Một số tàu của Tổng công ty hàng hải Việt Nam đã bị lưu giữ ở nước ngoài. Ảnh minh họa: Kinh Luân. |
(TBKTSG Online) – Theo Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, lượng tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài đã giảm xuống, chủ yếu do cơ quan đăng kiểm và hàng hải thuộc Bộ Giao thông Vận tải siết chặt kiểm tra tình trạng tàu trước khi tàu rời cảng.
Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, cho biết trong quí vừa qua, số lượng tàu biển Việt Nam bị lưu giữ đã giảm xuống. Ông cho biết bên lề hội thảo cập nhật và nâng cao kiến thức pháp lý hàng hải và an toàn hàng hải tổ chức ngày 10-8 tại TPHCM.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong quí 2-2012, lượng tàu bị lưu giữ PSC (kiểm tra nhà nước cảng biển) - một hình thức kiểm tra rất phổ biến tại các quốc gia có cảng biển mà tàu Việt Nam đến – đã giảm khoảng 4 tàu so với quí 1, còn khoảng 11/230 trường hợp.
Lý do các vụ lưu giữ giảm xuống theo ông Quỳnh là do cơ quan hàng hải và đăng kiểm của Việt Nam đã làm quyết liệt hơn, đảm bảo tàu đáp ứng hàng loạt các tiêu chí về an toàn kỹ thuật… trước khi rời cảng Việt Nam.
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Đăng kiểm cùng với Cục Hàng hải lập danh sách các chủ tàu và tàu biển cụ thể có nguy cơ bị lưu giữ cao dựa trên các tiêu chí phân loại như trạng thái kỹ thuật tàu, trình độ quản lý của công ty, lịch sử lưu giữ tàu. Đối với nhóm tàu này phải kiểm tra 100% trước khi tàu rời cảng đi nước ngoài. Đối với nhóm tàu không thuộc danh sách này cho phép thực hiện kiểm tra không quá 2 tháng/lượt.
Bên cạnh nguyên nhân này, ông Quỳnh còn cho hay, việc nhiều chủ tàu Việt Nam gặp khó khăn trong kinh doanh cũng khiến lượng tàu ra nước ngoài giảm xuống, điều này cũng góp phần làm giảm lượng tàu bị lưu giữ.
“Có công ty tôi biết có đến 3 tàu biển phải nằm “trùm mền” không chạy được vì chủ tàu nợ đầm đìa, không có tiền để duy tu bảo dưỡng, đăng kiểm, và trả các khoản nợ xăng dầu trước khi ra nước ngoài”, ông nói.