Xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn hứa hẹn nhiều lạc quan. Ảnh: Tuấn Hường
Tập trung vào gạo phẩm cấp cao
Theo các thương nhân, kỳ vọng kim ngạch cao phụ thuộc vào chất lượng và chủng loại cao cấp được xuất khẩu đi.
"Doanh nghiệp tôi xuất khẩu gạo thơm với giá trên 500 - 700 USD/tấn, trị giá mang về rất lớn. Như vậy, điều quan trọng không nằm ở số lượng xuất khẩu, mà nằm ở chất lượng và giá gạo" - doanh nhân Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ với PV Lao Động.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Phước Thành IV cũng cho biết: Gần đây, doanh nghiệp đã chuyển sang xuất khẩu các loại gạo thơm và gạo chất lượng cao. So với các loại gạo trắng thông thường trước đây, giá gạo thơm cao hơn và có thị trường ổn định, không bị cạnh tranh nhiều.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho thấy, gạo Việt Nam đã tập trung vào vấn đề chất lượng và cho kết quả rất khả quan. Cụ thể, trong 2 ngày qua, dù giá gạo xuất khẩu đã giảm khoảng 5 USD/tấn, chào bán trên thế giới với giá 478 USD/tấn (gạo 5% tấm), nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cao nhất thế giới. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng đã giảm nhiều trong các chu kỳ điều chỉnh trước, hiện bán ra ở mức 439 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam tới 39 USD/tấn; gạo 5% tấm của Pakistan ngày 17.6 bán bán ra ở mức 428 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam 50 USD/tấn; gạo Ấn Độ có giá thấp nhất: 388 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam 90 USD/tấn.
Theo Bộ Công Thương, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Do đó, nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...
Việt Nam được dự báo xếp thứ 3 về sản lượng xuất khẩu gạo năm 2022
Việt Nam tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao. Ảnh: Giang Nguyễn
Mới đây, báo cáo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về tình hình lúa gạo toàn cầu 2022 đã dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 sẽ đạt mức kỷ lục 505,4 triệu tấn (gạo xay xát), tăng 1,9 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021. USDA dự báo, các nước chiếm phần lớn sự gia tăng sản lượng gạo gồm Bangladesh, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Hàn Quốc, Paraguay, Đài Loan, Thái Lan.
Ở chiều ngược lại, các nước Colombia, Ecuador, Ấn Độ, Iraq, Madagascar, Philippines, Sri Lanka, Mỹ và Việt Nam dự báo sẽ đạt sản lượng thấp hơn trong niên vụ này.
USDA cũng dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2022 đạt 46,4 triệu tấn (xay xát), tăng nhẹ 0,1 triệu tấn so với năm 2021, nhưng thấp hơn so với mức kỷ lục 48,4 triệu tấn trong năm 2017.
Các nước xuất khẩu gạo dự kiến sẽ tăng là Australia, Myanmar, Campuchia, EU, Paraguay, Thái Lan và Uruguay.
Ngược lại, xuất khẩu năm 2022 tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam được dự báo sẽ giảm, trong đó Việt Nam sẽ đứng vị trí thứ 3 trong xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2022 với lượng xuất khẩu 6,3 triệu tấn (sau Ấn Độ và Thái Lan).