Phát triển hạ tầng và luật hoá bất động sản logistics Việt Nam (Phần 2)

GS. TS. Đặng Đình Đào - TS. Nguyễn Phương Lan|30/11/2022 09:50

Việc luật hóa bất động sản logistics và thị trường bất động sản logistics, đưa các vấn đề này vào Luật đất đai sửa đổi lần này lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết và là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Sự cần thiết của việc luật hoá bất động sản logistics

Việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics cần hướng vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics cả phần cứng và phần mềm (các khu công nghiệp logistics, KCN logistics công nghệ cao, trung tâm logistics, cụm logistics...) đồng bộ, hiện đại, đồng thời, xây dựng thị trường bất động sản (BĐS) logistics Việt Nam để thu hút đầu tư logistics trong và ngoài nước; Ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức để khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng logistics hiện có nhằm giảm chi phí logistics ở Việt Nam; Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các KCN logistics, KCN logistics công nghệ cao, trung tâm logistics, hệ thống kho hàng theo tiêu hướng hiện đại để kết nối các phương thức vận tải, hiện thực hóa liên kết kinh tế, thúc đẩy sản xuất và gia tăng giá trị cho các sản phẩm của các địa phương và doanh nghiệp; Đẩy nhanh việc xây dựng các BĐS logistics – KCN logistics, trung tâm logistics nhằm góp phần giảm áp lực quá tải lên đường bộ, đường không, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt là để giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay; Xây dựng các KCN logistics, KCN logistics công nghệ cao, trung tâm logistics, hệ thống kho hàng đồng bộ, hiện đại là cơ sở cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xây dựng giao thông và thương mại văn minh, “thông minh”, hiện thực hóa kinh tế số trong logistics: Đừng để Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc ven biển đang được xây dựng và các tuyến đường cao tốc khác lại đi vào “vết xe” như trong xây dựng và phát triển các khu đô thị ở các thành phố hiện nay thiếu khu vui chơi, trường học, phát triển KCN mà thiếu công nghiệp hậu cần, cả tuyến đường Hồ Chí Minh không quy hoạch, xây dựng lấy một điểm hậu cần (logistics), điểm dừng nghỉ dẫn đến sử dụng kém hiệu quả, trong khi đường quốc lộ 1A lại quá tải... hay hệ thống “cơm tù”, “điểm dừng nghỉ” cưỡng bức trên các quốc lộ hoặc người dân tự phá hàng rào bảo vệ trên tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai để “đón xe” vận chuyển hàng hóa, hành khách, gây tai nạn giao thông, đường xuống cấp nhanh, diện mạo hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng “hoành tráng” nhưng chỉ sau một thời gian trở nên lộn xộn, mất mỹ quan trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và nếu được đầu tư mở rộng, Nhà nước lại phải tiếp tục giải tỏa, đền bù...! (Đặng Đình Đào 2018, 2021)

160-giao-thong-thuy-bo-dotuanhung-compressed.jpg

Việc luật hóa BĐS logistics và thị trường BĐS logistics, trên cơ sở đó hình thành các chính sách phát triển kịp thời, phù hợp mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho cả nền kinh tế và các doanh nghiệp, cụ thể, trên góc độ nền kinh tế quốc dân:

»  Việc phát triển các BĐS logistics và thị trường BĐS logistics là tiền đề để Việt Nam thu hút được các nhà đầu tư logistics, các tập đoàn logistics nước ngoài vào đầu tư kinh doanh logistics nhằm góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, xuất nhập khẩu; đặc biệt là gia tăng giá trị cho hàng hóa, nông sản phẩm của Việt Nam và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và của các địa phương. 

»  Thông qua hoạt động của các khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics, hệ thống kho tàng mà các vùng kinh tế và các địa phương hiện thực hóa liên kết kinh tế một cách hiệu quả và đi vào thực chất, xóa bỏ kiểu liên kết kinh tế hành chính và hình thức như hiện nay...

»  Nhà nước Trung ương và địa phương có điều kiện để quản lý tập trung, thống nhất các nguồn thu cho ngân sách từ các hoạt động logistics trên thị trường, nguồn thu của các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước bao gồm cả nguồn thu từ các giao dịch BĐS logistics không chính thức trên thị trường hiện nay. 

»  Việc luật hóa BĐS logistics (khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics) và thị trường BĐS logistics, một mặt vừa cho phép thu hút các nhà đầu tư logistics trong và ngoài nước, mặt khác, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ở các địa phương và thành phố, tăng thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

»  Phát triển các BĐS logistics góp phần quan trọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng... nhờ hạn chế xung đột giao thông, hạn chế các phương tiện chạy xuyên qua các thành phố, các phương tiện giao thông, kho bãi nhỏ lẻ và các cảng cạn được tập trung vào các khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics. Chính điều này làm giảm ô nhiễm môi trường cho các thành phố, địa phương từ khói bụi của các phương tiện và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics nằm rải rác khắp thành phố, địa bàn như hiện nay.

» Việc luật hóa BĐS logistics và thị trường BĐS logistics chính là để đẩy nhanh việc xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hòan ở Việt Nam, góp phần xây dựng hệ thống giao thông, thương mại hiện đại, thông minh nhờ thu hút, tập trung các hoạt động logistics, các doanh nghiệp logistics phân tán ở các đô thị, địa phương vào kinh doanh tại các khu công nghiệp logistics và trung tâm logistics được quy hoạch và xây dựng bài bản, hiện đại với tầm nhìn dài hạn.

234-hoang-hon-tren-ben-cang-hoa-compressed-1-.jpg

Đối với doanh nghiệp: - Việc luật hóa BĐS logistics và có các chính sách phát triển phù hợp chính là tạo môi trường kinh doanh logistics tập trung thuận lợi cho các hoạt động logistics của chính các doanh nghiệp logistics hiện nay đang nằm len lõi trong các ngõ ngách ở các địa phương, thành phố mà các địa phương rất khó quản lý.

» Doanh nghiệp logistics trong nước có cơ hội để mở rộng đầu tư kinh doanh và mở rộng thị trường trong lĩnh vực logistics, liên khết chặt chẽ hơn với các nhà sản xuất, nhờ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, đóng góp nhiều hơn cho nguồn thu của ngân sách nhà nước tại các địa phương và thành phố.

» Giúp các doanh nghiệp logistics Việt Nam học tập được kinh nghiệm điều hành, kinh nghiệm quản lý, tiếp thu các công nghệ hiện đại về bảo quản, đông lạnh sâu hàng hóa, công nghệ giao nhận hàng hóa và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến... từ các tập đoàn logistics nước ngoài vào đầu tư kinh doanh trong các khu công nghiệp logistics và trung tâm logistics vì hiện nay họ mới chỉ dừng lại mở các chi nhánh và văn phòng đại diện ở Việt Nam là chính.

»  Với việc tập trung kinh doanh logistics vào các khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics “làng logistics”, các doanh nghiệp logistics Việt Nam có điều kiện kết nối làm ăn với các doanh nghiệp logistics nước ngoài, nhờ vậy có thể vươn ra thị trường ngoài nước, phấn đấu vươn lên thành các doanh nghiệp logistics đầu đàn, có như vậy mới có thể chiếm lĩnh được thị trường logistics Việt Nam, vì đáng tiếc hiện nay, doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn chủ yếu làm thuê từng công đoạn cho các tập đoàn logistics nước ngoài (qua các văn phòng, chi nhánh, doanh nghiệp FDI), cũng như hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có tới 90% đi bằng đường biển nhưng doanh nghiệp logistics Việt Nam mới chỉ đảm nhận có 10 – 12% trong số đó mà thôi!

» Doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước có sân chơi thống nhất “làng logistics” hiện đại, vận hành theo đúng quy tắc thị trường, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics thiết lập các mối quan hệ kinh tế bền
vững trong cung ứng hàng hóa dịch vụ, cạnh tranh vươn lên, hiện thực hóa liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp logistics và giữa các doanh nghiệp logistics với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong vùng...

»  Giúp các doanh nghiệp logistics trong nước đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực logistics và đào tạo nghề logistics chất lượng cao, nguồn nhân lực số trong logistics, nhờ có sự liên kết chặt chẽ ba bên, giữa doanh nghiệp logistics với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các KCN logistics, trung tâm logistics trong vùng, góp phần hiện thực hóa Quyết định 200-TTg và Quyết định 221-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, trong đó có các nhiệm vụ rất quan trọng về đào tạo nguồn nhân lực logistics.

174-cang-tien-sa-ben-do-binh-yen-dungphoto-gmail-compressed-1-.jpg

Như vậy, việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng logistics, trước hết là các khu công nghiệp logistics, khu công nghiệp logistics công nghệ cao, cụm logistics và trung tâm logistics và luật hóa các bất động sản logistics là rất cần thiết và cấp bách hiện nay. Việc luật hóa BĐS logistics và đưa vào Luật Đất đai sửa đổi lần này lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết, là tiền đề cho sự phát triển ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ chế và chính sách phát triển các BĐS logistics và thị trường BĐS logistics kịp thời, phù hợp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Bài liên quan
  • Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng khó khăn pháp lý  được tháo gỡ
    Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp”.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hạ tầng và luật hoá bất động sản logistics Việt Nam (Phần 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO