Đồng Nai trong tương quan logistics về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

11/10/2016 09:40

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Theo phân tích của tác giả, Đồng Nai hoàn toàn là sự lựa chọn tối ưu để trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam xét trên khía cạnh quy mô phát triển cũng như tính kết nối của tỉnh này so với các địa phương khác trong vùng.

(Vietnam Logistics Review) Theo phân tích của tác giả, Đồng Nai hoàn toàn là sự lựa chọn tối ưu để trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam xét trên khía cạnh quy mô phát triển cũng như tính kết nối của tỉnh này so với các địa phương khác trong vùng.

Nhiều sự bàn luận đã được thực hiện để đưa ra các phân tích, đánh giá về tính kết nối của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN), nhất là kết nối về giao thông được thực hiện phần lớn mang tính kinh nghiệm và cảm nhận chủ quan nên nhiều định hướng được đưa ra chưa có cơ sở khoa học dựa trên những số liệu cụ thể để chứng minh. Các ý kiến đưa ra phần lớn vẫn có xu hướng cho rằng TP.HCM là trung tâm của Vùng và cần được xem là trung tâm logistics của Vùng. Tuy vậy, với những số liệu được phân tích của tác giả lại cho thấy Đồng Nai mới chính là có tiềm năng nhất trở thành trung tâm logistics của Vùng KTTĐPN.

Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM là các lựa chọn

Có thể thấy rằng Vùng KTTĐPN có sự phát triển mạnh nhất về kinh tế-xã hội chính là bốn tỉnh thành động lực: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Cũng như vậy, ngành logistics của phần lớn số này chiếm tỉ trọng lớn trong tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa đường bộ trong vùng. Năm 2014, ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM lần lượt là 21,4%, 24,5% và 38,4%. Điều này cho thấy sự vận hành của ngành logistics tại các tỉnh này là phát triển nhất. Nếu xét về quy mô phát triển thì đây chính là 3 địa phương đáp ứng yêu cầu trở thành trung tâm logistics trọng Vùng KTTĐPN.

Phương pháp tính toán

Trong bài viết này, tác giả sử dụng số liệu Bảng 1. Theo đó, để nghiên cứu về tính kết nối về giao thông giữa các tỉnh trong Vùng KTTĐPN thì tác giả sẽ tính hệ số tương quan của các chuỗi số liệu về khối lượng vận chuyển. Hệ số này cho ta biết về mức độ tương quan của các chuỗi số liệu có biểu hiện như thế nào. Hệ số này càng gần 1 thì mức độ tương quan càng cao và hệ số tương quan càng gần 0 thì mức độ tương quan càng thấp.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các số liệu về khối lượng vận chuyển hàng hóa là theo thời gian và do đó, rất có thể có hiện tượng tự tương quan, tức là các số liệu tương quan rất mạnh theo thời gian. Vì vậy, để tính toán được hệ số tương quan của các chuỗi số liệu một cách thuần túy cần loại bỏ sự biến động theo thời gian. Có như thế, mới có hệ số tương quan đo lường chính xác mức độ ảnh hưởng và liên hệ lẫn nhau giữa các số liệu, để từ đó, đánh giá được mức độ kết nối giữa các tỉnh thành về mức độ giao thương hàng hóa bằng đường bộ.

Đồng Nai trong tương quan logistics

Kết quả tính toán cho thấy Đồng Nai chính là tỉnh có mức độ kết nối với các tỉnh thành khác trong Vùng KTTĐPN cao nhất. Điều này thể hiện qua mức “tổng tương quan” và “tổng tương quan dương” của sự vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trong mối quan hệ với các tỉnh thành khác trong Vùng là cao nhất. Số liệu này của tỉnh Đồng Nai lần lượt là 1,881 và 1,189; trong khi số liệu này của tỉnh Bình Dương lần lượt là 0,897 và 1,119 và của TP.HCM lần lượt là 0,308 và 0,490. Từ đó, để lựa chọn địa phương nào có tiềm năng nhất về logistics của toàn vùng thì đó là Đồng Nai.

Số liệu cũng cho thấy, Đồng Nai chỉ có mối quan hệ nghịch biến với một địa phương là Long An với hệ số là -0,307; trong khi Bình Dương có mối quan hệ nghịch biến với 3 địa phương và TP.HCM có mối quan hệ nghịch biến với 04 địa phương.

Quan hệ nghịch biến nghĩa là sự tăng lên của địa phương này sẽ làm giảm chỉ tiêu đang xét tương quan ở địa phương khác, hay nói cách khác, tỉnh thành nào có mối quan hệ nghịch biến với các nơi khác càng nhiều thì sự đầu tư vào địa phương đó sẽ càng không hiệu quả và lãng phí cũng như đòi hỏi mức độ đầu tư nhiều hơn. Từ các phân tích này, có thể thấy việc xác định để đầu tư phát triển logistics của tỉnh Đồng Nai để trở thành trung tâm logistics của Vùng là hiệu quả và khả thi nhất trong ba sự lựa chọn.

Định hướng phát triển

Dựa vào các số liệu tính toán được về mức độ kết nối giữa các tỉnh và thành phố trong vùng KTTĐPN, định hướng làm tăng sự hiệu quả của hệ thống logistics của Vùng trong thời gian tới như sau:

Tăng cường kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Tiền Giang thông qua ngõ đi qua tỉnh Đồng Nai; Đẩy mạnh kết nối giữa Tây Ninh với TP.HCM; Tăng cường hiệu quả sự kết nối giữa Bình Dương với Long An; Tác động mạnh để khai thác tiềm năng phát triển của mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau của Bình Dương và Đồng Nai coi đây là sự đầu tư trọng điểm để trở thành động lực phát triển logistics cũng như phát triển kinh tế - xã hội của toàn Vùng KTTĐPN; Cải thiện sự kết nối giữa Bà Rịa-Vũng Tàu và Tây Ninh thông qua sự cải thiện đường bộ qua Đồng Nai.

Từ phân tích trên có thể cho thấy Đồng Nai hoàn toàn là sự lựa chọn tối ưu để trở thành trung tâm logistics của Vùng xét trên khía cạnh quy mô phát triển cũng như tính kết nối của tỉnh này so với các địa phương khác trong Vùng KTTĐPN. Sự đầu tư vào tỉnh Đồng Nai sẽ là mang lại hiệu quả cao hơn. Trong thời gian tới, sân bay Long Thành sẽ càng làm cho tỉnh này có vai quan trọng hơn đối với sự phát triển logistics nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của vùng.




(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai trong tương quan logistics về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO