Đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Không thể trì hoãn

17/07/2017 09:20

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đáp ứng được năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn để kết nối các trung tâm kinh tế từ Hà Nội đến TP. HCM qua 20 tỉnh, thành là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

(Vietnam Logistics Review) Hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đáp ứng được năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn để kết nối các trung tâm kinh tế từ Hà Nội đến TP. HCM qua 20 tỉnh, thành là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ngày 22.3.2017, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Sau đó, ngày 4.4.2017, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 178/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Theo đó, đây là dự án quan trọng quốc gia nên cần thực hiện đúng quy định, trình các cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Trước đó, ngày 24.02.2017, Chính phủ có Thông báo số 108/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Đó là một trong các mục tiêu chính và yêu cầu đối với Dự án được nêu rõ trong Thông báo số 108/TB-VPCP. Điều này xuất phát từ thực tế, hạ tầng giao thông, trong đó có hạ tầng đường bộ đang là một trong các “điểm nghẽn” của logistics. Chính vì điều này, những năm 2014 – 2015, trên tuyến quốc lộ 1A từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là một đại công trường. Gọi là “đại dự án” quốc gia bởi diễn ra với chiều dài 1.500km đi qua 22 tỉnh, thành phố (quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Cần Thơ dài khoảng 1.948km, đi qua 20 tỉnh, thành phố. Trừ các đoạn đã mở rộng qua các thành phố, thị xã và các đoạn đường cao tốc song song, tổng chiều dài đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A trong giai đoạn 2013 – 2015 là 1.475km). Để thực hiện dự án, có khoảng 84.000 hộ dân sống hai bên đường bị ảnh hưởng, trong đó có gần 5.300 hộ phải tái định cư tập trung. Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện các dự án khoảng 50.035 tỷ đồng, trong đó: các dự án mở rộng quốc lộ 1A là 43.404 tỷ đồng; các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 6.631 tỷ đồng.

Cuối năm 2015, toàn dự án mở rộng quốc lộ 1A được hoàn thành, sớm hơn 12 tháng so với thời gian mà Quốc hội giao. Đáng tiếc, quốc lộ 1A được mở rộng đảm bảo cho 4 làn xe lưu thông khang trang, thuận tiện chỉ trong thời gian ngắn đã xuất hiện đủ thứ nhếch nhác: nhiều đoạn bị phá dỡ, người tham gia giao thông vác xe qua dải phân cách, đi như trên đường làng,… Đấy là chưa nói đến nhiều tiêu cực đã và đang được phát hiện trong quá trình thực hiện dự án làm giảm hiệu quả đầu tư. Nguyên nhân do “lịch sử để lại”, quốc lộ 1A chạy qua các thành phố (dù đã được làm đường tránh), các thị xã, thị trấn, thị tứ và khu dân cư với một “nền kinh tế vỉa hè” phong tỏa toàn tuyến.

Mặc dù hiện nay, ngoài hệ thống quốc lộ 1A, chúng ta có đường Hồ Chí Minh trải dài đất nước, tuy nhiên năng lực chưa được phát huy, “gánh nặng” vẫn dồn lên quốc lộ 1A. Trong khi đường sắt Bắc – Nam ngày càng lạc hậu, thì việc đầu tư cho đường bộ cao tốc Bắc – Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.

Khẩn trương hơn bao giờ hết

Về phương án đầu tư, tại Thông báo số 178/TB-VPCP Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện giải phóng mặt bằng toàn tuyến các đoạn sẽ được tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 và sau năm 2020 theo quy mô quy hoạch đã được phê duyệt; Đồng ý phương án Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện các dự án (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng); giao Bộ GTVT lập lại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ. Đối với việc huy động từ các nguồn vốn khác thì thực hiện đa dạng các phương án huy động vốn, bao gồm nguồn vay từ các ngân hàng thương mại trong nước, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), bảo lãnh Chính phủ, phát hành trái phiếu công trình... Thủ tướng cũng đồng ý chỉ định thầu tư vấn lập dự án và tư vấn thiết kế theo quy định; Bộ GTVT tổng hợp vào cơ chế, chính sách đầu tư chung để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội. Việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu cạnh tranh, trên cơ sở thiết kế kỹ thuật được duyệt.

Tại Thông báo số 108/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt yêu cầu đối với dự án là hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế, xã hội từ Hà Nội đến TP. HCM qua 20 tỉnh, thành phố; kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển nhằm phát triển kinh tế - xã hội những khu vực có đường cao tốc chạy qua nói riêng và cả đất nước nói chung; giảm thiểu áp lực và khai thác có hiệu quả hơn tuyến quốc lộ 1A.

Mới đây, Bộ GTVT đã nghiên cứu đầu tư xây dựng trước gần 600km trong giai đoạn đến 2022 và thông toàn tuyến đến năm 2025. Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI cho biết, Bộ GTVT từng đặt mục tiêu đến năm 2022 hoàn thành đầu tư xây dựng 1.372km cao tốc Bắc Nam. Khi đó, Bộ đã kiến nghị Chính phủ dành một gói ngân sách khoảng 70.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các dự án theo hình thức PPP.

Tuy nhiên, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ GTVT có thể chỉ được phân bổ khoảng 70.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đến năm 2020 cho tất cả dự án, bao gồm cả các đoạn cao tốc Bắc - Nam. Nếu dành toàn bộ nguồn tiền này để đầu tư cao tốc thì những dự án giao thông khác sẽ phải dừng lại, do không có tiền triển khai. Vì vậy, đơn vị tư vấn đã điều chỉnh kế hoạch, từ 1.372km xuống còn 573km cao tốc đến năm 2022, với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.400 tỷ đồng. Theo ông Sơn, 575km cao tốc sẽ được xây dựng là đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) - Vinh (Nghệ An) và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai) với quy mô bốn làn xe cao tốc. Riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn được đầu tư theo hình thức BT.

Khó khăn về vốn là có, nhưng rõ ràng dự án đã đến lúc không thể thì hoãn.

Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước, dự báo đến năm 2020, nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc – Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống kết cấu giao thông hiện tại khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (điểm cuối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Điểm cuối dự án tại nút giao Dầu Giây (điểm cuối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây), thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Dự án có chiều dài khoảng 1.372km, đi qua 16 tỉnh, thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai. Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư toàn dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng. Giai đoạn 1 (2017 - 2025) khoảng 243.312 tỷ đồng và giai đoạn 2 (sau năm 2025) khoảng 69.123 tỷ đồng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Không thể trì hoãn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO