Dự án triển khai Hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại tại Việt Nam

Quang Anh|14/12/2018 15:46

(VLR) Ngày 10.12.2018, GATF đã phối hợp với VLA tổ chức Hội thảo cập nhật thông tin mới nhất về Dự án triển khai hệ thống Bảo lãnh thông quan hiện đại tại Việt Nam. Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày chi tiết về nội dung chính của hệ thống này.

Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm tham dự Hội thảo

Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm tham dự Hội thảo

Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) là một tổ chức đối tác công tư vì mục đích thuận lợi hóa thương mại quốc tế. GATF được đồng chủ trì bởi Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Trung tâm Doanh nghiệp Tư nhân quốc tế (CIPE) phối hợp với đối tác triển khai là Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ). Liên minh được ra mắt tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 10 năm 2015 và được hỗ trợ bởi chính phủ các nước Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc và Đức nhằm cung cấp các trợ giúp kỹ thuật cần thiết để giúp đỡ chính phủ các nước đang phát triển và kém phát triển triển khai các cam kết của Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại trong khuôn khổ WTO đã chính thức có hiệu lực ngày 22.2.2017.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên được GATF chọn hỗ trợ kỹ thuật với đề xuất xây dựng một Hệ thống Bảo lãnh Thông quan hiện đại để đẩy nhanh quá trình giải phóng hàng hóatại cảng, tiết kiệm chi phí thương mại, đồng thời đảm bảo nguồn thu ngân sách quốc gia và nâng cao tính tuân thủ của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành công xưởng sản xuất của thế giới.

Cơ chế Bảo lãnh thông quan cho phép thương nhân mua bảo lãnh để đảm bảo rằng họ sẽ tuân thủ mọi nghĩa vụ pháp lý liên quan trên lô hàng nhập khẩu của mình bao gồm nhưng không giới hạn ở việc thanh toán thuế phí, nộp đầy đủ chứng từ, tuân thủ các quy định chuyên ngành…Đổi lại, cơ quan hải quan sẽ cho “giải phóng có điều kiện” đối với hàng hóa. Các điều kiện này do Tổng cục Hải quan quy định bao gồm trong đó các mức phạt thiệt hại thanh lý đối với từng vi phạm và được đảm bảo bởi một bảo lãnh thông quan. Cho đến khi mọi nghĩa vụ trên lô hàng được thực hiện đầy đủ trong khoảng thời gian cho phép, thì lô hàng mới được chính thức thông quan. Nếu nhà XNK vi phạm các điều kiện của bảo lãnh, bên bảo lãnh – là một công ty bảo hiểm phi nhân thọ được Bộ Tài Chính cấp phép kinh doanh bảo lãnh, sẽ đứng ra thanh toán cho cơ quan Hải quan các khoản thuế, phí và các khoản phạt vi phạm tối đa bằng số tiền bảo lãnh nêu trên cam kết bảo lãnh. Bên bảo lãnh sau đó sẽ tiến hành truy đòi lại từ doanh nghiệp nhập khẩu vi phạm. Cần nhận thức rằng, dù công ty bảo hiểm có đứng ra thanh toán các nghĩa vụ thuế quan, thuế và phí và các khoản tiền khác thay cho doanh nghiệp XNK thì doanh nghiệp XNK cũng không bao giờ được giảm nhẹ hay được giải phóng khỏi các nghĩa vụ của mình. Chế tài phạt của bảo lãnh thông quan đủ nặng để tăng tính răn đe, khiến các doanh nghiệp XNK phải nâng cao tính cảnh giác, tăng cường quan tâm hợp lý đối với những nghĩa vụ của mình khi tiến hành hoạt động XNK để tránh rủi ro bị phạt vi phạm dưới bảo lãnh. Dẫn tới kết quả là tạo ra một môi trường thương mại tuân thủ tại Việt Nam trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp. Bảo lãnh Thông quan là “con dao đa năng” giúp cân bằng tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp đi đôi với tăng cường thực thi các chính sách và luật định của Chính Phủ.

Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch/Kiêm Trưởng Ban Hải quan Hiệp hội VLA phát biểu tại Hội thảo

Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch/Kiêm Trưởng Ban Hải quan Hiệp hội VLA phát biểu tại Hội thảo

Vào ngày 19.5.2017, tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 và những năm tiếp theo do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức, GATF đã ký Biên bản Ghi nhớ với Tổng Cục Hải quan để tiến hành triển khai hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Hệ thống Bảo lãnh Thông quan tại Việt Nam.

Từ đó tới nay, GATF và Tổng Cục Hải quan Việt Nam cùng một số Bộ ngành khác đã tiến hành nghiên cứu tính khả thi của Dự án qua nhiều phiên làm việc và cung cấp thông tin. Song song, các hoạt động tham vấn với khu vực tư nhân cũng được tiến hành thường xuyên ở Hà Nội và Hồ Chí Minh. Dự án có sự vào cuộc giám sát và điều phối bởi Văn Phòng Chính phủ.

Đặc biệt, cuối tháng 3.2018, Chính Phủ Việt Nam đã cử 17 cán bộ thuộc Tổng Cục Hải quan và các Bộ ngành khác đi khảo sát thực tế vận hành của Hệ thống Bảo lãnh Thông quan tại Hoa Kỳ. Sau quá trình nghiên cứu, lợi ích của việc triển khai hệ thống này ngày càng được nhận diện sâu sắc dưới góc độ các cơ quan chức năng. Khu vực tư nhân cũng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ và đã tham gia cùng với GATF cung cấp các kiến nghị cần cải cách trong quá trình XNK.

Vào ngày 10.9.2018 tại Hội nghị “Các bước kế tiếp trong Tạo thuận lợi Thương mại tại Việt Nam” – Một hội nghị bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Hà Nội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã phát biểu: “…quá trình cải cách không thể thiếu việc học hỏi, áp dụng các kinh nghiệm quốc tế hay, đã được các quốc gia khác thực hiện thành công và hiệu quả để rút ngắn thời gian cho Việt Nam. Hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại mà các chuyên gia Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu GATF giới thiệu nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết trong WTO và được Bộ Tài chính/Tổng cục hải quan, các Bộ chuyên ngành tiến hành nghiên cứu khả thi trong hơn 1 năm qua cũng đã được Hội đồng tư vấn và Ban IV của Hội đồng hết sức ủng hộ, hỗ trợ và đồng hành.… Sau đây, Hội đồng tư vấn sẽ nghiêm túc nghiên cứu và cũng trên cơ sở đó, xin đề nghị sự vào cuộc, chung tay, ủng hộ cả về trí lực và vật lực, nguồn lực tài chính từ quý vị nhằm giúp Việt Nam sớm có những đột phá.”

Ngày 26.9.2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 1254/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một của quốc gia, Một cửa ASEAN, Ci cách công tác kiểm tra chuyên ngành và Tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020.

Trong thời gian tới, Tổng Cục Hải quan Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ ngành tiến hành lựa chọn mặt hàng, doanh nghiệp, cảng, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tham gia làm bên bảo lãnh… để tiến hành thí điểm Bảo lãnh thông quan trong một năm. Dự kiến Đề án thí điểm chi tiết được trình trong kỳ họp Quốc Hội vào tháng 05.2019.

Bảo lãnh thông quan có 02 hình thức: Bảo lãnh giao dịch một lần là bảo lãnh được dùng để đảm bảo các nghĩa vụ trên một giao dịch nhập khẩu cụ thể duy nhất. Bảo lãnh liên tục là bảo lãnh đảm bảo cho toàn bộ các lô hàng của doanh nghiệp phát sinh trong một giai đoạn nhất định thường là một năm. Đối với những doanh nghiệp có hoạt động XNK thường xuyên thì bảo lãnh liên tục là lựa chọn tối ưu.

Tại Hoa Kỳ, mọi lô hàng nhập khẩu vì mục đích thương mại có trị giá từ 2,500USD trở lên đều bắt buộc phải đệ trình một bảo lãnh thông quan cho cơ quan hải quan. Số lượng công ty bảo hiểm phát hành bảo lãnh từ chỉ 6 công ty trong thời gian đầu phát triển, tới nay đã có hơn 500 công ty bảo hiểm tham gia vào hoạt động bảo lãnh này.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Dự án triển khai Hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO