FDI thực trạng & suy nghĩ

16/02/2017 08:30

(VLR) Nhìn lại 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam (VN) đã đạt được những thành công đáng kể. VN là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định trong một thời gian dài. Quy mô nền kinh tế tăng đều, quá trình hội nhập kinh tế diễn ra mạnh mẽ, đời sống người dân được nâng cao. Đạt được những thành công này có phần đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và khu vực FDI tại VN. Nhưng vấn đề quản lý và sử dụng nguồn vốn FDI vẫn tồn tại nhiều suy nghĩ.

FDI không những góp phần khơi dậy đầu tư trong nước mà còn giúp kinh tế VN hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh tích lũy không đáp ứng nhu cầu về đầu tư, nguồn vốn FDI đã thực sự là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, nó còn góp phần đáng kể vào thu ngân sách và các cân đối vĩ mô; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp; tạo việc làm, tăng năng suất lao động; đổi mới và chuyển giao công nghệ ở VN.

Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài

Năm 2005 đánh dấu sự hồi phục trở lại của dòng vốn FDI của EU vào VN với mức vốn đạt 1,7 tỷ USD. Năm 2008, mặc dù đầu tư từ châu Âu bắt đầu sụt giảm do suy thoái kinh tế, song FDI đăng kí sang VN vẫn tăng 2,6 tỷ USD trước khi sụt giảm mạnh năm 2009 và tăng nhanh trở lại trong năm 2010 cũng là năm cao nhất từ trước đến nay (2,6 tỷ USD). Từ năm 2011 trở lại đây, dòng vốn FDI từ EU có xu hướng giảm nhẹ do kinh tế thế giới vẫn còn chưa phục hồi.

Trong các ngành đầu tư, chủ yếu là công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 91,3%, sau đó là đến bán buôn bán lẻ, sửa chữa chiếm 4,6%, sản xuất phân phối điện nước là 1,6% và lĩnh vực khác là 2,5%.

Trong các nhà đầu tư nước ngoài thì Quần đảo Virgin Anh Quốc là đầu tư lớn nhất vào VN.

Trong năm 2015, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 1.012 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 16,4 tỷ USD, chiếm 68% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đứng thứ 2 với 10 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 2,79 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 13 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,39 tỷ USD, chiếm 9,9% tổng vốn đăng ký.

Không kể dầu khí ngoài khơi, trong 12 tháng năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, dẫn đầu về đầu tư nước ngoài là TP. Hồ Chí Minh với 4,1 tỷ USD vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm, chiếm 17% tổng vốn đầu tư của cả nước. Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký mới và vốn tăng
thêm là 3,66 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư của cả nước. Bình Dương đứng thứ 3 với 3,12 tỷ USD vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm. Tiếp theo là các tỉnh/thành phố như Trà Vinh, Đồng Nai, Hà Nội với quy mô vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm lần lượt là 2,5 tỷ USD; 1,8 tỷ USD và 1 tỷ USD.

Tuy nhiên trong năm 2015, số lượng các dự án quy mô lớn chiếm tỷ lệ nhỏ. Cả năm 2015 cả nước thu hút được 4 dự án có quy mô vốn trên 1 tỷ USD, 32 dự án trên 100 triệu USD, 74 dự án trên 50 triệu USD, 363 dự án trên 10 triệu USD. Còn lại là các dự án dưới 10 triệu USD (chiếm 88% tổng dự án cấp mới năm 2015). Quy mô vốn trung bình của dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2015 khoảng 7,9 triệu USD, thấp hơn so với quy mô vốn bình quân dự án đầu tư nước ngoài nói chung 14 triệu USD.

Vốn thực hiện của khu vực FDI tại VN trong năm 2015 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2014 và tăng thêm 11,5% so với kế hoạch năm 2015. Năm 2015, mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vốn giải ngân của khu vực FDI vẫn tăng và vượt kế hoạch đặt ra. Giải ngân dự án FDI đạt được những kết quả trên là do công tác hỗ trợ, thúc đẩy giải ngân các dự án đã được chú trọng hơn. Đồng thời công tác đối ngoại chính sách với các nhà đầu tư đang hoạt động tại VN nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư được đẩy mạnh, phần nào giúp các nhà đầu tư triển khai hoạt động có hiệu quả hơn.

Nhìn chung, 6 năm từ 2010 đến 2015 vốn FDI vào VN tăng. Vốn đăng ký tăng 2.897 tỷ USD và vốn giải ngân tăng 3.5 tỷ USD, cho thấy được VN có được nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài khá lớn và có xu thế ngày càng phát triển.

Thành tựu và những tồn tại

Kết quả số liệu mà chúng ta nhận thấy ở trên có thể coi đó là thành công trong kỳ đổi mới. Đây cũng là lượng vốn quan trọng góp phần phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới.

Thu hút được vốn đầu tư gián tiếp làm cho thị trường vốn của chúng ta ngày càng phát triển sâu và rộng hơn, minh bạch hơn trong điều hành quản lý hoạt động.

Tăng cường tính thanh khoản của thị trường vốn nước ta. Vốn FDI từ nước ngoài đổ vào thông qua mua - bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, do đó thúc đẩy tính thanh khoản. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong thời kỳ đổi mới.

Góp phần cải thiện kỹ năng kinh doanh của khu vực tài chính. Khi mà thị trường vốn chưa phát triển thì trình độ kinh doanh của khu vực tài chính nói chung là yếu kém. Khi tham gia thị trường cao cấp có sự hội nhập bắt buộc phải nâng cao trình độ nếu không muốn bị đào thải, bị phá sản. Đây là một trong những vấn đề quan trọng mà Chính phủ quan tâm.

Do nhu cầu phát triển của thị trường, trình độ nguồn nhân lực cũng được nâng lên. Đây là thành tựu quan trọng mà chúng ta đạt được vì nguồn nhân lực giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế.

Với thực trạng trên và so với tiềm năng đất nước khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định như hiện nay thì con số đầu tư trên là khá khiêm tốn. Mặt khác những con số trên chưa thật sự đầy đủ về đầu tư gián tiếp vì chúng ta chưa quản lý được thị trường OTC. Đây là thị trường đầy tiềm năng mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Với lượng vốn gián tiếp như hiện nay cùng với sự dè dặt của cả Chính phủ và DN chúng ta không thể có tập đoàn lớn, cho riêng mình.

Mặt khác chúng ta vẫn chưa thực sự kiểm soát được nguồn vốn này. Những con số mà chúng ta thống kê được chỉ là con số trên sàn giao dịch. Đây là thị trường tiềm năng mà các nhà đầu tư nước ngoài hay nhắm vào. Hạn chế này đã làm giảm tính minh bạch của thị trường và chính nó đã không thu hút được các tổ chức, quỹ đầu tư lớn. Đồng thời không quản lý được nguồn vốn này khi mà có sự quay ra của nguồn vốn làm thị trường tài chính bị khủng hoảng giống như khủng hoảng 1997.

Hơn nữa đây được coi là thời điểm vàng của đầu tư tại VN. Do vậy, hàng tỷ USD đã được đổ vào VN, xong việc giải ngân còn rất chậm, trong đó một số quỹ hoạt động mang tính thăm dò do phần nhiều các DN cổ phần hóa chưa kiểm toán, định giá tín nhiệm… Tất cả những yếu tố trên làm cho FDI vào VN còn hạn chế.

Một hạn chế khác trong thu hút và quản lý FDI là việc thị trường chứng khoán của chúng ta khá non trẻ, phụ thuộc khá nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài. Khi mà các nhà đầu tư nước ngoài bán ra, các nhà đầu tư trong nước cũng đồng loạt bán ra khiến thị trường mất điểm liên tục. Khi mà thị trường tăng điểm cũng có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài lại cũng quan tâm đến chính sách tỷ giá của đồng VN so với đồng USD. Do đó lại làm cho nền kinh tế của chúng ta lâm vào tình trạng bị động. Điều này làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư nội địa và cả nền kinh tế khi mà tỉ lệ dự trữ của chúng ta là khá nhỏ.

Những giải pháp

Thông tin tài chính - ngân hàng

Cần đổi mới xây dựng hệ thống thu thập và xử lí thông tin tài chính – ngân hàng dựa trên những chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt cần từng bước áp dụng hệ thống kế toán và kiểm toán quốc tế đối với thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng cũng như cần thiết lập cơ quan đánh giá hệ số tín dụng quốc gia độc lập. Điều này sẽ cho phép có được những thông tin kịp thời và chuẩn xác về thực trạng hoạt động của thị trường chứng khoán cũng như của hệ thống ngân hàng, làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách đảm bảo an ninh cho hệ thống. Thêm vào đó cần cải tiến, tăng cường và đa dạng hóa việc cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư nước ngoài về hoạt động của thị trường, về tình hình của các công ty niêm yết…

Quản lý nguồn vốn

Cần đổi mới thiết lập một cơ chế điều tiết và giám sát thận trọng thị trường chứng khoán cũng như hệ thống ngân hàng dựa trên cơ sở chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, cần thiết lập hệ thống điều tiết linh hoạt sự di chuyển của dòng vốn quốc tế ra vào VN đặc biệt là dòng vốn ngắn hạn. Thực tế cho thấy nếu không có hệ thống này, thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng dễ bị tổn thương bởi những tác động tiêu cực của những hiệu ứng nảy sinh từ sự không hoàn hảo của thông tin trên thị trường tài chính.

Đổi mới quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư gián tiếp qua hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán. Mọi sự biến động nhỏ của thị trường và nguồn vốn này đều cần có biện pháp xử lí linh hoạt, phù hợp, tránh để tình trạng nguồn vốn quay ra ồ ạt.

Môi trường kinh tế vĩ mô

Cần đổi mới môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cho việc thu hút vốn FDI. Để thực hiện điều đó, những chính sách điều tiết vĩ mô của ngân hàng Nhà nước cần được sử dụng linh hoạt hơn, đặc biệt là chính sách tỉ giá hối đoái với việc chuyển sang một tỉ giá hối đoái linh hoạt hơn bằng các biện pháp như: nới lỏng biên độ của tỉ giá và tiến tới xóa bỏ chúng, cải cách hoạt động của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng theo hướng giảm độc quyền và mở rộng việc thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh.

Cơ chế, chính sách, pháp luật

Cần phải đổi mới minh bạch thông tin và đồng bộ chính sách. Về mặt pháp luật, luật đầu tư, luật chứng khoán đã có hiệu lực song vẫn chưa thể vận hành, phải chờ thông tư hướng dẫn. Luật này áp dụng trước, Luật kia áp dụng sau. Luật chưa quy định rõ ràng. Ví dụ như hiện nay Luật đầu tư và luật DN đã xóa bỏ tỷ lệ hạn chế cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong DN VN, chỉ trừ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì mới hạn chế tỉ lệ sở hữu. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện này.

Mặt khác, hiện nay sự kết nối giữa nhà đầu tư và cơ hội đầu tư là yếu. Số lượng công ty chứng khoán có khả năng cung cấp thông tin bằng ngôn ngữ nước ngoài là còn hạn chế. Vì vậy cần phải khuyến khích các công ty định mức tín nhiệm có uy tín như Standard, Moody thành lập chi nhánh ở VN. Đồng thời khuyến khích các tổ chức tài chính nước ngoài mua cổ phần ngân hàng, công ty chứng khoán trong nước. Đây chính là biện pháp giúp tăng năng lực của các công ty chứng khoán VN, tiến tới phục vụ tốt cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Hoạt động ngân hàng

Cần đổi mới đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại với việc cho phép thực hiện các biện pháp như cổ phần hóa, sáp nhập và mua lại, tăng vốn; giảm nợ khó đòi, nâng cao trình độ quản lý cũng như trình độ nghiệp vụ, áp dụng công nghệ ngân hàng tiên tiến… Đồng thời cần cải tổ các DNNN nâng cao sức cạnh tranh, lành mạnh hóa tình hình tài chính DN, nâng cao kỹ năng quản lý kinh doanh cũng như phát triển nguồn nhân lực. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN tạo điều kiện thuận lợi để cho các DN này có thể tham gia thị trường chứng khoán nhằm tăng quy mô của thị trường.

Thị trường vốn

Về thị trường vốn, tiếp tục phát triển thị trường vốn thành một kênh huy động dài hạn, an toàn, có hiệu quả cao cho đầu tư phát triển và từng bước hội nhập với thị trường vốn khu vực và thế giới. Đa dạng hóa các loại trái phiếu chính phủ làm chuẩn mực cho các công cụ nợ; khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN huy động vốn dưới hình thức phát hành cổ phần, trái phiếu; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN nhà nước với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm tăng cường khả năng huy động vốn và tạo tiền đề để phát triển thị trường chứng khoán. Hoàn thiện thể chế hoạt động của thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống các định chế tài chính trung gian, mở rộng thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức (qua sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán) và xây dựng thị trường giao dịch chứng khoán phi tập trung.

Tuy đã có những thành tựu đạt được sau ba thập kỷ đổi mới, nhưng công tâm mà nói thì chúng ta vẫn còn rất nhiều hạn chế trong việc thu hút FDI. So với tiềm năng của đất nước khi mà tốc độ tăng trưởng ổn định trong thời gian dài, và là nước ổn định sau Singapore trong khu vực thì những con số trên là còn rất khiêm tốn.

Tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường, thực hiện giám sát và cưỡng chế thực thi thông lệ quốc tế đối với các công ty niêm yết, công ty đại chúng. Từng bước mở rộng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán VN theo cam kết hội nhập; tạo điều kiện cho các DN VN, trước mắt là các DN lớn tham gia vào thị trường quốc tế.

Chính sách hỗ trợ

Đổi mới các chính sách ưu đãi phù hợp cho đầu tư dài hạn hơn đầu tư ngắn hạn như là chính sách lợi tức, chính sách thuế, ưu đãi khác… Hay là khuyến khích đầu tư dài hạn. Đây là vấn đề rất quan trọng để giảm rủi ro khi dòng vốn có xu hướng quay ra.

Đồng thời đưa ra chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực cần có trình độ, nhạy bén với thị trường, với sự thay đổi và phát triển của thị trường vốn trong nước và quốc tế.

Cần phải liên kết, hợp tác với các nước khác trong khu vực để quản lý tốt nguồn vốn đầu tư gián tiếp, có những thông tin về sự thay đổi này.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
FDI thực trạng & suy nghĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO