Gắn kết doanh nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo

24/05/2018 08:39

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Để giải quyết được bài toán nguồn nhân lực cho ngành logistics trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa nhà trường - doanh nghiệp - Nhà nước và hiệp hội là một trong những giải pháp quan trọng cần được triển khai.

(Vietnam Logistics Review) Để giải quyết được bài toán nguồn nhân lực cho ngành logistics trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa nhà trường - doanh nghiệp - Nhà nước và hiệp hội là một trong những giải pháp quan trọng cần được triển khai.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện cả nước có khoảng hơn 3.000 DN tham gia cung cấp dịch vụ logistics (70% có trụ sở tại TP. HCM), trong đó 1.300 DN đang hoạt động tích cực bao gồm 89% DN 100% vốn trong nước, còn lại là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2017 - 2020, ngành logistics cần thêm khoảng 20.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn và đến năm 2030, số lượng người lao động mới cần thêm lên tới 200.000 lao động trình độ cao, đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh. Nhưng thực tế lại cho thấy đội ngũ quản lý trong lĩnh vực logistics chủ yếu tích tụ kiến thức từ thực tiễn kinh nghiệm kinh doanh. Phong cách lãnh đạo và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ nhân viên nghiệp vụ phần lớn tốt nghiệp đại học nhưng chủ yếu từ những chuyên ngành ngoài logistics. Lực lượng lao động trực tiếp như bốc vác, xếp dỡ, lái xe, kiểm đếm hàng, kho bãi, đa số có trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ GTVT về thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tháng 12.2014, có đến 80,26% số người hoạt động trong lĩnh vực này học tập thông qua các công việc hàng ngày; 23,6% lực lượng lao động tham gia các khóa học về logistics ở trong nước và 3,9% tham gia các khóa đào tạo quốc tế về logistics. Mặc dù nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn còn hạn chế nhưng chỉ có 6,9% các DN logistics thuê các chuyên gia nước ngoài để phục vụ cho hoạt động của mình. Bên cạnh đó, công tác đào tạo như hiện nay đang khiến ngành logistics rơi vào tình trạng thiếu nhân lực cả về lượng và chất. Để giải quyết được bài toán nguồn nhân lực trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng liên kết đào tạo nhân lực giữa nhà trường - Doanh nghiệp - Nhà nước và Hiệp hội cần đi vào thực chất.

Thực trạng đào tạo ngành logistics tại Việt Nam

Nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó ở bậc đại học, các trường đào tạo chuyên ngành logistics hoặc sát với chuyên ngành logistics phải kể đến là: trường Đại học GTVT TP. HCM, trường Đại học Hàng hải Việt Nam, trường Đại học Ngoại thương, trường Đại học GTVT Hà Nội, trường Đại học RMIT... Ngoài ra, còn một số nhân lực tốt nghiệp từ các ngành đào tạo khác của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Hà Nội, Đại học Kinh tế TP. HCM, trường Cao đẳng Tài chính Hải quan (nay là trường Đại học Tài chính Marketing)... Tuy nhiên, các trường này chủ yếu tập trung vào giao nhận và vận tải biển. Ngoài ra, một số hiệp hội và các nhóm DN tổ chức đào tạo ngắn hạn theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài hay các giảng viên tự do.

Các DN và Hiệp hội phải cùng nhau xây dựng chuẩn nghề nghiệp để các trường căn cứ vào đó xây dựng chuẩn đầu ra.

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) trực thuộc VLA đã hợp tác với Hội đồng Cố vấn Giáo dục của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Quốc tế (FIATA) để đào tạo chương trình FIATA Diploma về “Quản lý giao nhận vận tải quốc tế” với bằng Diploma được công nhận trên toàn thế giới. Viện cũng tham gia trực tiếp trong Tiểu ban Giáo dục và Đào tạo của Hiệp hội Giao nhận các nước ASEAN (AFTA) để xây dựng chương trình đào tạo logistics chung cho các thành viên ASEAN. Viện còn kết hợp với các đối tác mở các khóa đào tạo nghiệp vụ giao nhận, gom hàng đường biển, về đại lý hải quan. Về giao nhận hàng không, IATA thông quan Việt Nam Airlines đã tổ chức được một số lớp học nghiệp vụ và tổ chức thi cấp bằng IATA có giá trị quốc tế.

Bên cạnh thực tế số lượng đơn vị đào tạo nhân lực ngành logistics còn khá ít thì chương trình đào tạo về logistics cũng còn yếu và nhỏ lẻ (khoảng 15 - 20 tiết học trong môn vận tải và bảo hiểm ngoại thương hoặc 30 - 45 tiết học cho môn học logistics), chủ yếu đào tạo nghiên về vận tải biển và giao nhận đường biển. Với thời lượng môn học như vậy, bài giảng chỉ tập trung giới thiệu những công việc trong giao nhận, quy trình và các thao tác thực hiện qua các công đoạn. Chương trình tương đối lạc hậu, giảng dạy theo nghiệp vụ giao nhận truyền thống là chủ yếu. Các kỹ thuật giao nhận hiện đại ít được cập nhật hóa như vận tải đa phương thức, kỹ năng quản trị dây chuyền chuỗi cung ứng, các khái niệm mới như “one stop shopping”, Just in time (JIT-Kanban)… Tính thực tiễn của chương trình giảng dạy không cao, làm cho người học chưa thấy hết vai trò và sự đóng góp của logistics, giao nhận vận tải trong nền kinh tế. Trong khi đó, logistics là một ngành rộng lớn bao gồm nhiều lĩnh vực từ vận tải với tất cả các phương thức, tồn trữ và phân phối đến thương mại quốc tế, rủi ro và bảo hiểm, hải quan, dịch vụ gia tăng giá trị, thương mại điện tử… Vì vậy khi được tuyển dụng vào làm ở DN logistics, sinh viên tỏ ra lúng túng, không hiểu rõ công việc mình sẽ làm.

Về phía DN, do nguồn đào tạo chính quy thiếu hụt nên các công ty sau khi tuyển dụng nhân viên đều phải tự trang bị kiến thức nghề nghiệp bằng các khóa tự mở trong nội bộ công ty cho các nhân viên mới với lực lượng giảng dạy là những cán bộ đang tại chức. Lực lượng này là những người đang kinh doanh nên có nhiều kinh nghiệm thực tế, tuy nhiên khả năng sư phạm và phương pháp truyền đạt chưa đảm bảo. DN phải đào tạo từ vấn đề cơ bản nhất, ví dụ trong lĩnh vực làm chứng từ xuất hàng hóa, phải dạy làm thế nào để nhận đơn hàng, quy trình làm việc với khách hàng ra sao. DN phải tự soạn giáo trình đào tạo để các em nhanh chóng nắm bắt công việc. Tuy nhiên, các em cũng phải mất ít nhất hai tháng để học việc. Và rõ ràng việc đào tạo lại nhân viên khiến các DN tốn không ít thời gian và chi phí.

Sự thiếu hụt này cần được giải quyết nhanh chóng vì hội nhập phát triển thương mại quốc tế là xu hướng tất yếu của Việt Nam và hợp tác đào tạo giữa các trường đại học và DN là lời giải hay nhất cho bài toán khó trong cải thiện chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics hiện nay.

Làm sao để liên kết đào tạo được hiệu qu

Điều cần thiết trước tiên là làm sao trong các chương trình dạy học có thể kết nối được với yêu cầu của DN để sinh viên ra trường không phải đào tạo lại. Nhận thức được điều này, nhiều DN phải chủ động liên kết với các trường trong đào tạo nhân lực. Ngược lại, các trường có đào tạo logistics phải liên kết với DN để chương trình học sát thực tế hơn.

Thực tế, trường nào cũng nghĩ đến phải gắn kết DN trong đào tạo nhưng hiệu quả và chất lượng liên kết của các trường lại rất khác nhau. Có trường mới làm ở bước đưa sinh viên đi tham quan, trường khác thì đưa sinh viên đến thực tập. Thực tập cũng chia ra nhiều loại, có khi thực tập đúng với ngành học và cũng có hình thức thực tập phải theo yêu cầu của DN mà nhiều khi không đúng với ngành học của sinh viên, bởi DN không có sẵn đội ngũ giảng viên để giảng dạy, hướng dẫn các em như ở trường. Và DN cũng cần phải vận hành công việc của họ nên khi có sinh viên đến thực tập, năng suất làm việc của DN sẽ bị ảnh hưởng. Một ví dụ khác, chẳng hạn, Tập đoàn Gemadept mỗi năm cấp học bổng cho Đại học Ngoại thương để họ giữ cho mình một số sinh viên. Còn kết nối giữa hai bên bằng chương trình đào tạo rất khó thực hiện bởi không phải DN đưa ra yêu cầu gì nhà trường cũng chấp nhận. Một trường có thể liên kết với nhiều DN logistics và DN nào cũng đưa ra các yêu cầu khác nhau thì nhà trường khó xây dựng được chương trình học.

Các trường không nên ngồi đợi các DN đến yêu cầu mà cần đi khảo sát, nghiên cứu thị trường gắn kết với DN để có kế hoạch đào tạo tốt hơn.

Để tháo gỡ những khó khăn cho ngành logistics, các trường đại học cao đẳng đào tạo ngành này nên bỏ quan niệm nhà trường xây dựng các chuẩn nghề nghiệp vì việc đó có thể dẫn đến việc sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc. Các DN và các hiệp hội phải cùng nhau xây dựng chuẩn nghề nghiệp để các trường căn cứ vào đó xây dựng chuẩn đầu ra, hay chương trình đào tạo. Đó là việc hết sức quan trọng mà DN cần phải làm. Bên cạnh đó, DN cần có trách nhiệm tiếp nhận sinh viên vào thực tập, thông tin cho trường biết nhu cầu tuyển dụng của mình, trình độ thế nào, cơ cấu tuyển dụng ra sao, khi nào tuyển dụng… DN cần xác định nhu cầu, cơ cấu tuyển dụng trước khoảng 3 - 5 năm để tránh việc nhà trường tự tổ chức đào tạo theo dự báo nhu cầu nhân lực của nhà trường. Đặc biệt, các trường không nên ngồi đợi các DN đến yêu cầu mà cần đi khảo sát, nghiên cứu thị trường gắn kết với DN để có kế hoạch đào tạo tốt hơn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Gắn kết doanh nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO