Tại Việt Nam, logistics vẫn thường được xem là một ngành truyền thống, với cách thức làm việc thủ công và chưa đạt hiệu quả tối ưu. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới trong những năm qua. Đi cùng với sự phát triển ấy là khối lượng hàng hóa giao thương ngày một tăng cao, dẫn đến yêu cầu về giảm chi phí và tăng tính hiệu quả của ngành logistics được đặt ra cấp bách.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong thành công của các doanh nghiệp. Năng lực này được cấu thành từ nhiều khía cạnh như kỹ thuật, công nghệ, quản lý. Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghệ thông tin và hoạt động đổi mới sáng tạo là hai thành tố quan trọng đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trong các ngành nghề nói chung và ngành logistics nói riêng.
Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực logistics là yêu cầu bắt buộc cả chủ quan và khách quan
Hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả có nhiều kinh nghiệm về chuyển đổi số trong logistics. Trong đó, có ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA); ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển và Thương Hiệu, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam VNPost; ông Đặng Tấn Đức, Giám đốc Dự án Khu công nghiệp Khoa học Công nghệ - Giám đốc BLOCK71 Saigon - Trợ lý Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty Becamex IDC; Ông Dương Quốc Anh, Trưởng chi nhánh miền Bắc, DHL Supply Chain Vietnam.
Trong phiên thảo luận của hội thảo, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo hiện nay là yêu cầu bắt buộc đối với ngành dịch vụ logitics. Logistics là một ngành mang tính quốc tế cao, nếu không đổi mới sáng tạo nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19 thì không thể nào cung cấp dịch vụ qua biên giới”.
Năm 2020, ngành logistics Việt Nam chứng kiến hàng loạt biến động đến từ dịch COVID-19, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, hay hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực. Khi mà cách thức hoạt động thủ công không thể đáp ứng yêu cầu ngày một tăng cao, của một thị trường đang đi lên với tốc độ chóng mặt, thì công nghệ đổi mới sáng tạo chính là lời giải hoàn hảo nhất.
Ngoài ra, tại Hội thảo các chuyên gia đã thảo luận về những định hướng đổi mới sáng tạo, giải pháp để các doanh nghiệp Việt bứt phá trong bối cảnh của các hiệp định thương mại mới và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.