mức 9% trung bình tại địa phương.
Với mục tiêu trở thành doanh nghiệp tỷ USD vào năm 2030, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư trong nước, Hoàng Quân đặt mục tiêu trong vòng 10 năm tới mỗi năm sẽ mở rộng đầu tư thêm ở một quốc gia trên thế giới
Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, Hoàng Quân mới chỉ ghi nhận 142,4 tỷ đồng doanh thu thuần và 2,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 32,1% và 85,4% so với nửa đầu năm 2022. Năm 2023, Địa ốc Hoàng Quân đặt mục tiêu doanh thu cả năm sẽ đạt 1.700 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận là 140 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, Hoàng Quân mới đạt được 8,4% mục tiêu doanh thu và gần 2% mục tiêu lợi nhuận năm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm nay, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến ngày 20/9, Việt Nam đã có 1.667 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư gần 22,1 tỷ USD.
Trong đó, có 141 dự án do các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện, với tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài lên tới 11,67 tỷ USD, chiếm 52,8% tổng vốn đầu tư của cả nước.
Việc đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu tập trung vào ngành khai khoáng (chiếm 31,5%) và ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (chiếm 15,5%). Có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 8 tháng. Trong đó, Canada là nước dẫn đầu với 150,2 triệu USD, chiếm 36,1% tổng vốn đầu tư; Singapore với 115,1 triệu USD và Lào với 113,9 triệu USD...
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết hiện nay có nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư nước ngoài, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân. Theo ông, ta cần phải đặt trong bối cảnh kinh tế kinh tế số và diễn biến toàn cầu hóa chịu sự thử thách lớn bởi thời gian hiện chưa đủ để rút ra kết luận mang tính khái quát.
Thêm vào đó, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam thực sự mới chỉ phát triển mạnh trong những năm gần đây, hầu hết dự án đều mang tính chiến lược, dài hạn, như trồng cao su, khai thác khoáng sản, nhiều dự án mới bắt đầu đi vào hoạt động, nên mới trong giai đoạn đầu thu lợi nhuận. Theo ông Doanh, các khoản đầu tư lớn cần chờ một thời gian nữa để thấy được kết quả.
Chuyên gia cũng nhìn nhận rằng các doanh nghiệp Việt hiện chưa có đủ trình độ công nghệ và năng lực để chiếm lĩnh các mảng thị trường công nghệ cao. Doanh nghiệp Việt cần tìm thị trường có thể trụ lại và phát triển được để trên cơ sở đó từng bước mở rộng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều dự án về công nghệ, cao su, cà phê… đã thành công, chuyển lợi nhuận về nước, tăng dự trữ ngoại hối. "Cần chọn lọc các dự án tốt cũng như tìm hiểu kỹ môi trường đầu tư ở nước ngoài để gia tăng tỉ lệ thành công", ông Doanh nhận định
Thêm vào đó, những lo ngại về "trái đắng" đầu tư ra nước ngoài cũng được ông cảnh báo, bởi nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn chưa đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm để có thể trụ lại ở thị trường nước ngoài với rất nhiều các luật lệ và quy định chặt chẽ. "Nếu không nghiên cứu kỹ luật chơi toàn cầu, doanh nghiệp Việt có thể bị sảy chân", chuyên gia nói thêm.