3 năm qua kể từ khi INCOTERMS 2010 có hiệu lực, môi trường kinh doanh toàn cầu, tậpquán thương mại quốc tế, vận tải, công nghệ thông tin, vấn đề an ninh… đã có nhiều thay đổi. Muốn ra chơi ở bất cứ sân nào cũng đều phải thạo luật nơi đó. Các DN VN tham gia thị trường thế giới thì bắt buộc phải hiểu các quy tắc chung của quốc tế.
Những quy tắc trong thương mại được quốc tế công nhận gọi là Incoterms. Đây là bộ quy tắc chung do Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc tế (ICC) xuất bản từ năm 1936. Tuy nhiên, sau hàng chục năm hoàn thiện, Incoterms 2010 là phiên bản thứ 8 đã có hiệu lực từ ngày 01.1.2011. Cuối tháng 9.2013 vừa qua Hội thảo “FTA & Incoterms 2010: Cơ hội phát triển xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics Việt Nam” do Hiệp hội Dịch vụ Logistics Việt Nam cùng với Tạp chí Vietnam Logistics Review tổ chức, hội thảo đã nêu ra những vướng mắc chung của các DN VN khi sử dụng bộ quy tắc này.
DN VN ĐƯỢC GÌ TỪ INCOTERMS?
Theo Ông Trương Trọng Nghĩa – Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: “Trong thương mại quốc tế, những thuật ngữ và khái niệm thương mại của một ngành kinh tế cần có ý nghĩa và phải được hiểu đồng nhất và đồng bộ với nhau trong giao thương giữa các doanh nhân, DN của những nước khác nhau, để dễ thỏa thuận, thống nhất nhanh và thực hiện thông suốt, từ đó có hiệu quả cao. Đó là lý do ra đời và tồn tại của Incoterms”.
Thực tế, các DN hoạt động trong lĩnh vực XNK ở VN đang ngày càng phát triển, mở rộng hơn về quy mô và tầm vóc. Tuy nhiên, càng phát triển và càng hoạt động sâu trong hoạt động giao thương quốc tế thì càng nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc, tranh chấp trong hoạt động kinh doanh XNK. Việc am hiểu và thực hiện hiệu quả các điều khoản thương mại quốc tế - Incoterms 2010 của ICC sẽ thuận lợi hơn nhiều cho các DN. Trước tiên, khi Incoterms 2010 bắt đầu có hiệu lực thì các DN là đối tác của DN VN sẽ áp dụng bộ quy tắc này. Thứ nữa, bộ quy tắc mới này đã sửa đổi và cập nhật những quy tắc trong thương mại quốc tế và trở thành những kỹ năng cần thiết, không thể thiếu của các nhà xuất, nhập khẩu, người làm thương mại, giao nhận vận tải, bộ phận tín dụng thu hồi nợ trong các ngân hàng, các chuyên gia tài chính, và luật sư...
Incoterms 2010 chỉ được áp dụng khi nó trở thành một điều khoản trong các hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, vì Incoterms 2010 là sự tổng hợp có chọn lọc qua hơn 70 năm từ những chuyên gia hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế soạn thảo. Do đó, hầu hết các hợp đồng thương mại lớn của các quốc gia phát triển đều sẽ áp dụng Incoterms 2010. Đây là bộ quy tắc chuẩn đảm bảo cả quyền lợi của bên nhập khẩu và bên xuất khẩu hay nói cách khác là bên bán và bên mua. Công đoạn đàm phán hợp đồng thương mại của các DN sẽ được đơn giản hóa hơn khi sử dụng Incoterms 2010 là điều khoản trong hợp đồng.
Một quy tắc đầu tiên của Incoterm 2010 là chỉ sử dụng tiếng Anh, Incoterms 2010 quy định trách nhiệm của người mua và người bán trong việc giao hàng theo hợp đồng bán hàng cụ thể và rõ ràng. Incoterms 2010 đã đưa vào áp dụng các thông lệ mới nhất trong thương mại, cập nhật và tổng hợp một số các quy tắc cũ. Hệ thống phân loại mới của Incoterms 2010 phân chia quy tắc của 11 thông lệ thương mại.
Incoterms 2010 cũng chỉ là những quy tắc mang tính chung nhất. Trong các hợp đồng thương mại, đặc biệt thương mại quốc tế, các DN còn phải biết và áp dụng nhiều thông lệ, pháp luật quốc tế khác. Các quy tắc của Incoterms 2010 cũng hướng đến sự phát triển của công nghệ cũng như những vấn đề là xu hướng kinh tế, chính trị, xã hội chung. Incoterms 2010 quy định các nghĩa vụ của người bán và người mua trong việc cung cấp các chứng từ hợp đồng có thể thực hiện bằng bản điện tử nếu các bên đồng ý hoặc đó là tập quán. Nghĩa vụ về bảo hiểm hàng hóa cũng được quy định rõ theo từng bộ quy tắc để đảm bảo quyền lợi của các bên. Đặc biệt quy định về an ninh hàng hóa là nội dung được hầu hết các quốc gia quan tâm và yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt. Do đó, các quy tắc của Incoterms 2010 sẽ phân bổ rõ ràng các chi phí có liên quan đến an ninh hàng hóa.
Cùng với đó các quy định về phí bốc xếp tại ga, trạm hay những quy định về mua bán hàng nguyên liệu với hàng chế tạo cũng là những nội dung sửa đổi chính trong Incoterms 2010. Hiểu và áp dụng Incoterms 2010 trong các hợp đồng thương mại sẽ là những lợi thế của DN. Tuy nhiên, Incoterms 2010 cũng chỉ là những quy tắc mang tính chung nhất.
Trong các hợp đồng thương mại, đặc biệt thương mại quốc tế, các DN còn phải biết và áp dụng nhiều thông lệ, pháp luật quốc tế khác. Do đó, muốn phát triển, mở rộng và tiến lên, ngoài Incoterms 2010, các DN còn phải tìm hiểu và nghiên cứu nhiều luật pháp quốc tế và trong nước khác, đây là khuyến cáo của ông Pavel Andrle, Tổng thư ký Ủy ban Ngân hàng của ICC, một trong những chuyên gia hàng đầu về Incoterms 2010.
VIỆT NAM VỚI FTA
Kỳ vọng của VN khi tham gia đàm phán TPP là tiếp tục mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường các nước đối tác cho các ngành xuất khẩu chủ lực. Tham gia TPP, hàng hóa và dịch vụ của VN sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường các nước đối tác thông qua cắt giảm thuế quan, bãi bỏ các điều kiện hạn chế đối với đầu tư, dịch vụ.
Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, vướng mắc chính của các DN VN không nằm ở việc chứng minh xuất xứ hàng hóa, mà do Việt Nam chưa đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu phù hợp để sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chí xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Do vậy, trong những trường hợp đó, VN phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước, thậm chí từ những nước ngoài khu vực FTA. Tuy nhiên, với việc Hiệp định TPP bao gồm 12 nước thành viên, trong đó có nhiều thành viên là đối tác lớn của VN, có khả năng cung ứng nguyên liệu như Malaysia, Nhật Bản, Mỹ, Mexico..., Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ những đối tác này để áp dụng quy tắc cộng gộp, thỏa mãn quy tắc xuất xứ trong Hiệp định TPP để được hưởng ưu đãi thuế quan, qua đó sẽ kích thích sản xuất, gia tăng khả năng xuất khẩu của hàng hóa VN sang thị trường các nước TPP, đặc biệt là Mỹ.
Khi VN có thể tiếp cận các thị trường lớn với mức thuế suất 0-5% sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lớn và triển vọng cho nhiều ngành hàng, đặc biệt là dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ là các ngành xuất khẩu quan trọng hiện nằm trong nhóm 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Các nhóm hàng này sẽ có cơ hội mở rộng xuất khẩu sang các nước tham gia TPP, đặc biệt là tại Mỹ (thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới) và Nhật Bản (thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 thế giới).
Để đảm bảo hàng hóa có xuất xứ, DN cần nghiên cứu kỹ quy tắc xuất xứ trong Hiệp định TPP (sau khi được ký kết) để chắc chắn hàng hóa đáp ứng quy tắc cộng gộp và các tiêu chí xuất xứ tương ứng trước khi sản xuất, xuất khẩu. Hiện nay, trong một số trường hợp, do không nghiên cứu kỹ quy tắc xuất xứ trước khi triển khai hoạt động sản xuất, xuất khẩu, sản phẩm của một số DN không đáp ứng quy tắc xuất xứ khi nộp đơn đề nghị cấp C/O, dẫn tới việc hàng hóa của những DN này không được hưởng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định FTA khi nhập khẩu vào các nước đối tác.
Việc tham gia các Hiệp định FTA đã kéo theo nhu cầu phát triển dịch vụ logistics trong nước, tuy nhiên theo nhận định của ông Diệp Thanh Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, đối với doanh nghiệp xuất khẩu dệt may – da giày và logistics trong nước thì: “dịch vụ logistics VN còn manh mún, chỉ tập trung một số dịch vụ ngắn hạn, đánh nhanh. Yếu về nội lực, khó đứng vững khi có những biến động.
Việc thúc đẩy giao thương, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng nhằm tối đa hóa lợi ích cho người dân, và xây dựng lợi thế kinh tế cho đất nước, thu hút đầu tư, dài hạn, phát triển bền vững là nhu cầu cần thiết của cơ quan nhà nước trước sự phát triển kinh tế khi tham gia các Hiệp định FTA.