Giảm nhập siêu: Tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu

02/11/2017 08:40

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, trong 2 tháng gần đây, mức nhập siêu của cả nước đã giảm xuống chỉ còn gần 701 triệu USD, tuy nhiên con số này vẫn chưa bền vững. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thoát được mối lo “nhập siêu”?

(Vietnam Logistics Review)Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, trong 2 tháng gần đây, mức nhập siêu của cả nước đã giảm xuống chỉ còn gần 701 triệu USD, tuy nhiên con số này vẫn chưa bền vững. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thoát được mối lo “nhập siêu”?

Tổng giảm, đơn lẻ vẫn tăng

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết ngày 15.9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa cả nước đạt gần 289,14 tỷ USD, tăng 21,4% (tương ứng tăng hơn 50,91 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (XK) đạt hơn 144,22 tỷ USD, tăng 20,1% (tương ứng tăng 24,14 tỷ USD) và kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa của cả nước đạt hơn 144,92 tỷ USD, tăng 22,7%.

Như vậy, tính đến hết nửa đầu tháng 9, mức nhập siêu của cả nước đã giảm xuống chỉ còn gần 701 triệu USD, tương đương với khoảng 0,5% kim ngạch XK của cả nước. Nhiều chuyên gia cho rằng sau 6 tháng nhập siêu cao, thậm chí vượt cả chỉ tiêu Quốc hội đặt ra thì đây là một tín hiệu đáng mừng.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sở dĩ có tình trạng nhập siêu là do các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như một số dự án trong nước liên tục giải ngân, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng và sắt thép, kim loại… phục vụ thi công tăng cao. Vào dịp cuối năm, một số dự án đi vào hoàn thành, nhập khẩu sẽ giảm, nên không đáng lo.

Nhìn vào bức tranh chung có vẻ khả quan, tuy nhiên ở một số thị trường, chúng ta vẫn nhập siêu khá cao. Đơn cử như Thái Lan, trong 8 tháng đầu năm, mức nhập siêu đạt 3,5 tỷ USD, tăng đến 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nhóm mặt hàng NK lớn nhất từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ô tô nguyên chiếc (432 triệu USD), xăng dầu các loại (406 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (403 triệu USD), linh kiện phụ tùng ô tô (340 triệu USD).

Điều đáng nói ở đây, những mặt hàng NK chủ yếu phục vụ tiêu dùng, thực phẩm... trong khi đó nhiều loại hàng hóa trong nước đã sản xuất được hoặc dư thừa.

Theo bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), nguyên nhân của việc nhập siêu là Việt Nam (VN) đang thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) nên 90% tổng số dòng thuế NK từ Thái Lan đã được xóa bỏ và con số này sẽ tiếp tục tăng lên 98% vào năm 2018. Thái Lan cũng đã dành ngân sách khá lớn cho xúc tiến thương mại, thiết lập kênh phân phối vững chắc và đang tiếp tục mở rộng tại VN trên cơ sở đánh vào tâm lý “sính ngoại” của nhiều người dân trung bình. Đây chính là điều kiện thuận lợi để DN, hàng hóa Thái thâm nhập thị trường.

Tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu

Một câu hỏi đặt ra là việc giảm thuế là như nhau, cơ cấu mặt hàng như nhau nhưng Thái Lan lại xuất siêu? Có phải tâm lý sính ngoại thực sự không? Câu trả lời rất thẳng thắn và đơn giản là mọi thứ của ta đều yếu kém. Ở phía nhà nước chưa xây dựng chiến lược cho từng quốc gia, ngành hàng, thậm chí mặt hàng hoặc có nhưng triển khai còn hạn chế; nguồn kinh phí cho xúc tiến thương mại quá ít ỏi; việc liên kết giữa các DN với nhau còn “mạnh ai nấy làm”; thậm chí có DN còn ngại từ chối tham gia do “tâm lý” sợ hàng hóa của DN mình không bằng hàng Thái.

Thực tế, cũng có lý do sính ngoại nhưng ít ra người tiêu dùng thích hàng Thái Lan vì họ tin tưởng hơn, nhất là thương hiệu quốc gia. Như vậy có thể thấy nguyên nhân cơ bản là do sức cạnh tranh của ta còn kém.

Vậy đâu là giải pháp để giải quyết vấn đề này? Nhiều chuyên gia cho rằng phải có giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao từ nhà nước đến DN (người tiêu dùng chỉ có một yêu cầu chất lượng tốt, giá hợp lý - PV).

Tại một cuộc họp về tình hình nhập siêu từ Thái Lan do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần phải xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế NK, trên cơ sở này dùng nó để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa XK.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho rằng phải tăng XK vào các thị trường VN đang nhập siêu bằng cách nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, giá trị sản phẩm cũng như thương hiệu quốc gia.

Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch XK năm 2017 sẽ đạt khoảng 202 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra. NK năm 2017 ước đạt 205 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD, bằng khoảng 1,49% kim ngạch XK

Bộ Công Thương cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh XK hàng hóa, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tập trung vào nhiều giải pháp như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước và cho các dự án sản xuất hàng XK, tạo nguồn cho hàng XK. Tăng cường công tác thông tin thị trường và triển khai mạnh các biện pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản thị trường. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về các Hiệp định thương mại tự do cũng như hỗ trợ DN ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt sẽ tập trung tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng XK, nhất là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài giải pháp trên thì quan trọng nhất là phải khuyến khích thiết lập được đội ngũ doanh nhân có cùng chí hướng, lòng tự trọng để cùng xây dựng thương hiệu quốc gia bằng sự tự tin và luôn khẳng định giá trị của chính mình. Từ đó góp phần giảm gánh nặng nhập siêu, hướng tới XK bền vững.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Giảm nhập siêu: Tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO