Hàng hóa chậm luân chuyển tại cảng biển: Những bất cập và giải pháp

Trịnh Thế Cường|20/07/2018 08:41

(VLR) Việc hàng hóa chậm luân chuyển giữa các cảng biển Việt Nam đã dẫn đến tình trạng các DN cảng phải luân chuyển vị trí các container trong bãi hoặc giữa các bến cảng, ICD khác nhau, điều này làm gia tăng chi phí và giảm hiệu quả khai thác cảng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu cả nước.

Hàng hóa chậm luân chuyển và nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển

Theo báo cáo từ Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến ngày 31.5.2018, số lượng hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam là 27.944 container. Trong đó, khu vực cảng biển Hải Phòng có 6.753 container, khu vực cảng biển TP. HCM có 14.658 container, khu vực BR-VT 6.533 container.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm luân chuyển như trên là do chính sách thương mại của các cường quốc kinh tế thế giới có nhiều thay đổi với nhiều diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Đơn cử như việc Trung Quốc thông báo ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu có thể tái chế từ ngày 01.01.2018. Vì thế, một số lượng lớn các mặt hàng này từ các nước phát triển sẽ không được nhập vào Trung Quốc mà sẽ tìm đường vào các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Chỉ tính riêng tại cảng Cát Lái – TP. HCM, đến ngày 18.5.2018, đã có trên 8.000 TEUs (chiếm khoảng 10% tổng dung lượng bãi) hàng hóa nhập khẩu tồn đọng trên 40 ngày, trong đó khoảng 70% là hàng nhựa/giấy phế liệu mà cơ quan hải quan yêu cầu khóa, không được giao nhận. Số container hàng tồn còn lại chủ yếu là hóa chất, máy móc thiết bị, phân bón, kính nổi màu, đồ chơi trẻ em… Theo thông tin từ các hãng tàu, lượng hàng nhựa/giấy phế liệu này đang được tiếp tục nhập lượng lớn về Việt Nam, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Như vậy, việc hàng hóa chậm luân chuyển tại cảng Cát Lái nói riêng và các cảng biển Việt Nam nói chung sẽ dẫn tới tình trạng các DN cảng phải luân chuyển vị trí các container trong bãi hoặc giữa các bến cảng, ICD khác nhau. Điều này làm gia tăng chi phí và giảm hiệu quả khai thác cảng; đồng thời, gây ảnh hưởng tới hàng hóa xuất nhập khẩu khác của Việt Nam.

Một số tồn tại, bất cập

Trong quá trình xử lý hàng hóa chậm luân chuyển đã có một số bất cập như sau:

- Theo quy định của Bộ Luật hàng hải 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 169/2016/NĐ-CP ngày 26.12.2016 về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam quy định việc xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.

- Để các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan theo thẩm quyền tiếp tục khẩn trương thực hiện xử lý những lô hàng đang tồn đọng tại cảng biển, cửa khẩu theo đúng quy định của Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10.4.2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; Trong thời gian qua, Cục Hải quan TP. HCM chỉ đạo các Chi cục thường xuyên rà soát, thống kê, soi chiếu, thực hiện phân loại đối với những container hàng có dấu hiệu nghi vấn, thực hiện khóa container, xếp vào một khu vực riêng để theo dõi, giám sát chặt chẽ. Nếu chủ hàng làm thủ tục nhận hàng, thực hiện kiểm tra chi tiết, xử lý nghiêm nếu sai phạm; Trường hợp chủ hàng không làm thủ tục, khi quá hạn 90 ngày thực hiện xử lý theo quy định tại Thông tư số 203/2014/ TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan; Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27.01.2014 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa và các quy định của pháp luật liên quan khác nhằm giải quyết kịp thời và tránh lãng phí hàng còn giá trị, xử lý tiêu hủy những lô hàng ảnh hưởng đến môi trường.

- Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xử lý hàng hóa tồn đọng, vấn đề xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng, trình tự thực hiện bán đấu giá chưa quy định quyền và nghĩa vụ các bên và nhiều vấn đề liên quan khác như theo Khoản 3 Điều 19 của Thông tư số 203/2014/TT-BTC quy định trường hợp chưa có nguồn kinh phí để thực hiện chi trả Hội đồng tạm ứng kinh phí từ tài khoản tạm giữ, dự toán ngân sách thường xuyên của Cục Hải quan hoặc của doanh nghiệp quản lý hàng hóa tồn đọng để thực hiện chi trả từ nguồn ngân sách là một trong những nguyên nhân gây khó khăn làm chậm quá trình thanh lý hàng hóa tồn đọng.

Cần thành lập Tổ công tác liên ngành (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải) để trực tiếp làm việc với chủ hàng, DN xuất nhập khẩu và các bên liên quan để sớm có giải pháp cụ thể đối với các lô hàng cần sớm giải phóng, giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng biển.

Ngoài ra, đối với hàng hóa chậm luân chuyển hiện nay chưa có quy định cụ thể. Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã có văn bản số 930/TCT-KHKH ngày 18.5.2018, về việc xử lý các container nhựa phế liệu nhập khẩu tại cảng Tân cảng Cát Lái và cảng Tân cảng Hiệp Phước trong đó “Từ 01.6.2018, Tân Cảng Sài Gòn chỉ tiến hành dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể. Trường hợp không đủ chứng từ như yêu cầu, quý Hãng tàu và Khách hàng vui lòng phối hợp để chuyển cảng dỡ hàng cho các lô hàng này về các cảng khác trước khi tàu cập cảng, tránh gây bị động khi giải phóng tàu làm phát sinh thời gian và chi phí cho các bên liên quan” và “từ 10.6.2018 đến 30.9.2018, Tân Cảng Sài Gòn ngưng tiếp nhận toàn bộ hàng nhựa phế liệu nhập khẩu trực tiếp tại hai cảng này. Mặt hàng giấy phế liệu vẫn tiếp tục thực hiện theo nội dung tại mục 2.1”.

Kiến nghị, đề xuất

Để kịp thời có biện pháp xử lý hàng hóa chậm luân chuyển theo đúng quy định của pháp luật và tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất các giải pháp sau:

- Thành lập Tổ công tác liên ngành (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải) để trực tiếp làm việc với chủ hàng, DN xuất nhập khẩu và các bên liên quan để sớm có giải pháp cụ thể đối với các lô hàng cần sớm giải phóng, giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng biển.

- Tổng Cục Hải quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc di chuyển container nhựa/giấy phế liệu chậm luân chuyển nêu trên về các ICD hoặc bến cảng khác; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ Tổng Công ty Tân Cảng phối hợp với hãng tàu và khách hàng chủ động chuyển các lô hàng này về các cảng khác trước khi tàu cập cảng, tránh gây bị động khi giải phóng tàu làm phát sinh thời gian và chi phí cho các bên liên quan.

- Nghiên cứu, xem xét sửa đổi Thông tư số 203/2014/ TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hàng hóa chậm luân chuyển tại cảng biển: Những bất cập và giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO