Đừng để quản lý chuyên ngành trở thành rào cản

05/10/2016 09:43

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Quản lý chuyên ngành là cần thiết nhưng đừng để tạo ra rào cản với doanh nghiệp.

(Vietnam Logistics Review) Quản lý chuyên ngành là cần thiết nhưng đừng để tạo ra rào cản với doanh nghiệp.

Giảm bậc do quản lý chuyên ngành

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam liên tục giảm bậc trong 2 năm gần đây. Nguyên nhân là bất cập trong quản lý chuyên ngành. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định điều này tại hội thảo tham vấn Định hướng sửa đổi, bổ sung một số Luật về quản lý chuyên ngành.

Quang cảnh hội thảo tham vấn

Một dẫn chứng được đưa ra là hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành rất nhiều (riêng Bộ Tài chính là trên 340 văn bản); thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu là 147 giờ và nhập khẩu là 177 giờ; tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành thông quan chiếm hơn 30%. Những điều này gây nhiều khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Tại cuộc đối thoại giữa Bộ Công thương với doanh nghiệp tại TPHCM, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TPHCM chỉ ra điểm “vướng” liên quan đến quản lý chuyên ngành in ấn vải. Cụ thể, để nhập một máy in hoa văn, chủ DN phải tốt nghiệp cao đẳng ngành in hoặc phải trải qua lớp đào tạo ngắn hạn do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức và có chứng nhận. Bên cạnh đó, việc đồng chứng nhận đối với bông và lông vũ chưa được áp dụng…

Đại diện Hiệp hội kinh doanh khí hóa lỏng khu vực miền Trung băn khoăn về Nghị định 19 kinh doanh khí hóa lỏng. Hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng đã ngưng cấp phép hoạt động kinh doanh bán lẻ gas do đang chờ hướng dẫn trong đó có quy định về kỹ thuật sang chiết, máy móc, diện tích kho…Một số doanh nghiệp thắc mắc về các điều kiện để nhập khẩu hóa chất rất ngặt nghèo. Số lượng trung tâm phân tích tại Việt Nam quá ít và không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Gỡ khó cần đi vào thực chất

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nếu chỉ sửa đổi ở mức nghị định và thông tư thì chưa đủ mà cần phải sửa đổi Luật.

Hiện nay, Bộ kế hoạch và đầu tư đang trình sửa nhiều luật, trong đó có 4 Luật liên quan đến quản lý kiểm tra chuyên ngành. Đó là Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật an toàn thực phẩm. Mục tiêu nhằm thay đổi căn bản phương thức quản lý kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro, chuyển sang hậu kiểm; tối thiểu hóa danh mục hàng hóa phải kiểm tra tại thời điểm thông quan; minh bạch về chế độ quản lý và chi phí; điện tử hóa thủ tục thông quan…

Bộ Công thương cho biết, từ năm 2015 đến nay, bộ này đã bãi bỏ 36 thủ tục, đơn giản hóa 90 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, kinh doanh, năng lượng, an toàn thực phẩm, điện lực, hoạt động mua bán qua sở giao dịch hàng hóa…

Tuy nhiên theo Bộ Công thương, cải cách thủ tục hành chính không có nghĩa là bỏ hết. Một số lĩnh vực đặc thù không thể không quản lý chặt. Đơn cử như nhập khẩu hóa chất là loại hình sản phẩm phải được quản lý ngoài biên giới lãnh thổ. Nếu đơn giản hóa trong thủ tục quản lý thì sẽ có nguy cơ thêm nhiều vụ việc như formosa sẽ xảy ra.

Ngoài những yếu tố đặc thù cần phải thắt chặt quản lý, Bộ Công thương cam kết đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính để gỡ rào cản cho DN phát triển.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đừng để quản lý chuyên ngành trở thành rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO