Đồng bằng sông Cửu Long kêu gọi đầu tư logistics

23/07/2016 10:29

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Hiệp định TPP sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào nhiều ngành hàng tại Việt Nam, qua đó đẩy mạnh sự phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất và nhất là yêu cầu về cảng biển đủ khả năng thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hệ thống giao thông đường thủy chiếm tỷ trọng khá lớn trong vận chuyển hàng hóa sẽ có nhiều ảnh hưởng khi gia nhập cộng đồng kinh tế xuyên Thái Bình Dương này.

(Vietnam Logistics Review) Hiệp định TPP sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào nhiều ngành hàng tại Việt Nam. Qua đó đẩy mạnh sự phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất và nhất là yêu cầu về cảng biển đủ khả năng thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hệ thống giao thông đường thủy chiếm tỷ trọng khá lớn trong vận chuyển hàng hóa sẽ có nhiều ảnh hưởng khi gia nhập cộng đồng kinh tế xuyên Thái Bình Dương này.

Cần xúc tiến kêu gọi đầu tư

TPP sẽ mở toang cửa cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL như nông lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày… vào thị trường các nước thành viên TPP.

Thời gian qua, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn vùng ĐBSCL được triển khai đã tạo cú huých mạnh cho hoạt động cảng biển như dự án luồng cho tàu biển vào sông Hậu. Cùng với đó, chủ trương thoái vốn Nhà nước tại các cảng biển tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư tham gia góp vốn, công nghệ, cải tiến công tác quản trị nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cảng biển vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL còn thấp. Đến nay, mới thu hút được 1.205 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD (theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư TP. Cần Thơ), chủ yếu tập trung ở tỉnh Long An và TP. Cần Thơ. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn, hàng năm đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu... Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch có nhiều bước tiến đáng kể nhưng nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long - TP.HCM” tổ chức tại TP.HCM diễn ra ngày 01.7, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã giới thiệu 69 dự án trọng điểm mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, việc hầu hết địa phương tập trung nhiều vào các dự án hạ tầng giao thông, cảng sông đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt hướng tới lĩnh vực quan trọng này.

Gỡ nút thắt giao thông thủy nội địa tạo cơ hội cho ĐBSCL

ĐBSCL có lợi thế về giao thông thủy với hệ thống sông ngòi dày đặc, tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các cảng biển trong vùng đều có quy mô nhỏ, nằm rải rác, không tập trung nên năng lực khai thác chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Sự bất cập, không đồng nhất về hạ tầng và trang thiết bị xếp dỡ giữa các cảng, dẫn đến khả năng phối hợp khai thác làm hàng quy mô lớn hoặc cùng làm hàng cho tàu lớn là khá hạn chế.

Đặc biệt, hạ tầng các cảng biển tại ĐBSCL chưa được đầu tư phù hợp với yêu cầu thực tế, thiếu các trang thiết bị hiện đại phục vụ cầu cảng và bãi, dẫn đến năng suất bốc vác không cao, thiếu hệ thống kho bãi để thu gom hàng hóa, phân phối hàng hóa của vùng. Với việc hội nhập sâu, tham gia vào chuỗi logistics toàn cầu, yêu cầu các cảng trong vùng ĐBSCL phải cải tổ toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao từ các công ty logistics.

Việc đầu tư trang thiết bị chuyên dụng tại cảng và cơ sở hạ tầng là việc cần làm của các doanh nghiệp và các bộ ngành liên quan; tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển trong vùng để khai thác hiệu quả vốn đã đầu tư; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp tại các cảng biển trong vùng ĐBSCL, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng hóa về cảng. Có như thế, hệ thống cảng biển tại ĐBSCL mới nắm bắt và phát huy được các cơ hội, thế mạnh của mình.

Hiện nay, việc thành lập trung tâm logistics tại vùng ĐBSCL là cần thiết. Theo quy hoạch, đến năm 2020, cả nước sẽ có 18 trung tâm logistics, trong đó, có 3 trung tâm hạng I và 15 trung tâm hạng II.

Riêng tại ĐBSCL sẽ có 2 trung tâm hạng II (cấp vùng), đây sẽ là bài toán khó nếu không giải được nút thắt về hạ tầng cơ sở và thu hút đầu tư tại ĐBSCL.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long kêu gọi đầu tư logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO