(Vietnam Logistics Review)Biến đổi khí hậu cùng với tác động của con người đã gây ra nhiều thảm họa về môi trường. Tiêu biểu là hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài vào đầu năm 2016 tại Đồng bằng sông Cửu Long. Để khắc phục và thích ứng với tình hình hiện tại cần có những nghiên cứu và giải pháp thiết thực từ phía Nhà nước và nhà khoa học.
Sông Mê Kông – nguồn nước ngọt của nhiều quốc gia Đông Nam Á
Sông Mê Kông cùng 4 con sông khác của địa cầu hình thành 4 châu thổ đẹp và lớn của thế giới, nơi du lịch và cung cấp lương thực, thực phẩm cho hàng triệu người trên hành tinh xanh như châu thổ sông Missisipi (Bắc Mỹ), sông Amazon (Nam Mỹ), sông Nil (Châu Phi), sông Mê Kông (Đông Nam Á)… Tuy nhiên, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến những vùng này.
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi có sông Mê Kông chảy qua, được Liên Hiệp Quốc cảnh báo khả năng bị tác động của BĐKH ác liệt nhất, kèm theo ngập mặn, nước biển dâng cao, mất đất, sạt lỡ, lũ lụt... Đã có nhiều đoàn chuyên gia cấp cao về khoa học – công nghệ phối hợp cùng dân địa phương nghiên cứu những phương án đối phó, mang nhiều kết quả khả quan.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2016 một đợt hạn hán lớn đã xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp của vùng, ước tính có đến 300.000 hecta đất không gieo trồng được và nhiều diện tích rau mầu, cây ăn quả trên toàn ĐBSCL bị tàn phá do xâm nhập mặn.
Theo các nhà khoa học, Mê Kông không phải là con sông dài và lớn của thế giới nhưng có những đặc điểm riêng cần khắc phục công bằng khi sử dụng. Mê Kông bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc) với địa hình hiểm trở ở thượng lưu đổ xuống thác Khône của Lào để chảy vào Biển Hồ của Campuchia.
Biển Hồ với diện tích mặt thoáng là 110.000km2 có dung tích chứa nước là 60 tỷ m3, trải ra một vùng có chiều dài 150km và chiều ngang nơi rộng nhất là 32km. Nơi đây cung cấp thủy sản chủ yếu cho Campuchia đồng thời là hồ nước ngọt độc nhất ở hạ lưu sông Mê Kông… Giữa Biển Hồ có một rảnh sâu và dài, giúp tự điều tiết nước ngọt mùa lũ và mùa khô cạn tác động đến những vùng trũng ở biên giới VN – Campuchia.
Việc giữ nước ngọt Biển Hồ vào mùa khô cạn có tác dụng kiềm chế mớn nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng VN, giảm cường độ triều dâng từ biển Đông vào mùa lũ.
Thảm họa từ những đập ngăn dòng
Đầu thế kỷ 20, lợi dụng tình hình khan hiếm nhiên liệu, nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, có các con sông lớn đủ điều kiện xây đập thủy điện đã tiến hành xây nhiều đập trên dòng chính ở thượng lưu và hạ hưu sông Mê Kông, bất chấp sự phản đối của các nước khác.
Thực hiện ý đồ này, 11 dự án ở hạ lưu do Trung Quốc xây dựng theo hình thức BOT cho Lào và Campuchia (Lào 9 dự án, Campuchia 2 dự án). Tháng 11.2012 Lào khởi công xây đập Xayabury tạo tiền đề xấu nhất cho các đập trên hạ nguồn Mê Kông.
Trong lúc sông Mê Kông đang thiếu nước ngọt, một số quốc gia hạ lưu có yêu cầu chi viện nước ngọt. Ủy Hội sông Mê Kông (MRC) đồng ý và Trung Quốc xả đập nước nhỏ giọt cho đến 26.3.2016 nước mới về tới Stung-Streng (Campuchia), nhưng không nước về Biển Hồ tiếp tục gây ảnh hưởng đến ĐBSCL.
Các giải pháp
BĐKH toàn cầu đã được các nhà khoa khọc trên thế giới dự báo bằng kịch bản chính xác. Dự kiến, 4 châu thổ lớn của thế giới sẽ gánh chịu ngày càng khốc liệt hơn. Để ứng phó, mỗi quốc gia cần chọn cho mình những phương án phù hợp.
Dưới đây là một số giải pháp cần được nghiên cứu, áp dụng tại VN:
1. Gấp rút đề nghị với Ủy Hội sông Mê Kông (MRC) ký thỏa thuận về xây dựng đập thủy điện trên dòng chính (trừ những đập đã xây xong). Đập xây ở thượng lưu hay hạ lưu đều phải có ý kiến nhất trí của các quốc gia trong MRC.
2. Phân chia hợp lý tài nguyên nước sông Mê Kông theo nguyên tắc tỷ lệ cung cấp cho sông. Thông báo cho nhau biết ngày, giờ và khối lượng mở xả nước cho nhu cầu nông nghiệp hay các nhu cầu khác trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, theo mục tiêu chung.
3. Các nước không được phép cản trở và chặn dòng chảy chính của sông Mê Kông.
4. Khôi phục sản xuất ở ĐBSCL theo hướng: Xây dựng chiến lược mới về nông nghiệp phát triển nông thôn, xác định cây con cho phù hợp với BĐKH toàn cầu và khu vực; Sắp xếp lại mạng lưới thủy lợi toàn bộ đồng bằng; Dự kiến phân vùng sản xuất nông nghiệp: vùng nước ngọt, vùng lợ và vùng ven biển để từ đó chọn giống phù hợp; Dự kiến hồ chứa nước ngọt trong vùng, tổ chức gấp rút xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị; Tổ chức bộ máy phù hợp với quản lý; Đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng chú ý thủy lợi từ nhiều nguồn để phát triển thành ngành chủ lực.