Hà Tĩnh từng bước hoàn thiện để phát triển hệ sinh thái logistics

Phạm Vũ Lý|24/10/2021 16:47

(VLR) Giai đoạn trước năm 2021, kinh tế Hà Tĩnh nói chung và các ngành công nghiệp nói riêng đang trên đà phát triển; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Mặc dù xu thế vận tải hàng hóa bằng container qua các cảng biển đã trở nên phổ biến tại nhiều tỉnh thành nhưng ở thời điểm đó trên địa bàn tỉnh chưa có cảng khai thác tàu container. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng container của doanh nghiệp địa phương tuy chưa nhiều nhưng cũng đã hiện hữu. Vì vậy, các nhóm hàng container của doanh nghiệp Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận thường xuất nhập khẩu thông qua các cảng Hải Phòng, hàng nội địa vận chuyển thông qua cảng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Hà Tĩnh có điều kiện khá thuận lợi cho hoạt động vận tải biển quốc tế cả đường biển và đường bộ

Hà Tĩnh có điều kiện khá thuận lợi cho hoạt động vận tải biển quốc tế cả đường biển và đường bộ

Những “điều kiện cần” để phát triển hệ sinh thái Logistics

Thứ nhất, là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực Bắc Trung bộ và một phần của Lào, Đông Bắc Thái Lan

Hà Tĩnh là một trong những địa phương có điều kiện khá thuận lợi cho hoạt động vận tải quốc tế cả đường biển và đường bộ, là cửa ngõ xuất nhập khẩu của toàn bộ khu vực Bắc Trung Bộ, Bắc Bộ với thị trường Lào, Đông Bắc Thái Lanqua các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Cha Lo bằng tuyến quốc lộ 8A và quốc lộ 1. Đồng thời, Hà Tĩnh cũng là điểm tập kết- cửa ngõ ngắn nhất ra biển Đông giúp kết nối hàng hóa quá cảnh của hai thị trường này với cụm cảng tại Hồ Chí Minh, Cái Mép, Lạch Huyện để thông thương với các quốc gia trên thế giới.

Thứ hai, cụm cảng Vũng Áng được quy hoạch là cảng loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, có vị trí “vàng” trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế.

Cụm cảng Vũng Áng có luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý) và độ sâu tự nhiên lớn, từ -11m đến -22m. Với độ sâu lý tưởng này, cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 50.000- 300.000 DWT, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU. Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/09/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thế phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, theo đó, cụm cảng Vũng Áng, Sơn Dương thuộc Khu kinh tế Vũng Áng là đầu mối khu vực - cảng biển loại I, cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc giatrong hệ thống cảng biển Việt Nam.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng kết nối thông suốt liên vùng, đa phương tiện.

TP. Hà Tĩnh cách sân bay Vinh 50km với chưa đầy 1 giờ chạy xe, cách sân bay Đồng Hới 141km với khoảng 2 giờ chạy xe. Đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn Hà Tĩnh dài khoảng 71km với 8 ga; Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh là các tuyến dọc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, Hà Tĩnh cũng đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ khá liên hoàn, thông suốt.

Cùng đó, tuyến đường cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng, đường sắt kết nối Viêng Chăn - Vũng Áng cũng đang được Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào tích cực triển khai. Đây là tuyến đường giao thông “huyết mạch”, giúp phát triển lượng hàng quá cảnh từ Lào.

Ngoài ra, để đón hàng hóa từ cảng biển Vũng Áng, Cửa Lò sang Lào và Thái Lan, Hà Tĩnh cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng 1 cảng cạn ICD tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xây dựng cảng cạn với quy mô khoảng 5 - 10 ha, năng lực thông qua 13.500 - 27.000 TEU/năm.

Thứ tư, quy hoạch Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng thực sự trở thành KKT đa chức năng.

Trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng được quy hoạch là trung tâm logistics hạng I, phục vụ các hoạt động dịch vụ logistics trong tỉnh, khu vực và quốc tế. Đây cũng sẽ là điểm tập kết hàng từ các KKT, khu - cụm công nghiệp thuộc Hà Tĩnh và khu vực Bắc Quảng Bình để vận chuyển đến cảng Hải Phòng bằng đường biển; vận chuyển trực tiếp bằng đường biển đến các cảng trung chuyển lớn trong khu vực như: Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore; vận chuyển bằng đường bộ (QL 8 và QL 12C) đến Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.

Để kích cầu thị trường, ngày 28/4/2021, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích hãng tàu đến bốc, trả hàng tại cảng, thu hút doanh nghiệp.

Thứ năm, Hà Tĩnh trở thành “điểm đến đầu tư” đầy triển vọng

Gần đây, Hà Tĩnh liên tục nằm trong các tỉnh tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư và tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới. Hàng loạt các dự án lớn đi vào hoạt động: Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh, Nhà máy Bao bì Sông La Xanh, Nhà máy May mặc xuất khẩu Appareltech, giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất chế biến lâm sản An Việt Phát,… đã tạo nên nhu cầu dịch vụ logistics lớn hơn cho địa phương. Hà Tĩnh đã, đang và sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng cảng biển: Cảng Lào - Việt, Hoành Sơn, Vingroup…; hạ tầng giao thông, kho bãi... Nhiều tập đoàn đề xuất nghiên cứu khảo sát xây dựng một tổ hợp cảng biển, trung tâm logistics quy mô lớn, kết nối Cảng biển Vũng Áng với các cảng biển quốc tế.

Tháng 01/2021, tỉnh Hà Tĩnh với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và Trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương.

“Điều kiện đủ…”

Bên cạnh những “điều kiện cần” đã có nêu trên, đâu là “điều kiện đủ” mà Hà Tĩnh cần hoàn thiện? Đó là một chiến lược phát triển dài hạn, cũng chính là điều mà TCT TCSG - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics tại Việt Nam đang xây dựng để phát triển Trung tâm Logistics tại Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Trên cơ sở cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ giữa UBND Tỉnh Hà Tĩnh và TCT TCSG, ngày 10/4/2021, chuyến tàu container đầu tiên cập Cảng quốc tế Lào - Việt (cảng Vũng Áng) do Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt và Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng (Tân Cảng Shipping) - thành viên thuộc hệ thống TCT TCSG hợp tác triển khai. Đây là tuyến dịch vụ vận tải biển kết nối hàng hóa Hải Phòng - Vũng Áng - TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Từ đó đến nay đưa vào khai thác ổn định 2-4 chuyến/tháng, đảm bảo nhu cầu vận chuyển cho các Doanh nghiệp trong tỉnh như: Hàng XNK từ cảng Hải Phòng về nhà máy của Formosa, vận chuyển nội địa từ Hà Tĩnh vào các tỉnh miền Nam của Thanh Thành Đạt, hàng Kali (từ Lào),… Đánh dấu bước đầu thành công trong chiến lược kiến tạo giải pháp kết nối Logistics tại thị trường Hà Tĩnh của TCT TCSG và từng bước tiến tới xuất khẩu dịch vụ logistics ra các thị trường nước ngoài vì khi tuyến container được duy trì sẽ tạo sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào KKT Vũng Áng sẽthu hút thêm nguồn khách hàng tiềm năng từ các nhà máy, khách hàng XNK, các công ty cung cấp dịch vụ logistics tại các địa phương lân cận, đối tác và khách hàng của Lào và Thái Lan.

Dự kiến ngày 28/10, Hội thảo trực tuyến Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh - Kết nối liên vùng phát triển thị trường Việt - Lào sẽ bàn về các giải pháp phát triển hệ sinh thái logistics tại Vũng Áng

Dự kiến ngày 28/10, Hội thảo trực tuyến Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh - Kết nối liên vùng phát triển thị trường Việt - Lào sẽ bàn về các giải pháp phát triển hệ sinh thái logistics tại Vũng Áng

Sắp tới, ngày 28/10/2021, TCT TCSG sẽ tổ chức buổi hội thảo trực tuyến với chủ đề “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh - Kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt - Lào” để giới thiệu về tuyến dịch vụ vận tải biển kết nối Vũng Áng và các giải pháp logistics mới đến các khách hàng. Hội thảo có sự tham gia trao đổi của đại diện UBND Tỉnh Hà Tĩnh, Cơ quan ban ngành hữu quan, Hãng tàu quốc tế, TCT TCSG, các đối tác khách hàng. Tại đây các bên sẽ thảo luận và tìm ra các “điều kiện đủ” để cùng phát triển Hệ sinh thái Logistics tại Vũng Áng, Hà Tĩnh.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh từng bước hoàn thiện để phát triển hệ sinh thái logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO