Dự án cảng nước sâu đón xu hướng dịch chuyển vốn

Báo Đầu tư|23/10/2020 08:59

(VLR) Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc có thể mang lại tiềm năng phát triển cho nhiều ngành, trong đó có cảng biển.

Cảng quốc tế Lạch Huyện đón tàu trên 10 vạn tấn vào ăn hàng đi bờ Tây nước Mỹ - Ảnh: Thanh Tân

Cảng quốc tế Lạch Huyện đón tàu trên 10 vạn tấn vào ăn hàng đi bờ Tây nước Mỹ - Ảnh: Thanh Tân

Miếng bánh hấp dẫn

Cảng quốc tế Cái Mép Gemadept - Terminal Link (Gemalink) đang tuyển dụng hơn 100 nhân sự, lắp đặt nốt các cẩu trục, thực hiện nhiều công tác khác để chuẩn bị khai thác kỹ thuật vào cuối năm 2020 và chính thức hoạt động từ đầu năm sau. Giai đoạn đầu của Dự án có công suất thiết kế 1,5 triệu TEU, mức đầu tư 330 triệu USD trên tổng giá trị đầu tư 520 triệu USD.

Sau gần 2 năm kể từ ngày khởi công, Gemalink tới đây sẽ trở thành cảng nước sâu lớn nhất trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Tuy nhiên, vị trí này có thể sớm được thay thế khi xu hướng đầu tư vào cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu, đang hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Tại cuộc yết kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giữa tháng 9/2020, đại sứ Hà Lan, đại sứ Bỉ cùng các nhà đầu tư từ EU đã cho biết mong muốn đầu tư vào Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, một dự án cũng thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Động thái này làm nóng lên cuộc chạy đua trở thành chủ đầu tư dự án có khái toán chi phí đầu tư khoảng 19.336 tỷ đồng này. Từ các năm trước, liên danh Geleximco - ITC và Hateco Logistics - Besix (Bỉ) - Royal Boskalis (Hà Lan) đã đề xuất được triển khai Dự án.

Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng đã nhận được hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng bến cảng số 5, số 6 khu bến cảng tại cảng nước sâu Lạch Huyện thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Dự án có diện tích 47 ha, tổng mức đầu tư 6.245 tỷ đồng, có thể tiếp nhận cỡ tàu đến 160.000 DWT. Tập đoàn Hateco là đơn vị đề xuất thực hiện dự án này và cũng là một trong 3 doanh nghiệp liên danh đề xuất tham gia Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Tại Quảng Ninh, bên cạnh 7 bến cảng do Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân và Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh đang vận hành, khu bến cảng Cái Lân còn có kế hoạch mở rộng thêm bến 8, 9. Hai công ty trên đều từng cho biết mong muốn tham gia dự án mở rộng này. Trong động thái mới đây nhất, Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh trình cổ đông dành một phần ngân sách trong nguồn vốn mới huy động được từ tăng vốn điều lệ để thực hiện gói tư vấn, thiết kế bản vẽ thi công, xin thỏa thuận để đầu tư dự án này.

Đón đầu xu hướng dịch chuyển dòng vốn

Nhờ lợi thế cảng nước sâu, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là nơi duy nhất cho phép các chuyến tàu mẹ chở container trực tiếp đi châu Âu và châu Mỹ không qua trung chuyển. Gemalink có bến đỗ với độ sâu 14 m, tiếp nhận được các tàu trọng tải lớn 200.000 DWT. Ngoài lợi thế cảng nước sâu, các tuyến đường nối cụm cảng với điểm sản xuất - tiêu thụ đang được đẩy nhanh tiến độ.

Một lợi thế khác của cụm cảng này là xu hướng dịch chuyển từ các cảng nội thành TP.HCM và việc nhiều cảng trong khu vực đã hoạt động gần hết công suất. Trong nửa đầu năm 2020, thống kê của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho thấy, tăng trưởng sản lượng hàng container tại cụm cảng này đạt 12,9%, cao hơn nhiều mức tăng của cả nước (8%), bất chấp ngành vận tải biển chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.

Nhấn mạnh về triển vọng của Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, các đại sứ châu Âu có cái nhìn lạc quan và cho rằng, dự án này sẽ góp phần thúc đẩy giao thương giữa EU với Việt Nam, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Khối Phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định, cảng biển - logistics là nhóm được hưởng lợi từ hoạt động chuyển dịch sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Theo lãnh đạo Cảng Quảng Ninh, việc có ngày càng nhiều nhà máy sản xuất trong nước lẫn FDI mới được chuẩn bị đầu tư khiến Công ty quyết định xây dựng kho, mua sắm thêm trang thiết bị và nghiên cứu đầu tư xây dựng bến số 8 và 9 của khu bến cảng Cái Lân.

Dù có tiềm năng tăng trưởng từ các yếu tố tích cực trên, nhưng không thể bỏ qua rủi ro về tình trạng dư cung và cạnh tranh về giá, nhất là khi có thêm nhiều dự án cảng mới đi vào hoạt động. Theo Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, tỷ lệ dư thừa công suất tại cụm cảng Hải Phòng năm 2020 ước tính hơn 42%. Đây là lý do mà theo VNDirect, Gemadept có thể sẽ hoãn kế hoạch đầu tư cảng Nam Đình Vũ giai đoạn II.

Còn với Dự án Gemalink - nơi Gemadept đầu tư 75% vốn điều lệ, lãnh đạo công ty này từng cho biết, đã tính toán kỹ các điều kiện về thị trường và nguồn hàng. Lợi thế của Gemalink là có nguồn hàng từ hãng tàu CMA-CGM, khi CMA Terminals cũng là cổ đông nắm tới 25% vốn điều lệ. Hãng tàu Pháp này cũng có thể thuyết phục các hãng khác trong liên minh Ocean Alliance chuyển hàng hóa đang xếp dỡ ở nước khác đến Việt Nam để hưởng mức phí hấp dẫn.

Quy mô vốn đầu tư lớn đặt ra yêu cầu cao đối với năng lực tài chính của chủ đầu tư các dự án cảng nước sâu. Khẳng định quyết tâm đầu tư vào Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, các đại sứ châu Âu cam kết sẽ triển khai Dự án đúng tiến độ và cho biết, đã có những tổ chức cam kết góp vốn cho Dự án, gồm Ngân hàng Phát triển Hà Lan (10% vốn) và một tập đoàn đầu tư quốc tế của Bỉ.

Tại Gemalink, bên cạnh nguồn vốn của các chủ sở hữu, Gemadept sử dụng 63% vốn vay ngân hàng. Theo ước tính của VNDirect, với chi phí lãi vay và khấu hao cao trong các năm đầu, Gemalink có thể lỗ ròng 105,3 tỷ đồng, nhưng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới của Gemadept trong dài hạn. Ước tính, khi hoạt động hết công suất vào năm 2023, Gemalink sẽ đóng góp 230,4 tỷ đồng lợi nhuận ròng và chiếm tới 34,5% trong cơ cấu lợi nhuận của Gemadept.

Ghi nhận trong các năm gần đây, kích cỡ của tàu container đã tăng nhanh, số lượng các tàu có sức chứa hơn 10.000 TEU đã và đang được đặt đóng ngày càng nhiều. Cùng với xu thế chung này và đà tăng của kim ngạch thương mại, nhu cầu xây dựng các cảng lớn với mớn nước sâu hơn và cầu bến dài tại Việt Nam ngày càng tăng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Dự án cảng nước sâu đón xu hướng dịch chuyển vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO