Đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ thay đổi tư duy về không gian kinh tế

Anh Tuấn (tổng hợp)|06/12/2022 12:43

Mới đây, Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với báo Tuổi Trẻ đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy Dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Dự án giao thông trọng điểm phía Nam

Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 76,34 km (TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km). Điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Công trình được thiết kế kết nối những tuyến giao thông xuyên tâm nhiều cao tốc và đóng vai trò và giải tỏa luồng xe quá cảnh từ các tỉnh mà không cần đi qua khu trung tâm đông dân cư, tiết kiệm thời gian hành trình và chi phí vận tải.
Ngoài ra, công trình này còn được quy hoạch với vai trò lớn hơn là kết nối các khu đô thị là thành phố đối trọng như Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhơn Trạch, Biên Hòa, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Tây Ninh; đồng thời, mở ra hướng mới về phát triển đô thị cho đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai); khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi, TP.HCM); khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An)...

ha-vanh-dai-3-bao-chinh-phu-06122022.png
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. - Ảnh: VGP

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo Điện tử Chính phủ cho biết, dự án đường Vành đai 3 TPHCM có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển của TPHCM và vùng Đông Nam Bộ. Đây cũng là dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, làm việc với các cơ quan, địa phương liên quan về nội dung này để chuẩn bị trình Quốc hội. Trên cơ sở tờ trình của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường này. Đáng chú ý, tại Nghị quyết này, Quốc hội đã cho phép việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt cả về nguồn vốn đầu tư và tổ chức thực hiện.
Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM, với quyết tâm cao nhất để khởi công dự án bắt đầu từ 30/6/2023. Cũng tại Nghị quyết này, cùng với các cơ chế đặc biệt mà Quốc hội đã thông qua, Chính phủ đã cho phép áp dụng một số cơ chế khác thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ.
Mới đây nhất, ngày 27/11 vừa qua, trong chuyến công tác tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó có có dự án đường Vành đai 3. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần bố trí đủ vốn cho TPHCM triển khai theo Nghị quyết của Chính phủ, không chần chừ; đồng thời giải quyết vấn đề vướng mắc
TPHCM đề xuất để dứt khoát hoàn thành bảo đảm tiến độ, nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành tạo vành đai khép kín qua TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai.

Thay đổi căn bản tư duy về không gian kinh tế

Còn theo ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho hay, việc phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, một trong những điểm nghẽn là kết nối. Trong quy hoạch tổng thể vùng TPHCM đã đặt ra mục tiêu tham vọng, cùng với tuyến đường vành đai 3, vành đai 4, sẽ tập trung vào số lượng đô thị có quy mô rất lớn. Ví dụ, Đồng Nai có 3 đô thị loại 3, 1 đô thị loại 1, 1 đô thị loại 2; Bình Dương có 1 đô thị loại 1, 2 đô thị loại 2, 1 đô thị loại 3… Sự phát triển của đô thị vành đai này sẽ thúc đẩy các đô thị hiện hữu và hình thành các trung tâm đô thị lớn. Xu thế đã được dự báo và hiện nay đã trở thành thực tế. Ví dụ, Bình Dương là thực tế rất rõ ràng, các đô thị của Bình Dương đang phát triển rất mạnh mẽ. Điều này là sự hội tụ của nhiều yếu tố, nhưng sự hình thành các tuyến đường vành đai này cũng như các tuyến đường xuyên tâm là yếu tố thúc đẩy các đô thị phát triển.
Sự hình thành và phát triển của các tuyến đường vành đai này giúp chúng ta thay đổi căn bản tư duy về không gian kinh tế. Trước đây nếu không có sự hình thành các tuyến đường vành đai thì các đô thị trong vùng hướng về TPHCM, nhưng khi hướng về rồi sẽ nảy sinh các vấn đề như ùn tắc của các đô thị lớn, giao thông đường bộ, hàng không… đều khó khăn. Để các đô thị Đông Nam Bộ như Bình Dương, Bình Phước ra được phía biển, hay ở Đồng bằng sông Cửu Long lên được cảng Cái Mép không phải là dễ dàng. Nhưng nếu có đường vành đai 3 thì không gian kinh tế không chỉ dừng lại trọng tâm ở TPHCM mà chúng ta mở rộng ra. Ở chiều ngược lại, đối với TPHCM cũng có những cơ hội rất lớn là có thể tái cơ cấu lại được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nếu cách đây 15-20 năm, TPHCM thu hút các hoạt động sản xuất công nghiệp và thâm hụt lao động vào Thành phố, thì bây giờ ưu tiên các hoạt động công nghệ cao. Sự tồn tại và thuận lợi của không gian giao thông này sẽ là điều kiện để tái cơ cấu lại những hoạt động công nghiệp trước đây vào TPHCM như thâm hụt lao động sẽ chuyển sang các vùng khác để dành không gian mới cho TP.HCM và ngược lại.
Ông cho rằng, sự phát triển của hệ thống không gian này rất cần thiết. Tuy nhiên, cần thiết phải có sự hoạch định từ sớm, từ xa, cơ bản nhất là phải hoàn thành các hệ thống quy hoạch. Như chúng ta đã biết, phát triển cơ bản, đồng bộ các quy hoạch từ quy hoạch tỉnh, vùng cho đến các quy hoạch đô thị, nông thôn. Chúng ta cần phải tính toán đầy đủ, ví dụ có giai đoạn chú trọng làm công nghiệp, xây dựng rất nhiều các dự án, các khu công nghiệp mà bỏ quên ai sẽ là người sản xuất, dẫn đến người công nhân không được chú trọng. Đến khi COVID-19 xảy ra thì bộc lộ rất rõ, các dịch vụ dành cho công nhân thiếu, nơi ở cho công nhân thiếu.
Tương tự như vậy, đô thị chúng ta xây dựng nhiều, nhưng hạ tầng kỹ thuật, xã hội liên quan không đầy đủ. Việc quy hoạch rất quan trọng, cần thiết và quan trọng hơn, phải tính toán đầy đủ, có tầm nhìn tổng thể dài hạn nhưng khi thực hiện phải phân tầng phù hợp với nguồn lực. Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh tổ chức triển khai trực tiếp thì các địa phương cần quan tâm, đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch trong lĩnh vực xây dựng và công nghiệp để làm cơ sở nền tảng tổ chức phát triển các không gian kinh tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ thay đổi tư duy về không gian kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO